Khi sếp bắt quả tang bạn nói dối

Bạn nói rằng đã gọi điện cho đối tác, song sếp được phản ánh điều ngược lại. Đó là tình huống tồi tệ và bạn không nên ngụy biện thêm bằng một lời nói dối khác.

Nói dối không phải một thói quen tốt, song rõ ràng nhiều người thường xuyên làm điều đó với sếp của mình.

Ví dụ, bạn muốn kéo dài thời gian ăn trưa với người yêu nên nói với cấp trên rằng phải đi gặp nha sĩ; hoặc khẳng định đã gọi điện cho khách hàng nhưng bây giờ mới bắt đầu liên lạc.

Và tất nhiên, trường hợp lộ tẩy có thể sẽ xảy ra, chẳng hạn sếp bắt gặp bạn tại nhà hàng mà đáng ra bạn phải đang trên bàn chỉnh nha.

Đó chắc chắn sẽ là sự cố khiến bạn bối rối, thậm chí lo sợ vì có thể mất đi lòng tin của sếp.

The Muse gợi ý một số điều bạn nên làm trong tình huống này.

Khi bị sếp bắt quả tang nói dối, nhiều người bao biện bằng cách nói dối thêm lần nữa, cố gắng giải thích cho câu chuyện của mình. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải ý tưởng hay, không phải ai cũng có thể phản xạ nhanh nhẹn để tạo ra những câu chuyện mới thuyết phục.

Khi những lời nói dối đan xen, mọi chuyện sẽ càng rối rắm, tồi tệ và bạn thực sự rơi vào chiếc hố do chính mình tự đào.

Thay vì thêm lời ngụy biện, hãy bắt đầu bằng một lời xin lỗi. Câu nói "Tôi xin lỗi vì đã không thành thật" có tác dụng hơn bất kỳ lời bào chữa nào khác. Quan trọng hơn, hãy đảm bảo đó là ý nghĩ chân thành và thể hiện sự hối hận của bạn.

Sau lời xin lỗi, hãy giải thích tại sao bạn nói dối sếp và điều đó tốt nhất không nên liên quan gì tới công việc và công ty của bạn.

Bạn cần bày tỏ một cách thiện chí, không nên dại dột có thêm lần nói dối tiếp theo vào lúc này.

Cần lưu ý: Dù bạn có bào chữa xuất sắc đến đâu, sự thật vẫn là bạn từng thiếu trung thực.

 Bạn không nên nói dối thêm để bào chữa cho mình. Ảnh minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Bạn không nên nói dối thêm để bào chữa cho mình. Ảnh minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Nếu lời nói dối của bạn ảnh hưởng tới công ty và công việc đang làm, ngay lập tức hãy cho sếp biết rằng bạn dự định khắc phục hậu quả ra sao và trong thời gian nào.

Ví dụ: Bạn chưa gọi điện cho khách hàng, nhưng nói dối sếp rằng đã thực hiện.

Khi sếp biết bạn đang nói dối, hãy gửi email cho khách hàng và sắp đặt ngay một cuộc gọi để giải quyết vấn đề. Bạn cần thông báo ngay những hành động của mình tới sếp để họ thấy rằng bạn đã biết lỗi và biết cách khắc phục hậu quả.

Tốt nhất bạn nên tránh nói dối sếp của mình ngay từ đầu. Mối quan hệ quản lý - nhân viên không còn khó khăn như trước đây, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ cởi mở, thẳng thắn với sếp và hy vọng sự thông cảm.

Trong các trường hợp bạn buộc phải nói dối, hãy nghĩ tới hậu quả khi bạn bị bắt quả tang một lần nữa.

Hoàng Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-sep-bat-qua-tang-ban-noi-doi-post1352781.html