Khi thai phụ không may mắc Covid-19

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu thai phụ mắc Covid-19 sẽ tăng gấp đôi nguy cơ sinh non

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai không tăng khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng nếu không may mắc Covid-19 thì 2/3 trường hợp không có triệu chứng.

Phòng tránh các nguy cơ

Theo bác sĩ Bùi Văn Hoàng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, triệu chứng khi phụ nữ mang thai bị nhiễm SARS-CoV-2 không khác biệt so với người không mang thai. Khoảng 80% người bệnh có các triệu chứng giống cảm cúm hoặc cảm lạnh như: sốt, ho, mệt mỏi, đau cơ..., không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, thai phụ nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tăng nguy cơ diễn tiến nặng, tăng nguy cơ các biến chứng thai kỳ.

"Một nghiên cứu gần đây cho biết phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính tại thời điểm chuyển dạ dễ bị tiền sản giật, nhiều khả năng phải mổ lấy thai. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu thai phụ mắc Covid-19 sẽ tăng nguy cơ sinh non. Một số yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 của sản phụ là phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai, chỉ số cân nặng (BMI) lớn hơn hoặc bằng 25, có kèm bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường…" - bác sĩ Hoàng thông tin.

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) mổ lấy thai ngay tại khu điều trị Covid-19. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) mổ lấy thai ngay tại khu điều trị Covid-19. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Hiện do chưa có thuốc đặc hiệu nên điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm, bên cạnh công tác điều trị chuyên môn, các bác sĩ phải luôn chú ý động viên tinh thần của thai phụ, phát hiện kịp thời các rối loạn lo âu, những vấn đề sức khỏe tâm thần để tư vấn, giúp họ yên tâm điều trị và "vượt cạn" thành công.

Nhớ thời điểm khám thai

Bác sĩ Bùi Văn Hoàng tư vấn để phòng ngừa Covid-19, phụ nữ mang thai cần tuân thủ tốt quy định 5K của ngành y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Phụ nữ mang thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. Bên cạnh đó, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ mang thai, lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.

Hiện trong tình hình dịch bệnh, dù hạn chế ra ngoài nhưng có một số điểm mốc khám thai quan trọng, chị em cần bảo đảm. Cụ thể, khi trễ kinh khoảng 1-2 tuần, cần thăm khám để xác định vị trí thai. Đối với tuổi thai từ 11-13 tuần, cần thăm khám để sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể, siêu âm đo độ mờ da gáy. Khi thai được 20-25 tuần tuổi, thực hiện siêu âm 4D và nếu thai được 32 tuần tuổi cũng cần phải được bác sĩ đánh giá tăng trưởng thai.

"Lịch khám thai sẽ theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa và thay đổi tùy tình trạng thai, sức khỏe sản phụ và bệnh lý kèm theo của từng người" - bác sĩ Hoàng cho biết.

Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời. Ngoài ra, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, bởi có nhiều bệnh cũng gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ viêm họng, cúm cũng có thể sốt, ho...

Để có một thai kỳ khỏe mạnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP HCM kiêm Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết phụ nữ mang thai cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với tuổi thai. Phải bảo đảm cung cấp đầy đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), chất béo, bột, đường.

Đặc biệt, cần chú ý đến các loại vitamin (A, B, C), chất khoáng, axít folic, kẽm… Đáp ứng đầy đủ các vitamin, chất khoáng này sẽ giúp thai nhi tăng trưởng tốt, đồng thời cũng hỗ trợ tăng sức đề kháng cho thai phụ.

Với các loại trái cây, phụ nữ mang thai nên chọn loại có vỏ như táo, lê, cam, chuối, bưởi… Mỗi ngày, cần khoảng 100 - 200 g trái cây. Nếu ăn đầy đủ các loại như vậy sẽ bảo đảm cân đối các nhóm chất, giúp phụ nữ mang thai có đầy đủ yếu tố dinh dưỡng để hỗ trợ tăng sức đề kháng.

Bác sĩ Ngọc Diệp khuyến cáo phụ nữ mang thai cần uống bổ sung viên đa vi chất, thành phần tối thiểu bảo đảm phải có sắt, axít folic theo khuyến nghị, hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống nhiều các loại viên bổ sung khác nhau vì có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn, thậm chí dẫn tới quái thai.

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/khi-thai-phu-khong-may-mac-covid-19-20210802213111415.htm