Khi 'thần linh' không còn đi qua mặt hồ Suwa

Sự xuất hiện không đều đặn của hiện tượng Miwatari tại hồ Suwa của Nhật là lời cảnh báo của 'thần linh' đối với sự tác động đáng kể của biến đổi khí hậu.

Gần 6 thế kỷ qua, người dân sống xung quanh khu vực hồ Suwa, tỉnh Nagano (miền trung nước Nhật) đều chờ đón một hiện tượng lạ xảy ra trên hồ. Hiện tượng này chỉ xuất hiện sau nhiều ngày nhiệt độ xuống thấp.

Đêm trước khi sự kiện này xuất hiện, người dân nghe thấy tiếng ầm ầm lớn. Khi bình minh ló dạng, người dân tại đây một dải băng dài, hẹp, lởm chởm xuất hiện một cách bí ẩn trên bề mặt hồ, quanh co như lưng gai của một con rồng đang uốn lượn.

Người dân gọi hiện tượng này là Miwatari, có nghĩa là đường giao nhau linh thiêng. Theo quan niệm của người dân địa phương, đường băng này là do một vị thần trong Thần đạo đi qua và để lại, theo tờ The New York Times.

 Hồ Suwa thuộc tỉnh Nagano (Nhật). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hồ Suwa thuộc tỉnh Nagano (Nhật). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Sự xuất hiện của đường băng gợi lên cảm giác kinh ngạc nhưng cũng giúp cho người dân trong khu vực cảm thấy yên tâm hơn. Trong những mùa đông hiếm hoi khi đường băng không xuất hiện, người dân tại đây tin rằng vị thần đã vắng mặt và đó cũng là lời cảnh báo rằng thế giới tự nhiên đang mất cân bằng.

“Thần linh” không còn đi qua hồ?

Miwatari quan trọng đến mức người dân ở đây đã ghi chép lại thời gian hiện tượng này xuất hiện, tình trạng của hồ và những sự kiện lịch sử có liên quan. Họ đã kiên trì viết những mô tả này vào mỗi mùa đông kể từ năm 1443, tạo nên một biên niên sử đáng chú ý kéo dài nhiều thế kỷ.

Nhưng gần đây, biên niên sử của hồ Suwa đã kể một câu chuyện khác, đáng báo động hơn. Trong 7 mùa đông qua, hiện tượng Miwatari đã không xuất hiện vì hồ không đóng băng hoàn toàn.

Mặc dù thỉnh thoảng có những năm hồ không có băng, nhưng theo biên niên sử, việc hồ không có băng kéo dài như vậy chỉ xảy ra một lần trước đây, và đó là cách đây nửa thiên niên kỷ.

Trong 25 năm qua, sự kiện hồ Suwa đã không đóng băng hoàn xảy ra trong 18 năm. Ông Kiyoshi Miyasaka – người quản lý đền Yatsurugi (nơi đã đảm nhiệm nhiệm vụ ghi sự kiện Miwatari trong 350 năm qua) – cho biết băng đã không xuất hiện thường xuyên trên hồ Suwa kể từ những năm 1980. Ông Miyasaka và những người dân địa phương khác cho rằng nguyên nhân khiến băng và hiện tượng Miwatari không xuất hiện là do biến đổi khí hậu.

“Ngày xưa, việc hồ Suwa không đóng băng hoàn toàn được coi là điềm xấu. Chúng tôi nghe nói về việc băng tan ở các chỏm băng và sông băng Himalaya, nhưng chính hồ nước của chúng tôi cũng đang cố gắng cảnh báo chúng tôi” – ông Miyasaka nói.

Mỗi sáng sớm trong suốt tháng 1 và đầu tháng 2, ông Miyasaka và hàng chục người dân tụ tập tại một bãi đậu xe trên bờ hồ để kiểm tra xem “vị thần” có đi qua mặt hồ Suwa vào ban đêm không. Thế nhưng, trong nhiều năm nay, họ chỉ cảm thấy thất vọng.

Chỉ những người dân trên 60 tuổi vẫn nhớ thời điểm hiện tượng Miwatari được hình thành rất cao và tạo ra âm thanh có thể đánh thức họ vào ban đêm. Lần cuối cùng một dải băng hình thành là vào năm 2018. Khi ấy, dải băng chỉ cao khoảng 15 cm.

 Một bức ảnh chụp hiện tượng Miwatari vào tháng 1-2006, được treo tại đền Yatsurugi (Nhật). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Một bức ảnh chụp hiện tượng Miwatari vào tháng 1-2006, được treo tại đền Yatsurugi (Nhật). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Khi tôi còn nhỏ, những đỉnh băng nhô cao hơn cả chiều cao của tôi. Chúng tôi biết khi nào đường băng xuất hiện vì nó phát ra âm thanh giống như tiếng trống taiko (trống truyền thống của Nhật): ‘Gon-gon-gon!’” – ông Isao Nakazawa (81 tuổi) cho biết.

Lời cảnh báo từ “thần linh”?

Theo The New York Times, ngày nay, hiện tượng Miwatari đã phần nào mất đi nhiều ý nghĩa tôn giáo của nó.

“Việc duy trì một truyền thống trong 580 năm giúp gắn kết cộng đồng của chúng ta lại với nhau. Tôi lo ngại những gì đang xảy ra hiện nay là lời cảnh báo để chúng ta suy nghĩ lại về cách chúng ta đang sống” – Thị trưởng TP Suwa, bà Yukari Kaneko (66 tuổi), lên tiếng.

Khoa học cũng đã “cướp đi” sự bí ẩn của các dải băng thông qua việc giải thích cách chúng hình thành. Theo đó, khi hồ Suwa đóng băng, bề mặt của nó cứng lại thành bề mặt băng. Vào những đêm đặc biệt lạnh, băng co lại, mở ra các vết nứt chứa đầy nước hồ và nước sau đó cũng đóng băng. Khi nhiệt độ tăng trở lại, mặt băng giãn nở trở lại hình dạng ban đầu, đẩy lớp băng mới hình thành lên thành các dải băng cong vênh.

Các dải băng tương tự xuất hiện ở những nơi khác, bao gồm hồ Mendota ở bang Wisconsin (Mỹ). Nhưng hồ sơ về dải băng tại hồ này không được lưu trữ rõ ràng, chi tiết như ở Suwa.

"Biên niên sử này khá đặc biệt vì mọi người đã ghi lại cùng một điều theo cùng một cách trong nhiều thế kỷ. Đây là một ví dụ về di sản văn hóa đang dần mất đi và có thể không bao giờ quay trở lại" – ông Dagomar Degroot, GS lịch sử môi trường tại ĐH Georgetown (Mỹ), cho biết.

Dù ông Miyasaka cho biết ông cảm thấy nản lòng vì dải băng không xuất hiện nhưng ông vẫn có ý định tiếp tục cập nhật biên niên sử.

“Bạn không thể bỏ rơi một thứ đã tồn tại hơn 580 năm. Tôi sẽ không phải là người chấm dứt nó” – ông Miyasaka nói.

Những người dân tại đây cũng cho biết họ sẽ tiếp tục cùng ông Miyasaka kiểm tra hồ vào các buổi sáng mùa đông. “Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải tiếp tục lịch sử này” – ông Hiroyuki Okazaki, một thợ mộc 63 tuổi, cho biết.

 Ông Miyasaka chủ trì một buổi lễ trên mặt hồ Suwa vào năm 2018 – cũng là năm gần đây nhất hiện tượng Miwatari xuất hiện. Ảnh: THÀNH PHỐ SUWA

Ông Miyasaka chủ trì một buổi lễ trên mặt hồ Suwa vào năm 2018 – cũng là năm gần đây nhất hiện tượng Miwatari xuất hiện. Ảnh: THÀNH PHỐ SUWA

Cả ông Miyasaka và người dân tại đây đều không tin rằng họ thực sự bị vị thần bỏ rơi, dù họ không biết rõ vị thần nào đi qua hồ, do các ghi chép cổ xưa cũng không đề cập rõ.

Ông Miyasaka đã đọc qua tất cả mục trong biên niên sử, bao gồm mục lâu đời nhất hiện được lưu giữ trong một viện bảo tàng. Hầu hết trang của biên niên sử được viết bằng bút lông và đóng trong những cuốn sách khâu tay. Biên niên sử cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng Miwatari đều đặn đến bất ngờ. Tuy nhiên, trong suốt thế kỷ XVII, dải băng chỉ xuất hiện 2 lần.

Năm 1986, cha ông Miyasaka đã dạy ông cách thực hiện nghi lễ để tôn vinh sự xuất hiện của hiện tượng Miwatari. Khi ấy, ông Miyasaka cho rằng mình sẽ phải làm điều này hàng năm.

Nhưng trên thực tế, từ đó đến nay, ông chỉ được làm nghi lễ này 9 lần về hiện tượng Miwatari.

"Khi tổ tiên chúng tôi tạo ra những ghi chép này cách đây nhiều thế kỷ, họ không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ kể một câu chuyện như vậy. Hiện tượng Miwatari đã trở thành lời cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu" – ông Miyasaka nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/khi-than-linh-khong-con-di-qua-mat-ho-suwa-post841671.html