Khi thang máy chung cư bất ngờ biến thành hố tử thần
Vào khoảng 16h ngày 21-9, người dân chung cư Sen Hồng (Bình Dương) bàng hoàng phát hiện thi thể nam bảo vệ trong hầm thang máy của tòa nhà. Đã có ít nhất một vụ việc đau lòng tương tự xảy ra, khi nạn nhân mở cửa thang máy bước vào mà không có cabin. Vụ việc gần nhất ở Bình Dương này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về kiến thức tối thiểu khi sử dụng thang máy đối với mọi người.
Rơi xuống hầm thang máy
Vụ việc xảy ra vào khoảng 16h ngày 21-9 tại chung cư Sen Hồng thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Nghe thấy tiếng động lớn phát ra từ thang máy, một số người chạy lại thì phát hiện người bảo vệ nằm bất động trong hầm thang máy của tòa nhà. Nạn nhân được xác định là ông N.V.K (59 tuổi, ngụ tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).
Người dân cho biết thang máy bị trục trặc và đang được bảo trì nên có khả năng bảo vệ này không chú ý quan sát cabin bên trong thang máy dẫn đến việc vô tình bước vào và bị rơi xuống hầm gây tử vong.
Rơi trúng nóc ca-bin
Cách đây vài năm, sáng ngày 30-6-2014, ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, quê ở Phú Thọ) - nhân viên bảo vệ tại tòa nhà N5A khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã thiệt mạng khi cùng một số người lên tầng 7 của tòa nhà để kiểm tra thang máy bị hỏng.
Do không chú ý cabin đang ở tầng 1, ông Tuấn đã bước vào trong nên bị rơi thẳng xuống dưới và tử vong ngay tại chỗ. Nguyên nhân sự việc được xác định là từ khi được đưa vào sử dụng năm 2005, thang máy của tòa nhà này thường xuyên trong tình trạng bị hỏng hóc, không được sửa chữa kịp thời.
Tòa nhà N5A - nơi ông Tuấn bị rơi xuống và tử vong
Cách xử lí khi gặp "sự cố" trong thang máy
Quan sát kỹ thang máy khi bước vào
Từ hai vụ việc đáng tiếc trên, việc cần thiết và đơn giản nhất trước khi bước vào thang máy là nhìn xem có ca-bin hay không để đảm bảo an toàn.
Khi thang máy bị rơi tự do
Đầu tiên, bạn cần thật bình tĩnh và bám chặt vào tay cầm bên trong thang máy để giữ cho mình không bị mất thăng bằng.
Đảm bảo lưng và đầu được dựa chắc vào vách cabin, tạo thành một đường thẳng đứng nếu thang máy vượt tốc rơi xuống hố.
Cố gắng cong đầu gối lại mức nhiều nhất có thể ( hoặc nên nằm ra sàn nếu đủ diện tích) để tạo thế uyển chuyển, giảm thiểu tối đa sự chấn động mạnh có thể xảy ra.
Khi bị kẹt lại trong thang máy
Trước tiên, hãy thử ấn nút mở cửa, nếu không được thì ấn ngay chuông cứu hộ.
Liên lạc ra bên ngoài bằng cách ấn nút “hình quả chuông” hay Alarm hoặc gọi ngay số đường dây nóng trên bảng hướng dẫn sử dụng trong thang máy.
Trong thời gian chờ đợi không nên tìm cách cậy cửa, hoặc tìm cách thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin.