Khi thực khách 'ngó lơ' nguy cơ mất an toàn vệ sinh từ thức ăn đường phố

Không tủ kính, chỉ dùng tạm bợ vài tấm nilon để che đậy thực phẩm, bất chấp khói xe, bụi đường là hình ảnh quen thuộc tại các quán cóc, xe đẩy bán hàng rong vỉa hè.

Xe đẩy bán hàng rong vỉa hè tại một điểm chờ xe buýt trên đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Mộc Miên

Xe đẩy bán hàng rong vỉa hè tại một điểm chờ xe buýt trên đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Mộc Miên

Tâm lý “khuất mắt trông coi”

Nắm bắt nhu cầu của người dân cần nhanh, tiện, giá rẻ, nhiều người kinh doanh hàng rong vỉa hè tại Hà Nội đã cơi nới phương tiện di chuyển xe máy thành xe đẩy bán hàng đủ loại đồ ăn, thức uống sẵn. Từ bánh mì, ngô luộc, giò, chả, xôi, thịt xiên, vịt quay… đến các loại hoa quả dầm, sinh tố… Hầu hết mặt hàng ăn uống đều bày biện trên các khay đựng đồ ăn sẵn mà không có tủ kính bảo quản.

Tại khu vực cổng trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào khoảng khung giờ từ 16h30-19h, khá đông học sinh, sinh viên, người đi làm đứng thưởng thức ẩm thực xiên que vỉa hè, đầy đủ các loại như: thịt viên chiên, bò viên, chả cá, xiên tôm, nem chua, xúc xích, hồ lô… Thoạt nhìn, các que thịt xiên được xiên sẵn, xếp phía trên khay đựng chảo dầu rán, không có tủ kính che chắn. Mỗi lần khách hàng có nhu cầu người bán hàng lấy que xiên vào chảo dầu nóng. Chưa đầy 30 giây, que xiên nóng hổi, thơm mùi gia vị được quẹt tương ớt và đưa khách hàng thưởng thức. Mỗi que thịt xiên có giá từ 3.000 - 10.000 đồng thu hút đông đảo giới trẻ.

Em Nguyễn Thị H (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) là một khách hàng quen của xiên que vỉa hè này cho biết, đồ xiên sẵn được tẩm ướp gia vị rất thơm, ngon. Giá thành rẻ khi xiên nhỏ 3.000 đồng, xiên lớn 10.000 đồng, xiên thường 5.000 đồng. Những que xiên được rán qua dầu chiên nóng hổi, thơm phức là món quà vặt yêu thích của rất nhiều bạn trẻ.

Trước thắc mắc của PV về việc có cảm thấy mất an toàn vệ sinh khi thực phẩm được bày bán không có tủ bảo quản, tẩm ướp cả bụi đường, gió, những que xiên không nhãn mác, bao bì hạn sử dụng, H cho rằng: “Bản thân em cũng không chú ý lắm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vì nghĩ đồ ăn được chiên nóng, chế biến chín rồi, em cũng chưa lần nào bị đau bụng hay ngộ độc thức ăn”.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Thực tế, câu chuyện sử dụng thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm phổ biến tại nhiều quán ăn vỉa hè, gánh hàng rong, quán cóc. Trên đường phố Hà Nội, không khó bắt gặp gánh hàng rong bày bán đủ loại hoa quả dầm được gọt sẵn, trộn gia vị và được đóng túi kính. Đó còn là hình ảnh xe đẩy không có tủ kính, bán đủ loại từ ngô luộc, xôi, bánh mì,… tại các điểm dừng xe buýt, bến cóc, bến xe… Hầu hết quầy hàng rong di động thu hút thực khách vì phục vụ nhanh, thuận tiện, giá rẻ.

Khu vực chợ Xanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là “thiên đường” ẩm thực vỉa hè, bởi lẽ ở đây có đầy đủ các món như bún, phở, chả rán, nem chua, chè, xiên que vỉa hè, hoa quả dầm… Khu chợ tập trung khá nhiều sinh viên, học sinh, thời điểm cuối tuần dòng người chen chúc đến khu chợ mua sắm, thế nhưng các món ăn được bày bán trên chiếc bàn thô sơ, không có tủ kính bảo quản,… Người bán vô tư dùng đôi tay trần để bán hoa quả dầm, rán xiên que…

Những “tín đồ” yêu thích phô mai que đều quen thuộc với tuyến phố Lò Đúc, phố Trần Khát Chân, các sản phẩm phô mai que chiên giá chỉ từ 5.000 đồng. Những chiếc hộp phô mai được đóng gói sẵn, phục vụ khách hàng ăn tại chỗ hoặc đem về.

Theo tiết lộ của một người dân, họ bán phô mai que đóng sẵn hộp được nhập từ Trung Quốc. So sánh về giá thành rẻ của các loại xiên que, phô mai que cho thấy, sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Số lượng xiên que vỉa hè không nhãn mác, bao bì hạn sử dụng, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Chưa kể sản phẩm bày bán vỉa hè nguy cơ nhiễm bụi, xăng xe, bảo quản không đúng cách. Tất nhiên, người bán giới thiệu đồ sạch, nhưng sạch và an toàn thì chắc chắn giá thành sẽ không rẻ bất ngờ như thế.

Đối với nhiều thực khách, tâm lý “khuất mắt trông coi” nên cảm thấy những hoạt động bày bán thức ăn vỉa hè là bình thường. Đôi khi các thực khách “ngó lơ” về hình ảnh mất an toàn thực phẩm (ATTP) cũng bởi vì sự tiện lợi, giá thành rẻ. Điều đó tạo điều kiện cho quán cóc vỉa hè không đảm bảo ATTP vẫn có “đất sống”.

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn vệ sinh ATTP gồm: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải…

Thực tế, các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn vỉa hè hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn trên. Công tác quản lý, xử phạt vi phạm ATTP gặp nhiều khó khăn, thách thức, khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì thực hiện nghiêm nhưng khi vắng lực lượng chức năng là tái diễn vi phạm.

Theo các chuyên gia y tế, thức ăn đường phố luôn thu hút người tiêu dùng vì sự tiện lợi, giá thành rẻ. Bên cạnh ưu thế là những mối nguy hại khó lường cho sức khỏe của khách hàng. Đó là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo quản đúng cách, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP sẽ dễ gây ngộ độc. Về lâu dài, việc tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khi-thuc-khach-ngo-lo-nguy-co-mat-an-toan-ve-sinh-tu-thuc-an-duong-pho-358594.html