Khí tiết xung trận của Tiến sĩ họ Trương

Sinh ra trong gia đình nho học, Trương Quốc Dụng sớm thông minh nổi tiếng thần đồng, chăm chỉ, ham mê sách vở và có tài văn chương.

 Đền Quan Đại tại thôn La Khê xã Tiền An (Yên Hưng, Quảng Ninh), nơi Trương Quốc Dụng hi sinh và được dân lập đền thờ.

Đền Quan Đại tại thôn La Khê xã Tiền An (Yên Hưng, Quảng Ninh), nơi Trương Quốc Dụng hi sinh và được dân lập đền thờ.

Là nhà khoa bảng lừng danh, giỏi văn chương thi phú, tường thiên văn địa lý nhưng Trương Quốc Dụng được biết đến nhiều hơn trên cương vị võ quan Thống đốc quân vụ.

Gia đình nho học, khí tiết

Trương Quốc Dụng (1797 - 1864), người làng Phong Phú, xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh), xuất thân trong gia đình nhà nho, từ Thăng Long vào định cư ở đất Long Phúc - Phong Phú từ năm 1549. Trương Quốc Dụng là đời thứ 11. Thân phụ Trương Quốc Dụng là Trương Quốc Bảo đỗ Tú tài khoa Ất Dậu (1825), là một nhà giáo có uy tín đương thời, được phong Hàn lâm viện Thị độc.

Ông Trương Quốc Bảo từng là học trò xuất sắc của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, được La Sơn phu tử rất yêu mến, sau lại được thụ giáo với Hoàng giáp Bùi Dương Lịch. Ông Bảo nổi tiếng là người con chí hiếu, là bậc chân nho hiểu nhiều biết rộng, dạy con đỗ Tiến sĩ.

 Chân dung Tiến sĩ Trương Quốc Dụng tại đền thờ.

Chân dung Tiến sĩ Trương Quốc Dụng tại đền thờ.

Ông nội Trương Quốc Dụng là Trương Quốc Kỳ, đỗ đầu Hương cống (khoa thi 1753), là thầy dạy Thái tử Lê Duy Vĩ - con vua Lê Hiển Tông. Khi chúa Trịnh lấn át vua Lê rồi giết cả Thái tử, ông Kỳ nêu cao khí tiết của một nhà nho chân chính không chịu luồn cúi kẻ quyền thế.

Để tránh tai họa, ông cáo quan ở ẩn. Khi Trịnh Tông (Khải) lên ngôi chúa, tức là Đoan Nam Vương, lại bắt ông giam vào ngục Bả Môn. May nhờ có Ngự sử Trương Đăng Quỹ là người cùng làng tìm cách cứu nên ông mới không bị hại. Trương Quốc Kỳ là người mưu lược, có thể đoán trước những sự việc sẽ xảy ra để định liệu cơ sự.

Ông còn là nhà chiêm tinh, tài xem sao của ông cũng nổi tiếng đương giờ. Khi chúa Trịnh đánh Trấn Ninh, giao việc quân cho Bùi Thế Đạt thống lĩnh. Đạt do dự, án binh bất động. Cộng sự của Đạt là Nguyễn Phan lấy làm lo đến xin ông Kỳ cùng dự việc.

Ông nhìn diện mạo của Đạt, nói với Phan: “Mặt đại tướng là người ta đeo cho, nhưng cũng lo cho Đạt. Phàm muốn làm việc gì mà không hiểu rõ thì không nên làm”. Nói rồi từ chối không chịu nhận lời của Nguyễn Phan. Quả nhiên trận ấy Bùi Thế Đạt bị thua quân Trấn Ninh của Lê Duy Mật.

Hoặc khi Nguyễn Đình Viện cùng quê với Nguyễn Hữu Chỉnh, bàn mưu khởi binh chống lại Tây Sơn để cướp Nghệ An, Chỉnh cho người đến bàn với Trương Quốc Kỳ định kế hoạch.

Ông Kỳ từ chối sau đó bí mật nói với người nhà rằng: “Nguyễn Chỉnh phi khả dự cộng sự giả, đồ đa sát nhân vô ích dã” (nghĩa là: Không nên cộng sự với Nguyễn Chỉnh vì y là kẻ xảo quyệt, tàn bạo đã giết nhiều người. Nếu theo y thì chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi).

Sau đó, khi Nguyễn Huệ sai Võ Văn Nhậm mang quân ra Bắc Hà trị tội Chỉnh, Nguyễn Đình Viện chưa kịp dấy binh đã bị Tây Sơn giết. Chỉ một trận, quân Chỉnh thua tan tác, Chỉnh bị bắt sống.

Hay là chuyện khi ông bị họ Trịnh giam ở ngục Bả Môn, bè bạn bí mật đến thăm, ông cười mà rằng: Hà niên Long Phúc cải Thử thị ngã quy Kỳ (nghĩa là: Khi nào làng Long Phúc đổi tên thì lúc đó ta sẽ trở về quê). Khi Quang Trung lên làm vua đổi Long Phúc thành Long Phú, thì ông về quê thật.

Khi về ở ẩn ở quê, ông mở trường dạy học, ông còn giáo hóa dân làng, hạn chế được nhiều hủ tục. Suốt đời ông lấy đạo học làm đầu, không màng vinh hoa phú quý, nên được người đời sau kính trọng và gọi là Quan Thị Nội chứ không gọi bằng tên húy. Cố nội Trương Quốc Dụng là Trương Quốc Nghìn là người giỏi võ tướng làm Chánh bảo vệ thành Thăng Long thời Lê.

 Năm 2009, khu mộ và đền thờ Tiến sĩ Trương Quốc Dụng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2009, khu mộ và đền thờ Tiến sĩ Trương Quốc Dụng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nhà khoa bảng đa tài

Sinh ra trong gia đình nho học, Trương Quốc Dụng sớm thông minh nổi tiếng thần đồng, chăm chỉ, ham mê sách vở và có tài văn chương. Năm 1821, dưới triều vua Minh Mạng, ông đỗ Tú tài. Năm 1825 đỗ Cử nhân, và sau đó đến khoa Kỷ Sửu (1829) ông đỗ Tiến sĩ.

Ông làm quan trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hơn 30 năm qua nhiều thăng giáng, từng làm: Tri phủ Tân Bình, Hình bộ lang trung, Án sát Quảng Ngãi, Hưng Yên, Tả thị lang các bộ Lễ, Lại, Công, Hình, làm Tham tri các bộ: Công, Binh, Hộ, Viện Hàn lâm chủ khảo một số khoa thi Hương, thi Hội, Thượng thư bộ Hình, Kinh diên nhật giảng quan, Tổng tài Quốc sử quán, chuyên quản Khâm thiên giám, Thống đốc Hải An quân vụ đại thần, Hiệp biện đại học sĩ, Hiệp thống Hải An quân vụ đại thần, Đông các đại học sĩ…

Trước thực tế đất nước đang bị ngoại xâm dòm ngó, bộ máy quan lại cồng kềnh, triều đình chi tiêu xa hoa lãng phí, nhân dân đói khổ, Trương Quốc Dụng đã gửi bức thư mật dán kín lên vua Tự Đức kiến nghị nhà vua 5 ưu tiên cải cách: Chống lãng phí, bỏ xa xỉ mà theo kiệm ước; Giảm nhẹ tội hình ngục; Giảm thủ tục hành chính, bớt văn thư; Sửa lại thói quen nhân sĩ mà trọng tâm là cải cách dạy, học, thi cử; Chọn lọc quan lại ở các cấp.

Trương Quốc Dụng còn là nhà sử học, khi ở cương vị Tổng tài Quốc sử quán đã cùng nhóm trí thức biên soạn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, một bộ sử đồ sộ 52 quyển, chép lịch sử nước ta từ đời Hùng Vương đến năm Lê Chiêu Thống thứ 3 (1789). Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Lịch đại vinh sử phú”...

Ông cũng được biết tới trong vai trò nhà Thiên văn học, và là người thầy đào tạo ra những nhà thiên văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19, người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam thời Nguyễn.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên liệt truyện” chép về ông như sau: Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan chưa từng rời quyển sách, người đều suy tôn là học rộng. Tương truyền là nhà làm lịch bị thất truyền. Quốc Dụng quản lĩnh Khâm thiên giám hàng ngày truyền dạy cho mới nối được nghề học ấy.

Sách “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” viết thế này: Ngoài văn chương cử nghiệp, sở học của ông cũng đóng góp được nhiều cho văn hóa nước nhà đương thời. Ví như lối làm lịch của nước ta, các đời trước cứ theo lịch Đại Thống ở Trung Hoa nhà Thanh mà làm rồi ban ra cho dân gian hơn 300 năm mà không hề sửa chữa, về sau loạn lạc bị thất truyền nên lắm chỗ sai lầm.

Khi ông trông coi Khâm thiên giám mới tham cứu lịch Đại Tượng Khảo đời Khang Hy nhà Thanh và các sách làm lịch của phương Tây, từ đó làm lịch rất tinh tường. Hồi ấy, các giáo sĩ Tây phương khi so sánh nhật thực, nguyệt thực đã đánh giá lịch ta làm ra thấy chính xác hơn lịch của Trung Hoa.

Trương Quốc Dụng vốn có tài văn chương, là tác giả bộ sách “Thoái thực ký văn” gồm 8 quyển. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn: Văn quy tân thể, Chiếu biểu luận thức, Chiếu biểu tập, Ninh Bình sự tích, Thanh Hóa ký thắng, Khâm định đối sách chuẩn thắng...

Ông viết rất nhiều thơ và ca trù, sau khi ông mất, vua Tự Đức vì phục tài mà sai người ghi chép lại thơ văn của ông, trong đó có tập thơ “Trương Nhu Trung thi tập”, thơ khắc trên vách đá Non Nước (Ninh Bình), trên vách đá ở động Kính Chủ (Hải Dương), vua Tự Đức sai ông cùng Phan Thanh Giản viết bài minh khắc trên bia mộ Thái bảo Phạm Trung Nhã - thân phụ của bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức).

Khi đương chức, Trương Quốc Dụng cũng góp sức vào công cuộc khai hoang lập làng tại các tỉnh Quảng Ngãi, Hưng Yên những năm làm Án Sát ở đó. Ông tự xuất tiền của gia đình và vận động phú hào đóng góp tiền tổ chức xây dựng dọc theo bờ sông Hạ Hoàng bảo vệ vùng đất tổng Hạ Nhất, tổng Hạ Nhị tại vùng Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Thấu hiểu nổi khổ cực của dân đánh cá vạn chài khi chết không có đất chôn xác phải ném xuống dòng sông Hạ Hoàng (nay còn gọi sông Hộ Độ), ông đã dâng sớ lên triều đình xin tiền mua đất dọc bên hai bờ sông, mỗi bên 12 thước cho dân Vạn Kỳ Xuyên, Vạn Lạc Thủy khi chết có đất chôn.

 Đạo sắc phong do vua Tự Đức ban cho Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng.

Đạo sắc phong do vua Tự Đức ban cho Đông các đại học sĩ Trương Quốc Dụng.

Khí tiết xung trận, dân lập đền thờ

Là một quan văn nhưng Trương Quốc Dụng kiêm tài võ nghệ, từng 3 lần tham gia chống ngoại xâm và dẹp loạn. Năm 1833, ông phò tá cho Tham tán đại thần Trương Minh Giảng dẹp loạn Lê Văn Khôi nổi đậy chiếm thành Gia Định. Năm 1834, đánh lui quân Xiêm xâm lược vào 6 tỉnh biên giới Tây Nam, đuổi giặc ra khỏi biên giới đến tận Battambang.

Tháng 5/1862, quân Tạ Văn Phụng vây hãm thành tỉnh Hải Dương. Nghe theo lời đình thần đề cử, nhà vua sung Trương Quốc Dụng (khi ấy đang chức Thượng thư bộ Hình) làm Hải Yên Thống đốc quân thứ.

Từ Hưng Yên, Trương Quốc Dụng cùng với Đào Trí và Phan Tam Tỉnh dẫn quân đi đánh, lấy lại được phủ Bình Giang, rồi thành tỉnh Hải Dương. Nhưng sau khi ông theo cửa tây vào thành, thì bị quân đối phương vây lại.

Từ trong thành, ông bày kế cho quân ra đánh, phá vỡ được. Sau trận, ông được thăng làm Hiệp tá, Đào Trí được thăng làm Thống chế. Năm 1863, thăng ông làm Hiệp biện đại học sĩ, nhưng vẫn làm Thống đốc quân vụ như cũ.

Tháng 6/1864, đạo quân thứ Hải Yên đánh nhau với quân Tạ Văn Phụng tại La Khê (nay thuộc xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh). Quan quân nhà Nguyễn thất thế, bị quân thủy bộ của đối phương vây kín. Trương Quốc Dụng (khi ấy đang chức Hiệp thống), Tán lý Văn Đức Khuê, Tán tương Trần Huy San đều chết trận. Chưởng vệ Hồ Thiện bị bắt sống không chịu khuất mà chết, còn biền binh thì bị thương và chết rất nhiều.

Với những chiến thắng oanh liệt tại biên giới Đông Bắc những năm 1862 - 1864 và gắn liền tên tuổi một vị tướng từng đánh giặc nơi biên cương, hải đảo, sau khi mất Trương Quốc Dụng được thờ ở miếu Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội) cùng Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao và vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Ông cũng được thờ tại đền Trung Nghĩa (Huế), nhân dân thôn La Khê xã Tiền An (Yên Hưng, Quảng Ninh) lập đền Song Trung Từ để thờ ông và Phó tướng Văn Đức Khuê. Vua Tự Đức sai người đưa quan tài về táng ở làng Phong Phú, đồng thời sai quan đến tế, truy tặng ông hàm Đông các đại học sĩ.

Đền thờ và lăng mộ Trương Quốc Dụng đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2009. Trong nhà thờ tổ của họ Trương ở xã Thạch Khê hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật, câu đối, cuốn thư, đại tự, biển “Ân tứ vinh quy” vua ban năm ông đỗ Tiến sĩ, cùng nhiều sắc phong của các đời vua.

Tên ông được chọn để đặt cho một tuyến phố tại TPHCM từ năm 1955, tuy nhiên lại ghi sai là Trương Quốc Dung. Tháng 9/2020, chính quyền TPHCM quyết định sửa lại thành tên đúng. Tên ông cũng được dùng để đặt tên một số con đường tại Đà Nẵng, thị trấn Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh của tỉnh Hà Tĩnh.

Tưởng nhớ công lao và sự hi sinh tiết nghĩa của Trương Quốc Dụng, năm 1877 dân làng La Khê (nơi ông hi sinh) đã lập đền thờ có tên là đền Quan Đại. Trong đền có bức hoành phi “Công nhược Thái Sơn” (công lao như núi Thái Sơn) và nhiều câu đối, trong đó có câu: “Hồng Lĩnh giáng thần, nho tướng khoa danh song tuyệt lĩnh/ Tiên Thành hợp miếu, trung thần tâm sự các thiên thu” (Hồng Lĩnh giáng thần, nho tướng khoa danh hai đỉnh vút/ Tiên Thành hợp miếu, trung thần lòng sáng mãi nghìn thu).

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khi-tiet-xung-tran-cua-tien-si-ho-truong-post712630.html