Khi 'tín dụng đen' len lỏi về vùng quê

Khi môi trường cho các hoạt động 'tín dụng đen' ở thành phố bắt đầu co cụm lại, nhiều đối tượng đã chọn địa bàn vùng quê để hoạt động. Mới đây, TAND huyện Vĩnh Linh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo Phạm Đức Anh (sinh năm 1993) và Văn Thế Công (sinh năm 1997), đều cư trú tại Hà Nội về tội 'Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự'. Nạn nhân của các đối tượng này là người dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đáng nói là trong số các nạn nhân nói trên, nhiều người là nông dân, khi muốn vay tiền phải mang hộ khẩu, giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo ra thế chấp.

 Tờ rơi quảng cáo vay tiền, được dán trên cột điện. Ảnh: HN

Tờ rơi quảng cáo vay tiền, được dán trên cột điện. Ảnh: HN

Để thực hiện hành vi phạm tội của mình, trong khoảng thời gian từ tháng 6-10/2019, Phạm Đức Anh và Văn Thế Công từ Hà Nội vào thuê trọ tại thôn 1 Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi ở các địa bàn huyện Lệ Thủy và huyện Vĩnh Linh. Theo thỏa thuận, Công làm thuê cho Anh với mức lương 3 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở, đi lại. Phạm Đức Anh in tờ rơi với nội dung: Cho vay tiền cần chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu pho to cùng các giấy tờ khác, kèm theo số điện thoại của Anh rồi mang đi dán trên các trục đường chính của thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Khi người có nhu cầu vay liên lạc, Văn Thế Công là người trực tiếp gặp mặt, tự xưng là Long và thỏa thuận mức cho vay từ 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng, không làm hợp đồng vay tài sản mà thông qua hình thức hợp đồng mua bán điện thoại trả góp để tránh xử lý của cơ quan chức năng. Mức phí được Công đưa ra (dựa trên sự hướng dẫn trước đó của Anh) là từ 300 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng, tiền lãi từ 900 ngàn đồng đến 2,7 triệu đồng, kỳ hạn trả góp trong vòng 26-51 ngày; khoản tiền gốc, lãi, phí dịch vụ phải đóng hằng tháng cho đến khi hết hạn từ 150 ngàn đồng/ ngày-450 ngàn đồng/ngày. Công hướng dẫn người vay điền đầy đủ thông tin, ký tên hoặc điểm chỉ vào mẫu hợp đồng mua bán điện thoại do Anh soạn sẵn, hoặc hướng dẫn cho người vay tự viết giấy mua bán. Nhằm bảo đảm việc trả tiền, Công giữ lại một số giấy tờ của người vay như bản gốc hoặc pho to chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ khác đưa về cho Anh cất giữ, theo dõi cùng các hợp đồng.

Sau khi cho vay tiền, hằng ngày Công sẽ tự mình đi hoặc đi cùng Anh đến nhà người vay, có khi điện thoại đến địa điểm hẹn trước để thu tiền góp. Tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, trong thời gian từ tháng 7-10/2019, Phạm Đức Anh và Văn Thế Công đã cho 20 người vay tiền theo 27 hợp đồng mua bán điện thoại dưới hình thức vay trả góp, với tổng số tiền mà những người vay thực nhận là trên 216 triệu đồng; mức lãi suất giao động từ 82,5%/ năm đến 623,9%/năm, cao gấp 9,1 lần đến 31,1 lần so với mức lãi suất cao nhất (20%/năm) theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính trên 57 triệu đồng. Cùng với thủ đoạn tương tự, nhiều người dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đã sa vào bẫy “tín dụng đen” của Phạm Đức Anh, giúp các đối tượng thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Trong số các nạn nhân của Phạm Đức Anh và Văn Thế Công ở huyện Vĩnh Linh, có người vay rất nhiều lần, ngoài sử dụng giấy tờ của bản thân còn mang sổ hộ khẩu của con gái, con rể, giấy CMND của chồng để thế chấp. Trường hợp chị H. ở xã Vĩnh Long là một ví dụ. Ngày 30/7/2019, chị H. sử dụng giấy CMND và hộ khẩu của gia đình vay số tiền 10 triệu đồng với thỏa thuận trả góp trong 42 ngày, mỗi ngày trả góp 300 ngàn đồng. Khi nhận tiền, Công thu của chị H. 1 triệu đồng tiền phí dịch vụ nên thực tế chị chỉ nhận được 9 triệu đồng; tiền lãi khoản vay là 3,6 triệu đồng, tương đương với mức lãi suất là 347,619%/năm. Chị H. đã trả đủ 42 ngày với số tiền 12,6 triệu đồng, như vậy lãi hợp pháp mà Phạm Đức Anh cùng Công được hưởng là 207 ngàn đồng và thu lợi bất chính số tiền trên 3,3 triệu đồng. Điều đáng nói, với mức lãi suất cao như vậy nhưng sau đó, chị H. có thêm 3 lần vay trả góp của các đối tượng, tổng cộng số tiền Phạm Đức Anh thu lợi bất chính của chị qua các lần giao dịch trên 10 triệu đồng. Nhiều giấy tờ quan trọng của chị H. và người thân trong gia đình mà chị mang đi thế chấp để vay tiền phải đến khi các đối tượng bị bắt giữ mới được trả lại. Trường hợp chị T. ở xã Vĩnh Long vay 3 triệu đồng, nhưng lại phải mang bản pho to CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận hộ cận nghèo ra thế chấp. Sau khi bị thu 300 ngàn đồng phí dịch vụ, chị T. chỉ thực nhận được 2,7 triệu đồng. Tiền lãi cho khoản vay này là 1,2 triệu đồng, tương đương lãi suất 623,932%/năm.

Sau khi hoạt động cho vay nặng lãi của các đối tượng bị phát hiện, nhiều bị hại vẫn không biết mình bị cho vay với lãi suất cắt cổ; hoặc có người biết nhưng vẫn vay vì cần tiền gấp mà không xoay xở được; cũng có người cho rằng số tiền vay ít, dễ trả và thủ tục thì nhanh gọn. Cũng may hành vi của các đối tượng sớm bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, nếu không số nạn nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh không dừng lại ở con số 20 người.

Vừa qua, liên tiếp những vụ án liên quan đến tín dụng đen đã được Bộ Công an điều tra, triệt phá. Tuy nhiên, những biến tướng của hoạt động này ngày càng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau. Dễ vay nhưng khó trả, đó là thực trạng chung của những ai dính vào “tín dụng đen”. Để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, cá nhân, tập thể có nhu cầu vay vốn nên trực tiếp đến các ngân hàng, nơi thủ tục vay vốn cũng nhanh gọn, thuận lợi. Còn đối với những trường hợp thuộc diện khó khăn, người vay cần liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các đoàn thể để được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý; kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật có liên quan đến tín dụng đen, nhằm cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tình trạng này.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=148895