Khi tình người tỏa sáng (kỳ 1)

Trong cuộc sống có người luôn gặp may mắn, nhưng cũng có người chịu nhiều bất hạnh. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: 'Lá lành đùm lá rách'... nhiều hội viên phụ nữ, nông dân... đã mở rộng vòng tay yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống; cùng nhau xây dựng làng quê ấm no, giàu đẹp...Kỳ 1: Giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu'Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: 'Lá lành đùm lá rách'... nhiều hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh... đã mở rộng vòng tay yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống; cùng nhau xây dựng làng quê ấm no, giàu đẹp...'.Tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết trong hội viên

Với những người nghèo khó, kém may mắn mà được giúp đỡ thì chẳng khác nào họ đang “bị đuối nước” mà vớ được chiếc áo phao. Vậy nên, sự chia sẻ, giúp đỡ giữa các hộ dân để cùng nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu là một nghĩa cử cao đẹp...

Đồng tiền lẻ đẻ đồng tiền “vàng”

Hôm con gái là cháu Đặng Thị Vân, bị bệnh tâm thần thể nhẹ được nhận tiền hỗ trợ của Hội LHPN xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), ông Đặng Chiến (70 tuổi), ở thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa không cầm được nước mắt. Ông Chiến kể: "Do tinh thần không ổn định nên nó hay đi lang thang, bị người ta lạm dụng dẫn đến có thai rồi sinh con. Cuộc sống của nó chỉ biết trông cậy vào vợ chồng già này".

Cơ sở may công nghiệp của vợ chồng chị Trần Thị Thu Lịnh, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) tạo việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động. Ảnh: T.P

Còn chị Vân thì rạng ngời niềm vui khi lần đầu có được khoản tiền 1,2 triệu đồng và miệng luôn nói: “Có tiền mua sữa cho con và đi chợ rồi!...”. Hoàn cảnh của chị Vân khiến ai cũng xót thương. Và đó cũng là lý do để Hội LHPN xã Nghĩa Hòa triển khai mô hình “10 + 1”. Nghĩa là, 10 phụ nữ có điều kiện kinh tế khá hơn sẽ nhận giúp đỡ một gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hòa Võ Thị Hiếu chia sẻ: Khi khởi xướng mô hình, chúng tôi nghĩ sẽ khó thành công, nhưng khi triển khai thì có trên 90% hội viên, phụ nữ trong xã tham gia.

Đến nay, mô hình “10 + 1” đã lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh, mang yêu thương đến cho những mảnh đời khốn khó. Em Nguyễn Thị Kim Ý, ở tổ dân phố 2, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đưa tay đeo chiếc nhẫn cưới khoe với chúng tôi: “Nhờ cái quán nhỏ do các cô, chị phụ nữ trong tổ cho tiền để mở mà em có được hạnh phúc như ngày hôm nay”. Hoàn cảnh của em Ý rất đáng thương, mồ côi cha mẹ, sống với bà nội đã lớn tuổi, nên em được tổ phụ nữ nhận đỡ đầu.

Chị Hồ Thị Phi Yến, ở thôn Gia Ry, xã Sơn Trung (Sơn Hà) cũng vậy. Nhờ nguồn vốn chị em phụ nữ hỗ trợ, chị Yến đã hình thành mô hình chuyên canh rau sạch và chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng, nên đã thoát nghèo.

Nhờ tham gia Tổ góp vốn xoay vòng, chị Lê Thị Tài, ở thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) mở được cơ sở sản xuất nhang, thoát khỏi hộ nghèo. Ảnh: K.N

Điều đáng trân trọng là, nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ giờ cũng tích cực góp tiền giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Như chị Lê Thị Tài, ở thôn Hòa Phú, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), trước đây là hộ nghèo, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của hội, chị đầu tư cơ sở làm nhang, cho thu nhập 9 - 10 triệu đồng/tháng; tạo việc làm cho 3 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp hội nông dân (HND) cũng xây dựng và phát huy hiệu quả nhiều mô hình dân vận khéo. Điển hình là HND xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh), đến nay đã thành lập được hơn 20 tổ góp vốn, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, giúp hàng trăm nông dân phát triển kinh tế gia đình. Chủ tịch HND tỉnh Đinh Duy Sung cho biết: Các cấp hội đã xây dựng được 154 mô hình; vận động cán bộ, hội viên hiến 13ha đất, đóng góp hơn 218 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn rất lớn...

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh NGUYỄN CAO PHÚC

Liên kết cùng nhau làm giàu

Sinh ra ở làng quê bên dòng sông Trà, nhưng chị Huỳnh Thị Hòa (47 tuổi) lại bén duyên với mảnh đất vùng cao xã Ba Tiêu (Ba Tơ). Gần 25 năm bám trụ ở đây, chị Hòa đã thấm thía và thấu hiểu những khó khăn của đồng bào Hrê trên bước đường mưu sinh. Giữa năm 2018, chị quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu, với 15 thành viên, phần lớn là đồng bào Hrê. Để thay đổi tập quán sản xuất, cải thiện đời sống cho các thành viên, chị Hòa đã bỏ tiền túi tổ chức các hội nghị chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa; trồng và chăm sóc rừng nguyên liệu; trồng cây ăn quả, như sầu riêng, bơ, dừa xiêm... Thấy HTX làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đồng bào Hrê tiếp tục đăng ký tham gia thành viên.

Chị Huỳnh Thị Hòa (bên phải) mạnh dạn đưa cây dừa xiêm dứa về trồng trên mảnh đất Ba Tiêu (Ba Tơ). Ảnh: Tr.Phương

Với những kết quả bước đầu mà chị Hòa làm được cho đồng bào Hrê ở xã Ba Tiêu cho thấy, ngày càng có nhiều gương phụ nữ không chỉ giỏi việc nhà, mà còn bản lĩnh trong làm kinh tế và giàu lòng nhân ái.

Như chị Trần Thị Thu Lịnh, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Chị Lịnh hiện đã làm chủ tổ hợp may công nghiệp có quy mô hơn 50 máy, tạo việc làm cho gần 60 lao động ở địa phương. Để mở cơ sở này, vợ chồng chị phải thế chấp căn nhà để vay 200 triệu đồng mua 20 máy may công nghiệp, sau đó liên kết với các công ty để nhận hàng về may. Đến nay, xưởng may của chị có 50 máy, mỗi ngày làm ra từ 5.000 - 7.000 sản phẩm. Thu nhập của công nhân bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng; khi tăng ca thì mỗi tháng thu nhập có thể lên đến 10 triệu đồng.

Chị Lương Thị Thu Thảo (35 tuổi), ở thôn An Hà I, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) thổ lộ: “Chị Lịnh đã đào tạo tôi thành thạo nghề và đến nay có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nên kinh tế gia đình ngày càng ổn định và có điều kiện chăm lo cho 2 con nhỏ, vì không phải đi làm xa”.

Cũng từ phong trào dân vận khéo, các cấp chính quyền trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ để giúp người dân liên kết, tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho từng loại sản phẩm, hàng hóa.

Như xã Bình Phú (nay là xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn), do không có nguồn nước Thạch Nham, nên chính quyền đã vận động người dân chuyển đổi 40ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu ngắn ngày và trồng cây nén. Đến nay, các hộ dân đã liên kết hình thành vùng chuyên canh nén khoảng 20ha, năng suất 45 tạ/ha, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu sản phẩm tập thể nén Bình Phú. “Kể từ khi liên kết sản xuất và cây nén có thương hiệu, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Trung bình mỗi ký nén có giá từ 50 - 70 nghìn đồng, cá biệt có thời điểm lên đến 120 nghìn đồng/kg”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Từ những kết quả nêu trên cho thấy, phong trào dân vận khéo trong lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình... đã được các cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và người dân tích cực hưởng ứng và tham gia. Qua đó đã tạo động lực cho những hoàn cảnh không may mắn có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống; cùng nhau xây dựng làng quê ấm no, giàu đẹp.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho biết: Qua 10 năm thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm trên 137 tỷ đồng, xét cho hơn 76.000 lượt chị em vay, mượn vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình; đồng thời xây dựng 1.455 mô hình, câu lạc bộ... giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế. Qua đó đã tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết trong mỗi hội viên, phụ nữ...

TR.PHƯƠNG - K.NGÂN - TR.ÂN - B.HÒA

----------

Kỳ cuối: Lan tỏa nếp sống văn hóa mới

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202008/khi-tinh-nguoi-toa-sang-ky-1-3017023/