Khi tộc người khao khát tộc danh

Từ người dân đến chính quyền các cấp của Quảng Nam nhiều năm qua đều đồng thuận kiến nghị Quốc hội, Chính phủ công nhận tộc danh đối với tộc người Ca Dong. Tộc người này bị xếp vào nhóm dân tộc Xơ Đăng theo Quyết định 121-TCTK/PPCĐ do Tổng cục Thống kê ban hành ngày 2.3.1979.

"Xác định dân tộc của mình” là quyền hiến định (điều 42) nhưng thực tế ghi nhận có sự không đồng bộ, thống nhất khi xác định nhân thân của tộc người Ca Dong trong hồ sơ, giấy tờ được lưu trữ, cấp đổi, ban hành bởi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng là một người nhưng thành phần dân tộc trong giấy khai sinh và giấy tờ tư pháp, chẳng hạn như bằng tốt nghiệp, lại không đồng nhất. Đơn cử như trường hợp 3 người con của ông Lê Xuân Hà, nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Nam Trà My.

Lòng dân phúc quyết

Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ông Hà trình bày cộng đồng Ca Dong ở Nam Trà My nói riêng và cả nước nói chung có nguyện vọng “được công nhận là một dân tộc riêng”.

Ý kiến của cử tri thôn 1, xã Trà Mai không mới, đã được chính quyền địa phương ghi nhận từ lâu, chẳng hạn như công văn số 455/UBND-VP ban hành ngày 11.8.2009 gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, trích: “Từ nhiều năm nay, cử tri huyện Trà My (cũ) và cử tri huyện Nam Trà My đã nhiều lần đề nghị với đại biểu HĐND huyện, tỉnh và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc kiến nghị tỉnh, Chính phủ xác định tộc danh dân tộc Ca Dong không thuộc nhóm dân tộc Xơ Đăng (1) như phân nhóm hiện nay. Tuy nhiên, các kiến nghị này chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết… Đây là vấn đề quan trọng, có tính chất sâu nặng về tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc Ca Dong, UBND huyện Nam Trà My kính đề nghị UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ công nhận tộc danh dân tộc Ca Dong”.

Đông đảo cử tri Nam Trà My tham dự buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Alăng Ngước

Đông đảo cử tri Nam Trà My tham dự buổi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Alăng Ngước

Chính quyền Bắc Trà My cũng vậy. Ý thức tự giác dân tộc của người Ca Dong cư trú trên địa bàn huyện được thể hiện tại công văn số 607/UBND-VX ngày 31.8.2009 gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam.

Theo đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, số liệu thành phần dân tộc Ca Dong từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum ngày 25.8.2009 phúc đáp bằng công văn số 371/BDT-CSDT, trích: “…Về ý thức tự giác dân tộc, trả lời câu hỏi có nên ghép người Ca Dong vào dân tộc Xơ Đăng hay không, đa số ý kiến trả lời nên tách ra chứ không nên ghép vào, chỉ có một số ít trả lời tách cũng được, ghép cũng được”.

Báo cáo số 108/BC-UBND tổng quan tình hình dân tộc, kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND huyện Nam Trà My ngày 28.10.2011 dẫn lời ông Hồ Văn Reo, cố Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam: “Mình là người Xơ Đăng, người Ca Dong khác người Xơ Đăng”.

Tham luận của UBND tỉnh Quảng Nam trình bày tại Hội thảo cấp bộ (2) “Xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Dân tộc tổ chức năm 2018 tại Huế, viết: “Trong các kết quả điều tra về xã hội học của Viện Dân tộc học, Viện Ngôn ngữ học thì tuyệt đại đa số người Ca Dong tự cho mình là người Ca Dong, người Xơ Đăng cho mình là người Xơ Đăng và họ gọi mình là một dân tộc; khi giao tiếp với các tộc người khác họ luôn giới thiệu mình là dân tộc Ca Dong hay dân tộc Xơ Đăng, điều này đã tồn tại trải qua rất nhiều thế hệ cho đến ngày nay”.

Cử tri Lê Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Alăng Ngước

Cử tri Lê Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Alăng Ngước

Là một trong những thành viên của Quảng Nam tham dự hội thảo, ông Đinh Mươk - nguyên ĐBQH khóa XII, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam - nhắc lại cuối những năm 70 của thế kỷ XX, giáo sư Đặng Nghiêm Vạn dẫn đầu một nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu, khảo sát thành phần các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Đường sá lúc ấy đi lại muôn vàn khó khăn khiến phạm vi nghiên cứu chủ yếu ở những xã vùng thấp, trong khi những tộc người như Xơ Đăng, Ca Dong lại cư trú ở vùng núi cao. Chuyện rằng về sau giáo sư Đặng Nghiêm Vạn rất phân vân việc xác định thành phần dân tộc Ca Dong thuộc nhóm dân tộc Xơ Đăng và có ý kiến cần phải xem xét lại về dân tộc Ca Dong.

Chi tiết này được tác giả Nguyễn Tri Hùng (Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Nam) nhắc đến trong một bài viết trên báo Quảng Nam cách nay nhiều năm. Đáng tiếc, nhân chứng cũng đã qua đời. Tác giả bài báo không nêu lý do tại sao chuyên gia đầu ngành dân tộc học không tự tìm câu trả lời khi còn tại thế nhưng nỗi “phân vân” để lại có thể là một thách thức khoa học đối với giới chuyên gia dân tộc học đương đại.

Đuốc hy vọng cháy lửa nỗi buồn

Lần giở xấp thư riêng gửi lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc (hai đời bộ trưởng)… trình bày nguyện vọng tha thiết của cộng đồng người Ca Dong mong được công nhận tộc danh, ông Đinh Mươk nhắc lại câu hỏi của con gái mình khi mà chứng minh nhân dân xếp cô vào thành phần dân tộc Xơ Đăng: “Tại sao vậy cha?”. Tại sao cha Ca Dong lại sanh ra con là người Xơ Đăng? Cấp đổi sang căn cước công dân, thông tin này vẫn lưu trữ trên tờ khai.

Con người có tổ, có tông là đạo lý, là giá trị thiêng liêng. Tổ tiên ông Mươk “có văn hóa truyền thống lịch sử lâu đời, có tập quán sinh sống trên núi cao của dãy Trường Sơn” (trích Báo cáo số 108), hẳn nhiên có trước Quyết định 121 của Tổng cục Thống kê,...

Giấy khai sinh của chị Lê Thị Trình, con gái ông Lê Xuân Hà, ghi thành phần dân tộc Ca Dong, nhưng bằng tốt nghiệp THPT lại ghi là Xơ Đăng. Ảnh: NVCC

Giấy khai sinh của chị Lê Thị Trình, con gái ông Lê Xuân Hà, ghi thành phần dân tộc Ca Dong, nhưng bằng tốt nghiệp THPT lại ghi là Xơ Đăng. Ảnh: NVCC

Lịch sử Đảng bộ Nam Trà My 1945 - 2023 chép “cuối năm 1959, Ban cán sự Đảng miền Tây Quảng Nam và Huyện ủy Trà My đã lập bộ chữ viết Ca Dong, phiên âm Latin, trên cơ sở lấy tiếng nói của người Ca Dong ở làng Tăk Pỏ (nay là làng Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) làm âm chuẩn. Trên cơ sở đó, năm 1960, Huyện ủy Trà My tổ chức các lớp dạy chữ Ca Dong cho cán bộ, chiến sĩ người Kinh để tăng cường công tác dân vận nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người Ca Dong... Lớp học chữ Ca Dong đầu tiên được tổ chức tại làng Tăk Pỏ với trên 100 học viên. Bên cạnh lớp học, cách mạng còn phát hành tờ báo Pru Dương (Vùng lên) bằng tiếng Việt và tiếng Ca Dong để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào Ca Dong”.

Lớp học không chỉ có người Kinh mà còn có sự tham gia của nhiều thanh, thiếu niên Ca Dong mà một trong những nhân chứng sống là ông Nguyễn Thanh Phương, nguyên bí thư xã Trà Mai. Ông Phương sinh ra, lớn lên và già đi trên quê hương. “Không được công nhận tộc danh, chết không nhắm mắt”, ông Phương nhớ lại những năm tháng chiến tranh “người Ca Dong một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ”. Đất nước tắt tiếng súng. Người Ca Dong mất tộc danh. Cảm xúc rối bời. Ngơ ngác. Hẫng hụt. Ấm ức... Ứ nghẹn thành nỗi buồn, âm ỉ truyền thừa.

Mà còn truyền thừa nỗi buồn, tộc danh còn hy vọng!

Trả lời cử tri Lê Xuân Hà, ĐBQH Dương Văn Phước, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Nam, nói: “Tôi là người trực tiếp xây dựng những kiến nghị, trực tiếp tham gia các diễn đàn Quốc hội để bảo vệ quan điểm người Ca Dong (…) có ngôn ngữ, tập tục văn hóa, có nhiều cái hội đủ điều kiện để được công nhận là một tộc người riêng. Tuy nhiên, công nhận một dân tộc, thêm một dân tộc phải nghiên cứu rất kỹ, rất thấu đáo. Đứng trên góc độ toàn cục, góc độ chính trị, các nhà nghiên cứu vẫn muốn có thêm thời gian (…). Tộc người Ca Dong vẫn tiếp tục kiến nghị Nhà nước công nhận là một tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chúng tôi (ĐBQH) tiếp tục quan tâm, kiến nghị vấn đề này".

_______________________

Năm 2011, Ủy ban Dân tộc phối hợp với chính quyền huyện Nam Trà My tổ chức trưng cầu ý kiến người dân về thành phần dân tộc người Ca Dong. Biên bản họp thôn 1 xã Trà Mai đề ngày 26.10.2011 ghi nhận 131/200 hộ Ca Dong tại thôn 1 tham dự đều thống nhất “đề nghị các giấy tờ quản lý Nhà nước ghi và công nhận người Ca Dong là thành phần dân tộc riêng. Viết chính xác tên dân tộc là Kadong”.

Nguyện vọng tộc danh tiếp tục đạt tỷ lệ tuyệt đối tại Biên bản họp thôn 2 (125/153 hộ tham dự), thôn 3 (80/100 hộ) xã Trà Mai; thôn 1 (71/125 hộ), thôn 4 (100/127 hộ) xã Trà Tập; thôn 1 (124/160 hộ), thôn 2 (135/155 hộ) xã Trà Don; thôn 1 (92/200 hộ), thôn 6 (82/150) xã Trà Dơn; thôn 1 (160/221 hộ), thôn 2 (130/181 hộ) xã Trà Vân; thôn 1 (80/85 hộ), thôn 2 (74/80 hộ) xã Trà Vinh.

Tiêu chí xác định thành phần tộc người/tộc danh từ góc độ khoa học

Chung quanh câu chuyện tộc danh, phóng viên Người Đô Thị đã trao đổi với PGS-TS. Trương Văn Món (giảng viên cao cấp) Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Từ góc độ khoa học, đâu là những tiêu chí xác định tộc người/tộc danh của một tộc người, thưa ông?

Ngành dân tộc học ở Việt Nam tiếp cận từ lý luận của Liên Xô và đến nay vẫn giữ quan điểm đó. Giáo trình dân tộc học thường nêu ra 3 yếu tố cơ bản để xác định một tộc người: ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tự giác tộc người. Ngoài ra, một số giáo trình còn thêm hai yếu tố khác gồm lãnh thổ và kinh tế tộc người. Trong ý thức tự giác tộc người có liên quan đến tộc danh và mỗi tộc người thường có một tộc danh riêng gọi theo tên tự gọi của họ.

Ông có thể làm rõ hơn về yếu tố cơ bản thứ hai là bản sắc văn hóa?

Bản sắc văn hóa là tổng thể những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của tộc người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Mỗi dân tộc tùy thuộc vào môi trường sinh thái, bối cảnh lịch sử mà tạo ra một bản sắc văn hóa riêng không thể lẫn lộn với tộc người khác.

Chẳng hạn về góc độ ngôn ngữ, người Xơ Đăng và người Ca Dong mặc dù các nhà khoa học xếp chung vào nhóm ngôn ngữ Khmer nhưng ngoài những lớp từ chung, hai tộc người này còn có lớp từ vựng riêng mang tính địa phương.

Tương tự như vậy, ở Tây Nguyên có người Cơ Ho và người Cill; miền Trung có người Chăm và người Raglai. Về bản sắc văn hóa riêng của từng tộc người, chẳng hạn ở Tây Nguyên dân tộc nào cũng có nhà rông nhưng nhà rông của người Xơ Đăng có hai gian ở hai đầu hồi, còn người Gia Rai không có đầu hồi; nhà rông người Xơ Đăng chỉ 4 cột nhưng người Gia Rai và Ba Na có đến 8 cột…

Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam được công bố tại Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 2.3.1979 của Tổng cục Thống kê và được áp dụng thống nhất đến nay. Là một chuyên gia dân tộc học, theo ông, cơ sở nào để cơ quan thống kê quốc gia đưa ra danh mục này?

Sau khi đất nước thống nhất, giai đoạn 1976 - 1979, Chính phủ triển khai chương trình điều tra dân tộc học. Các nhà dân tộc học Việt Nam cũng dựa vào những tiêu chí xác định thành phần tộc người vừa nêu trên nhưng nghiêng về nhóm ngôn ngữ nhiều hơn. Vì thế có một số tộc người mặc dù có tộc danh riêng nhưng nếu cùng nhóm ngôn ngữ thì được ghép chung với nhau. Ví dụ người Ca Dong được xếp vào nhóm người Xơ Đăng; người Cill được xếp vào người Cơ Ho, người Tà Mun được xếp vào người Xtiêng. Cách làm này phù hợp, khả thi với bối cảnh lịch sử nước ta lúc đó vừa thống nhất còn gặp nhiều khó khăn.

Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam nêu trên có phù hợp với bối cảnh hiện nay không, thưa ông?

Sau khi thực hiện chính sách mở cửa năm 1986 và cho đến nay, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều công ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Đặc biệt từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư kinh phí phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đời sống kinh tế, văn hóa, dân trí của đồng bào được nâng cao khiến cho họ ngày càng ý thức sâu sắc hơn về nguồn cội của mình. Đó cũng là nguyên do mấy năm gần đây, một số tộc người như người Cill - Cơ Ho; người Tà Mun - Xtiêng; người Ca Dong - Xơ Đăng muốn tách ra thành tộc người có tên gọi riêng theo tên tự gọi của dân tộc họ.

Hiện nay những vấn đề nêu trên còn nảy sinh một số bất cập. Nhà nước thường dựa vào danh mục 54 dân tộc anh em để phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Khi tập trung phân bổ cho tộc người Cơ Ho theo danh mục chẳng hạn thì người Cill sẽ hơi bị thiệt thòi.

Tương tự, nếu tập trung nguồn lực phát triển người Xơ Đăng thì người Ca Dong thiệt thòi. Nhất là việc làm căn cước công dân hiện nay, Nhà nước ghi tên dân tộc theo thành phần 54 dân tộc được công bố năm 1979 nhưng người Ca Dong, người Ciil, người Tà Mun không có trong danh mục nêu trên.

Vì thế trong căn cước công dân, người Ca Dong được ghi là dân tộc Xơ Đăng; người Cill được ghi là dân tộc Cơ Ho. Điều này gây khó khăn cho cả hai bên, cả bà con dân tộc thiểu số và Nhà nước trong việc ghi tên tộc người, tộc danh sao cho chính xác, phù hợp với nguyện vọng nhân dân và thuận lợi trong việc quản lý.

Nhà nước nên có lộ trình xem xét nếu thấy điều đó là chính đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thượng Tùng thực hiện

Thượng Tùng

___________

(1) Tôn trọng nội dung, người viết dùng tộc danh Xơ Đăng theo quy ước tại Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ do Tổng cục Thống kê ban hành ngày 2.3.1979.
(2) Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Quảng Nam, Ủy ban Dân tộc năm 2017 còn gửi thư mời lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang viết bài tham luận với nội dung: “Những vấn đề đặt ra về thành phần dân tộc và những khó khăn thách thức trong thực hiện quản lý Nhà nước về dân tộc đối với nhóm Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay”.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-toc-nguoi-khao-khat-toc-danh-43919.html