Khi tội phạm làm đẹp

Hiện tượng đối tượng truy nã phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi diện mạo và trốn tránh pháp luật đang ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Nhiều tội phạm đã lợi dụng công nghệ thẩm mỹ để xóa dấu vết, khiến cho việc nhận diện và truy bắt trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng, 'lưới trời lồng lộng', dù đã thay hình đổi dạng, nhiều đối tượng vẫn sa lưới sau nhiều năm trốn nã.

Ngày 13/10/2024, Hoàng Thị Phương Trang (sinh năm 1983, trú tại khu Vân Hồ 3, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị bắt sau 8 năm trốn nã. Điều đáng nói, trong thời gian trốn, đối tượng này đã phẫu thuật thẩm mỹ để tránh sự truy bắt của Cơ quan công an.

Ngày 23/9/2013, TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Hoàng Thị Phương Trang là một trong 2 bị cáo bị đưa ra xét xử. Sau khi phiên tòa kết thúc, Trang được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. Đến năm 2016, người đàn bà này trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 12/6/2019, Cơ quan Thi hành án hình sự, CATP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đối với Hoàng Thị Phương Trang.

Dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ giúp nhiều đối tượng trốn truy nã “thay hình đổi dạng” lẩn tránh sự truy bắt của cơ quan Công an.

Dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ giúp nhiều đối tượng trốn truy nã “thay hình đổi dạng” lẩn tránh sự truy bắt của cơ quan Công an.

Căn cứ danh sách các đối tượng truy nã do Cơ quan Thi hành án hình sự bàn giao (tháng 9/2024), Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch truy bắt, trong đó có Hoàng Thị Phương Trang. Quá trình xác minh, trinh sát phát hiện đối tượng này không ở nơi nào cố định, thường xuyên di chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố và làm nhiều công việc khác nhau để che giấu thân phận. Trang từng có thời gian sinh sống tại Đắk Lắk rồi về TP Hồ Chí Minh kinh doanh bất động sản.

Được một thời gian ngắn, đối tượng nghe lời rủ rê đã vượt biên trái phép sang Campuchia. Tại đây, Trang xin làm nhân viên chia bài tại các sòng bạc, khi thì xin vào các cơ sở massage để kiếm sống. Quá trình sinh sống, làm việc, mỗi nơi “nữ quái” này lại xưng tên khác nhau, lúc giới thiệu là Thùy, khi lấy tên là Thùy Linh.

Đáng chú ý, để qua mắt Cơ quan công an, Hoàng Thị Phương Trang đã phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt, che giấu nhận dạng ban đầu. Nhưng, “lưới trời lồng lộng”, ngày 13/10/2024, sau những ngày ròng rã theo dấu tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội phát hiện Trang đang lẩn trốn tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và lập tức lên đường.

Đối tượng Trần Thị Thủy bị bắt sau nhiều năm trốn truy nã.

Đối tượng Trần Thị Thủy bị bắt sau nhiều năm trốn truy nã.

6h sáng, khi đối tượng đang ngủ trong căn phòng trọ tại khối Yên Bình, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự gọi cửa. Hoàng Thị Phương Trang sững sờ, không nghĩ sẽ bị bắt sau 8 năm mai danh ẩn tích.

Được biết, trong thời gian ở Vinh, Trang lấy tên là Thùy để làm nhân viên massage tại một khách sạn. Hiện Hoàng Thị Phương Trang đã được bàn giao cho Trại tạm giam số 1, CATP Hà Nội để áp dụng quyết định thi hành án 13 năm tù với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị 2 quyết định truy nã, Tống Thị Lan, sinh năm 1999 (trú tại tổ dân phố Nhiêu Thị, thị trấn Đồi Ngô, Bắc Giang) trốn chui trốn lủi nhiều năm, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an. Nhưng, cuối cùng, đối tượng vẫn sa lưới pháp luật.

Năm 2017, Lan cùng Dương Thị Ngọc Uyên, sinh năm 2000 (trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) cấu kết với nhau bán một người bạn qua Trung Quốc. Sau khi bán thành công, Uyên và Lan mỗi người nhận được 7,5 triệu đồng và trở về Việt Nam. Về phần nạn nhân, bị bán vào sâu nội địa và ép phải hành nghề mại dâm, Trần Thị M, sinh năm 2000 (xã Đông Phú, huyện Lục Nam) đau đớn nhận ra hành vi dã tâm của hai bạn mình. Tháng 4/2018, trong một đợt truy quét tội phạm, M được Công an Trung Quốc giải cứu và trao trả về Việt Nam nên làm đơn tố cáo Lan và Uyên.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Uyên bị tạm giam, còn Lan bị cấm đi khỏi nơi cư trú do đang nuôi con nhỏ. Lợi dụng biện pháp ngăn chặn này, Lan đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cùng thời gian này, Lan lại tham gia một vụ trộm cắp tài sản.

Tháng 7/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội “Mua bán người” đối với Tống Thị Lan. Cùng năm đó, Lan bị tống đạt quyết định truy nã thứ hai của Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Nam về tội “Trộm cắp tài sản”.

Sau 5 năm lẩn trốn ở cả Trung Quốc và Việt Nam, ngày 16/7 vừa qua, Tống Thị Lan đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang tóm gọn khi đang ở tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, đối tượng bị di lý về Bắc Giang để tiếp tục điều tra.

Bằng một loạt biện pháp nghiệp vụ liên hoàn, khẩn trương và vô cùng chặt chẽ, các trinh sát đã dựng chân dung đối tượng với một “lý lịch” hoàn toàn mới khác với nhận dạng ban đầu. Tống Thị Lan nay đổi tên thành Linh Trang, quê tỉnh Hải Dương, tạm trú ở TP Hồ Chí Minh, làm nghề tự do.

Lan có 2 người cô ruột sinh sống tại TP Hồ Chí Minh mở cửa hàng spa thẩm mỹ. Tận dụng lợi thế này, Lan đã làm phẫu thuật khuôn mặt, thay đổi một số hình dạng trên cơ thể. Mái tóc tém (ảnh truy nã) được thay bằng mái tóc dài thướt tha, khuôn mặt trái xoan xinh xắn, trẻ trung hơn... để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an cũng như quần chúng khi lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm được đăng tải khắp toàn quốc.

8 năm trốn truy nã, dù thay đổi diện mạo và danh tính nhưng Hoàng Thị Phương Trang vẫn sa lưới pháp luật.

8 năm trốn truy nã, dù thay đổi diện mạo và danh tính nhưng Hoàng Thị Phương Trang vẫn sa lưới pháp luật.

Tối 16/7, nguồn tin trinh sát cho biết đối tượng và bạn trai vừa đi du lịch nghỉ dưỡng về nhà trọ ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), các trinh sát lập tức áp sát. Sự kiên nhẫn của lực lượng Công an đã được đền đáp, Tống Thị Lan không kịp trở tay. Lan không nghĩ mình đã phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi nhiều mà vẫn bị phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 19/12/2023, Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội thông tin, lực lượng chức năng vừa bắt giữ đối tượng truy nã Trần Thị Thủy, sinh năm 1984, trú tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Theo hồ sơ vụ án, ngày 16/1/2007, Trần Thị Thủy bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương ra quyết định truy nã về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, với hành vi chiếm đoạt số tiền 266 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hà (tỉnh Hải Dương).

Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Thủy bỏ trốn khỏi địa phương. Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Thủy đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như liên tục thay đổi chỗ ở, phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt và làm căn cước công dân với tên gọi khác. Quá trình điều tra, Công an phường Phú Thượng bắt giữ đối tượng Thủy tại một khu chung cư ngay trên địa bàn phường.

Phẫu thuật thẩm mỹ vốn là phương pháp làm đẹp phổ biến, nhưng các đối tượng phạm tội đã khai thác những lợi ích của công nghệ này để biến hóa ngoại hình, xóa bỏ những đặc điểm nhận diện cơ bản của bản thân. Việc thay đổi diện mạo thông qua phẫu thuật giúp các đối tượng thoát khỏi sự truy bắt của cơ quan chức năng, cũng như làm cho những người quen biết khó có thể nhận ra.

Trên thực tế, nhiều đối tượng truy nã chọn cách phẫu thuật thay đổi các đặc điểm nổi bật trên khuôn mặt như mũi, cằm, mắt, thậm chí cả khung xương gương mặt. Sau khi thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ lớn, họ có thể trở thành một người hoàn toàn khác. Thậm chí, những người trước đó từng quen biết cũng khó có thể nhận ra.

Sau khi thay đổi diện mạo, các đối tượng thường làm giả giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu hoặc sử dụng danh tính mới để lẩn trốn. Thủ đoạn này không chỉ giúp các đối tượng “biến mất” khỏi hệ thống truy nã mà còn thuận lợi trong việc di chuyển và sinh sống ở các khu vực khác mà không bị phát hiện.

Việc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi diện mạo khiến cho các biện pháp truy nã truyền thống dựa trên nhận dạng gương mặt trở nên vô cùng khó khăn. Lực lượng chức năng không chỉ phải đối mặt với việc đối tượng hoàn toàn thay đổi diện mạo mà còn gặp phải những khó khăn trong việc thu thập thông tin và xác minh danh tính của các đối tượng này.

Với thủ đoạn này, nhiều đối tượng có thể lẩn trốn trong nhiều năm mà không bị phát hiện, thậm chí có thể xây dựng cuộc sống mới dưới một danh tính hoàn toàn khác. Điều này gây cản trở lớn cho quá trình điều tra và truy bắt. Một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng truy nã dễ dàng lợi dụng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi diện mạo là do sự lỏng lẻo trong quản lý và giám sát các cơ sở phẫu thuật. Hiện nay, ngành phẫu thuật thẩm mỹ vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến các đối tượng phạm tội có thể lợi dụng.

Dù đã nhiều lần phẫu thuật thay đổi diện mạo nhưng Tống Thị Lan vẫn không thoát khỏi “lưới trời”.

Dù đã nhiều lần phẫu thuật thay đổi diện mạo nhưng Tống Thị Lan vẫn không thoát khỏi “lưới trời”.

Nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chỉ tập trung vào việc thu hút khách hàng và lợi nhuận mà không chú ý đến việc xác minh danh tính của người đến phẫu thuật. Điều này tạo điều kiện cho các đối tượng truy nã dễ dàng sử dụng tên giả hoặc danh tính không chính xác để thực hiện phẫu thuật.

Ngoài những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chính thống, hiện nay còn tồn tại nhiều dịch vụ thẩm mỹ chui, hoạt động không phép hoặc không đủ điều kiện an toàn. Các đối tượng truy nã thường tìm đến những nơi này để tránh bị theo dõi và dễ dàng thay đổi diện mạo mà không phải cung cấp thông tin cá nhân chính xác.

Việc lợi dụng phẫu thuật thẩm mỹ để trốn truy nã không chỉ gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với xã hội. Các đối tượng tội phạm sau khi thay đổi diện mạo có thể tiếp tục thực hiện các hành vi phạm pháp mà không bị phát hiện, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho cộng đồng.

Khi các đối tượng truy nã có thể thay đổi diện mạo và tiếp tục cuộc sống mà không bị phát hiện, điều này không chỉ gây thiệt hại cho quá trình điều tra mà còn có nguy cơ khiến tội phạm tiếp tục lẩn tránh pháp luật và tái phạm.

Việc lợi dụng phẫu thuật thẩm mỹ để trốn truy nã có thể gây ra những hệ quả xấu đối với ngành làm đẹp. Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, các cơ sở thẩm mỹ có thể trở thành nơi che giấu tội phạm, khiến công tác quản lý và điều tra trở nên khó khăn hơn.

Việc lợi dụng phẫu thuật thẩm mỹ để trốn truy nã đang trở thành một thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc quản lý ngành phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời áp dụng công nghệ nhận diện tiên tiến để hỗ trợ công tác truy nã. Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ cộng đồng khỏi những đối tượng tội phạm lợi dụng công nghệ làm đẹp để lẩn trốn pháp luật.

Phong Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/khi-toi-pham-lam-dep-i747966/