Khi trách nhiệm cá nhân lẩn vào tập thể

Rất nhiều quy định kể cả trong Đảng, pháp luật Nhà nước về quản lý xã hội trên địa bàn thế nhưng hiệu quả còn thấp là do chưa xác định rõ được trách nhiệm. Trách nhiệm cá nhân cứ 'lẩn' vào trong tập thể nên không đem lại hiệu quả cao.

Ông Bùi Văn Xuyền.

Ông Bùi Văn Xuyền.

Sau một thời gian ra quân, đến nay vỉa hè lại bị tái chiếm, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh. Điều đó đặt ra vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý trật tự đô thị. Trao đổi với PV báo ĐĐK, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Luật pháp nghiêm nhưng quá trình thực hiện làm hình thức, không đúng bản chất nên các vi phạm tái diễn.

Theo ông Bùi Văn Xuyền, lấn chiếm vỉa hè là “câu chuyện muôn thuở”, trách nhiệm nằm ở cả hai phía gồm cơ quan quản lý nhà nước và ý thức của người dân. Mỗi đợt ra quân giống kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, làm một thời gian xong “đâu lại vào đó”. Quản lý vỉa hè còn liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội. Cái gốc chính là điều kiện về văn hóa, sinh hoạt, việc mưu sinh của người dân ở thành phố, kể cả người ngoại thành vào thành phố để mưu sinh.

Tại nhiều thành phố lớn, người dân tận dụng vỉa hè để kiếm sống. Bây giờ làm sao thay đổi được văn hóa về vỉa hè. Nếu chỉ xem xét ở góc độ pháp luật chắc không xong được mà phải hài hòa, tổng hợp nhiều vấn đề khác. Pháp luật nghiêm nhưng sau đợt ra quân thì đâu lại vào đó. Vì vậy cần giải quyết cả vấn đề văn hóa, công ăn việc làm, kế mưu sinh của người dân.

PV: Như vậy, có thể nói rằng nhiều nơi đã làm rất hình thức việc này, thưa ông?

Ông Bùi Văn Xuyền: Nói là cấm nhưng thực chất là “không cấm”. Dư luận có nhiều ý kiến phản ánh rằng đây còn là nguồn thu của chính quyền địa phương, cán bộ phường. Về bản chất, vỉa hè được giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương quản lý nhưng đây chính ra lại là nguồn thu để tăng thu nhập cho cán bộ ở địa phương.

Rất nhiều người nói bán hàng nước chè ở góc phố, vỉa hè cũng đều phải “đóng góp” cho công an, cho phường. Nếu không có “đóng góp” không bao giờ có chuyện được ngồi bán nước ở vỉa hè.

Đằng sau vỉa hè là “rất nhiều vấn đề” cho nên lập lại trật tự hè phố đòi hỏi rất nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng mỗi vấn đề luật pháp. Luật pháp thì nghiêm nhưng thực hiện lại không nghiêm. Làm hình thức, không đúng bản chất của vấn đề nên các vi phạm cứ tái diễn là vì thế.

Hệ thống luật pháp của ta về xử lý vi phạm trật tự đô thị đã khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện không nghiêm đã dẫn đến việc “nhờn luật”, thưa ông?

- Chính việc thi hành pháp luật từ cấp cơ sở cho đến cấp tỉnh, thành phố của chúng ta không nghiêm, người làm, người không làm. Như tại TP HCM sau đợt rộ lên “đòi lại vỉa hè”, tưởng làm được nhưng cuối cùng lại không phải, không thống nhất giữa trên với dưới, trong và ngoài, người dân và chính quyền.

Chúng ta có giám sát của HĐND các cấp, các tổ chức đoàn thể. Tại cấp cơ sở, tại các phiên họp của HĐND các cấp thấy rằng các đại biểu HĐND chất vấn rất gắt vấn đề này nhưng việc giải quyết của UBND lại rất hạn chế. Ông nghĩ sao về vấn đề này, phải chăng lợi ích kinh tế quá lớn đã che mờ đi các yếu tố khác?

- Trong quản lý vỉa hè, chúng ta giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Bây giờ trách nhiệm quản lý trên địa bàn phường có chính quyền phường gồm UBND, HĐND, Công an phường. Vậy khi để ra xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì người đứng đầu nơi đó có dám đứng lên từ chức, chịu trách nhiệm hay không? Rồi các tổ chức đoàn thể ở đó như thế nào, có quy được trách nhiệm hay không?

Thực ra đó chính là quản lý nhà nước ở địa phương. Có quy được trách nhiệm buộc Chủ tịch UBND phường phải bị xử lý không, tôi cho vấn đề này cần được làm “đến nơi đến chốn”, cụ thể, chỉ rõ được “địa chỉ trách nhiệm”.

Còn ở trên là trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát của cấp quận, huyện, hay tỉnh, thành phố. Nhiều khi vấn đề này làm theo kiểu phong trào nên sau một thời gian ra quân là vỉa hè lại bị lấn chiếm. Vì đây không phải là vấn đề “cháy nhà chết người” nên cứ được một thời gian xong “đâu lại vào đó”.

Ông có cho rằng nếu kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở trong việc buông lỏng quản lý như thực hiện Nghị định 100, quy định không uống rượu, bia khi tham gia giao thông thì tình trạng này sẽ thay đổi, mà đằng sau đó chính là kỷ cương phép nước?

- Nếu cấp phường không triệt để thì cấp trên là quận, huyện có thể chỉ đạo và Chủ tịch phường nơi đó phải chịu trách nhiệm; ngay HĐND nơi đó cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu không xử lý được thì có lẽ nên từ chức. Không ai làm việc đó nên mọi thứ cứ chung chung từ trên xuống dưới.

Đây là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, vậy theo ông có nên xem xét trách nhiệm lời hứa của lãnh đạo các cấp ủy đảng. Nơi nào vỉa hè bị lấn chiếm thì Bí thư, Chủ tịch nơi đó không đủ uy tín để tái cử?

- Đây là vấn đề mà cử tri, người dân ở từng địa phương phải có ý kiến khi người đó ứng cử vào các chức danh quản lý cụ thể trên địa bàn phường. Vấn đề này đã nói nhiều, quy định luật pháp cũng đầy đủ nhưng thực hiện không “đến nơi đến chốn”, cứ “lửng lơ”.

Rất nhiều quy định kể cả trong Đảng, pháp luật Nhà nước về quản lý xã hội trên địa bàn thế nhưng hiệu quả còn thấp là do chưa xác định rõ được trách nhiệm. Trách nhiệm cá nhân cứ “lẩn” vào trong tập thể nên không đem lại hiệu quả cao. Riêng với Hà Nội, tôi kỳ vọng rằng, hiện Hà Nội đã thí điểm bỏ HĐND tại cấp phường, giao quyền đấy cho Chủ tịch UBND phường.

Như vậy không nói đến tập thể nữa mà chính Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, cử tri, và người dân nơi đó về quản lý an ninh trật tự trên địa bàn phường. Như vậy trách nhiệm cá nhân chắc chắn sẽ cao hơn và quy được trách nhiệm cụ thể.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-trach-nhiem-ca-nhan-lan-vao-tap-the-490198.html