Khi tre nứa cất lời

Sau khi về hưu, tôi có mấy năm phụ trách mảng văn hóa tại Khu du lịch 'Một thoáng Việt Nam' (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Đấy là quãng thời gian rất thú vị, bởi mình được thi triển những gì mình thích, mình thấy có ích, thấy rất đáng được làm mà trước đó chưa có dịp trải nghiệm. Một trong những việc ấy là làm cho tre nứa cất lời. Mà tre nứa Tây Nguyên lại còn vang lên giữa đô thị Sài Gòn.

Bây giờ, chúng ta hiện đại lắm rồi, mọi thứ đồ dùng đều rất xịn xò. Đến cái nồi nấu cơm giờ cũng tự động hóa hoàn toàn, chỉ ngồi bất cứ đâu đấy, bấm mấy nhát, gạo tự đổ vào nồi, tự vo, tự cân nước, tự bật nút, tự chín.

Lần ngược về thì trước khi có những cái công cụ nấu hiện đại thế thì dân ta nấu bằng... ống nứa, dùng ống nứa nấu cơm và cả thức ăn. Giờ nó đang là đặc sản đấy.

Từ khi chưa có đồ đá, đồ sắt, đồ đồng, đồ nhôm inox như bây giờ, cha ông ta đã có... đồ nứa. Nứa trở thành nồi để nấu thức ăn khi mà con người vừa thoát ra khỏi trình độ ăn tươi nuốt sống. Cách nấu đơn giản thôi, cho đồ cần nấu vào ống nứa, rồi đốt lửa. Một số vùng dân tộc thiểu số phía Bắc gọi đấy là lam. Lam là nấu, là động từ, sau này nó trở thành danh từ. Cơm lam là cái món hầu như chúng ta ai cũng biết. Ngoài lam cơm, còn lam cá, lam thịt, lam rau. Giờ còn 2 món người ta thường lam như là đặc sản là lam cơm và lam thịt. Thịt dê cho vào ống nứa sau khi đã ướp gia vị rồi gác lên bếp là một món kêu ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Còn cơm lam thì ăn xong và kêu mang về cũng là chuyện thường tình.

Người Tây Nguyên cũng nấu cơm và thức ăn bằng ống nứa như thế. Và giờ các nhà hàng cũng có món này, thậm chí trở thành món chủ lực. Điều vui là bà con từng dân tộc Bahnar, Jrai, Ê Đê, Xê Đăng... đều có tên gọi riêng cho cách nấu này, nhưng giờ, hầu như tất cả đều gọi cơm lam. Riêng tôi, vẫn cương quyết gọi cơm nấu ống nứa. Dài tí nhưng nó đúng bản chất.

Đàn t'rưng gió Tây Nguyên tại Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam". Ảnh: Văn Công Hùng

Đàn t'rưng gió Tây Nguyên tại Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam". Ảnh: Văn Công Hùng

Mà không chỉ để nấu, nó còn có tác dụng đuổi thú nữa. Những giàn tre nứa được cài, cắm trong rẫy, có thể lợi dụng sức gió, sức nước, kết hợp với những con bù nhìn bằng lá chuối thành những thứ đuổi thú, chim hữu hiệu.

Rồi từ đấy, người ta mang về nhà, làm cái mà giờ ta gọi là nhạc cụ, nhưng có lẽ, cũng giống như chiêng sau này, người ta sử dụng làm chức năng thông tin trước. Người Kinh cũng có thời dùng mõ tre làm chức năng thông tin, từ gõ cầm canh, gõ thông báo đến đeo cho trâu bò. Thì người dân tộc thiểu số nói chung, người Tây Nguyên cũng vậy. Rồi tiến lên, người ta dùng như nhạc cụ. Và đấy có lẽ là phương thức để đàn t’rưng, klông pút... ra đời.

Đàn t’rưng, klông pút và một số nhạc cụ Tây Nguyên khác như goong, k’ni, đing goong, đing yơng, bro, teh đing... được phổ biến có lẽ là từ thời Đoàn văn công Tây Nguyên ra Bắc, có một số nghệ sĩ người dân tộc Tây Nguyên mang ra theo và được những bậc thầy thuở ấy như Nhật Lai dàn dựng. Ông Nay Pha người Jrai ở xã Chư Mố (huyện Ia Pa) là nghệ sĩ của Đoàn văn công Tây Nguyên thời ấy có công mang t’rưng đi phổ biến ở mười mấy nước xã hội chủ nghĩa khi đoàn đi biểu diễn dài ngày ở các nước này.

T’rưng ban đầu hoàn toàn được làm từ các nguyên liệu ở rừng, người chơi dùng chân móc để căng ra chơi. Sau này khi nó thành nhạc cụ chuyên nghiệp thì người ta làm những cái giá căng đàn cho tiện và có sử dụng thêm một số nguyên liệu hiện đại như dây cao su, dây dù để cột, buộc nhưng về cơ bản nó cũng vẫn là tre nứa. Cách chơi cũng thay đổi rất nhiều so với nguyên bản.

Đàn klông pút cũng thế. Vốn dĩ nó là mấy ống nứa ghép lại và người ta dùng tay vỗ ở đầu ống để tạo hơi ra âm thanh chứ không vỗ trực tiếp. Đa phần là phải 3 người chơi, một bên 1 người và bên kia 2 người. Sau này, người ta cải tiến bèn dựng đứng cái bộ ấy lên và dùng... cao su vỗ, tốt nhất là cái đế dép hay đi trong phòng.

Nghệ nhân làng Chúet (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chơi đàn t’rưng. Ảnh: Văn Công Hùng

Nghệ nhân làng Chúet (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chơi đàn t’rưng. Ảnh: Văn Công Hùng

Ở Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” có một cái t’rưng nước, một t’rưng gió. Tất nhiên, nước là dùng sức nước và gió thì dùng gió. Vấn đề là nghệ nhân rất tài tình khi chọn từng ống nứa, rồi khoét, sửa, nghe đo... âm thanh, để khi treo vào thành một chuỗi, một dây như thế, mỗi ống nứa đảm nhận một nốt khác nhau, để khi gió hoặc nước tác động vào, nó thành một chuỗi âm thanh có nghĩa chứ không phải bạ đâu kêu đấy. Và có một tốp nghệ nhân được mời từ làng Chúet (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chơi các loại nhạc cụ tre nứa này.

Lại có chuyện này. Chúng ta đều biết, người Tây Nguyên không làm ra chiêng dù chiêng bây giờ là một phần cuộc sống của họ, dù không gian văn hóa cồng chiêng bây giờ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... mà họ phải đi mua/đổi của người Kinh, người Lào, người Mã Lai về. Nhưng trước khi đi mua/đổi chiêng ấy thì người Tây Nguyên dùng tre thay chiêng. Tôi đã chứng kiến những người dân Tây Nguyên dùng tre thay chiêng. Nếu nhắm mắt lại, hầu như không biết là họ đang chơi chiêng bằng tre, tất nhiên trừ những người nghiên cứu âm nhạc.

Và giờ, người ta phát hiện ra rằng trên thế giới có tới hơn ngàn loại tre khác nhau. Việt Nam cũng được xếp vào nhóm nước có nhiều giống tre, đứng thứ 4 thế giới về diện tích tre nứa. Một thời gian dài, nhiều trăm năm, tre nứa là vật dụng thường xuyên của người Việt từ tăm, đũa tới nhà cửa các loại. Sau tiến lên bê tông cốt thép, đến tăm cũng bằng nhựa hoặc gỗ, rồi giờ tre nứa đang trở lại. Và mới biết, nếu biết cách sử dụng, tre nứa cũng bền chả khác gì các vật liệu khác mà các công trình về tre của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa là ví dụ. Và cũng đến giờ tôi mới biết, từ tre, người ta có thể chế biến ra vô vàn thứ như vải may quần áo, ẩm thực, hương liệu... tất nhiên vì thế mà đã từng có kẻ cả gan phịa ra món thuốc chữa ung thư từ... than tre. Nhưng tôi biết, có thể sản xuất dược liệu từ than tre là điều khả dĩ.

Mà những điều tôi biết về tre nứa, mới là hạt cát giữa biển, dù chỗ tôi làm việc đã có tới 120 giống tre, có nguyên một khu tre và có những nhạc cụ tre như tôi kể.

Mùa xuân cũng là mùa tre nứa cất lời. Lời của chúng là những mụt măng căng mởn vươn lên trong nắng xuân. Lời của chúng cũng chính là những cái cần rượu ngất nghểu hương rừng (các gia đình ở phố giờ Tết hay mua một ghè rượu cần nhỏ để trong nhà, vừa trang trí vừa tiếp khách, rất đẹp và thú vị), lời của chúng còn là những ống cơm nướng mà giờ ta hay gọi cơm lam. Một số nhà hàng có món này và sẵn sàng ship. Thử đi, lạ miệng và ngon bổ rẻ. Và, nó còn là những âm thanh tuyệt vời từ những dàn t’rưng, klông pút... mà nếu không có điều kiện xem/nghe trực tiếp, ta có thể thưởng thức từ các chương trình âm nhạc dân tộc trên mạng. Không phải không có lý khi mà các chương trình âm nhạc Tết của các đài truyền hình, đài phát thanh đều có món âm nhạc dân tộc, và món ấy, quá nửa là từ tre nứa các loại.

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/202112/khi-tre-nua-cat-loi-5761568/