Khi trong nhà không bảo được nhau

Vụ việc Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến các thủ tục kiện Malta ra Tòa án Công lý châu Âu (EJC) vì chính sách

Vụ việc Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến các thủ tục kiện Malta ra Tòa án Công lý châu Âu (EJC) vì chính sách “hộ chiếu vàng” đang khiến dư luận thế giới không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, quốc đảo nhỏ bé, xinh đẹp và thịnh vượng này bấy lâu nay vẫn được coi là “đứa con cưng” của EU.

 Tòa án tối cao châu Âu tại Kirchberg, Luxembourg. Ảnh: The Independent/TTXVN

Tòa án tối cao châu Âu tại Kirchberg, Luxembourg. Ảnh: The Independent/TTXVN

Khởi đầu vụ việc là từ chính sách “hộ chiếu vàng” đổi quốc tịch lấy các khoản đầu tư từ giới siêu giàu. Theo đó, người nước ngoài khi đầu tư vào Malta từ 1 triệu USD sẽ được trao quốc tịch nước này mà không bắt buộc phải sống tại đây. Trở thành công dân Malta đồng nghĩa với quyền được cư trú, di chuyển và làm việc tại quốc gia bất kỳ trong số 27 nước thành viên EU, thậm chí được quyền bỏ phiếu trong một số cuộc bầu cử nhất định. Hộ chiếu Malta được xếp hạng quyền lực thứ 9 thế giới và công dân nước này được miễn thị thực nhập cảnh ở 182 nước trên toàn cầu (theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế-IATA). Sức hấp dẫn về quyền lợi mà tấm hộ chiếu đem lại đã khiến quốc đảo này nổi lên như một trong những điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu khắp thế giới. Theo Euronews, kể từ khi được áp dụng vào năm 2013, “hộ chiếu vàng” đã đem về cho Malta 1,1 tỷ USD.

Dầu vậy, mặt trái của vấn đề là ở chỗ đối với EU, chính sách “hộ chiếu vàng” đem lại rủi ro an ninh, làm suy yếu bản chất của EU và các quyền tự do đi kèm với quyền công dân của một quốc gia thành viên, chưa kể nó còn là cơ hội cho giới siêu giàu thực hiện những hành vi phi pháp như: Trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền... “Bằng cách cung cấp quyền công dân để đổi lấy các khoản đầu tư mà không có mối liên hệ thực sự với quốc gia sở tại, Malta đã vi phạm điều luật của EU... Các giá trị của EU không phải là món hàng để mua bán”, Ủy viên phụ trách tư pháp EU Didier Reynders gay gắt chỉ trích.

Bất chấp việc EU đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt chính sách gây tranh cãi này, Malta chưa có ý định hủy bỏ “hộ chiếu vàng”. Sự “cứng đầu” dằng dai của Malta có thể ngầm hiểu là do nước này chưa “đành lòng” cưỡng lại mối lợi to lớn, khi mà nhu cầu mua quốc tịch và quyền cư trú tại EU của giới siêu giàu nước ngoài ngày càng gia tăng. “Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây áp lực lên các chính phủ trong việc tìm cách gia tăng đầu tư nước ngoài và chính sách “hộ chiếu vàng” được coi là một cách làm chẳng mấy tốn kém, nhất là khi nhà đầu tư không bắt buộc phải sinh sống tại nước mới nhập tịch”, giảng viên Đại học Oxford Lior Erez lý giải.

Với vị thế khá vững chắc khi là thành viên của cả 4 nhóm liên minh lớn nhất châu Âu: Khối thịnh vượng chung (Commonwealth), EU, Khu vực tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lâu nay, Malta được hưởng lợi từ “bầu sữa” dồi dào của EU, được EU bảo trợ trong nhiều lĩnh vực như: Du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ di sản, vấn đề môi trường... Như vậy, lẽ ra “đứa con cưng” Malta phải răm rắp nghe lời hoặc chí ít không bày tỏ thái độ chống đối EU.

Thế nhưng, rốt cục EU đã buộc phải làm những gì cần làm. Quyết định kiện Malta ra tòa, ở góc độ nào đó, cho thấy sự thất vọng và bất lực của EU đối với quốc đảo này. Kể từ năm 2020, EU đã nhiều lần cảnh báo các nước thành viên khẩn trương “kết liễu” chính sách mà theo EU có tác dụng “khuyến khích tham nhũng và rửa tiền trong khi nhà đầu tư không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ cư trú nào ở EU”. Dành tới hai năm để thuyết phục, cảnh cáo, hẳn EU cũng muốn “trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Áp lực từ Brussels đã dẫn đến việc đình chỉ hoặc bãi bỏ chính sách “hộ chiếu vàng” ở các nước EU khác. Malta hiện là quốc gia EU duy nhất duy trì chính sách này, và do đó, tự đẩy mình vào tình thế đối đầu với EU.

Có thể thấy, vụ kiện này là hành động cực chẳng đã của EU, khi buộc phải phơi bày những bất đồng, chia rẽ trong nội bộ khối. Chính phủ Malta đã phản ứng bằng một tuyên bố phủ nhận vi phạm các hiệp ước của EU, đồng thời nhắc lại rằng chính sách quốc tịch của Malta hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính họ và nước này sẵn sàng theo đuổi vụ kiện. Chưa rõ vụ việc sẽ đi đến đâu, song nó cho thấy tình thế “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong nội bộ EU, mà điều này khó có thể được xoay chuyển trong ngày một ngày hai./.

Theo QĐND

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202210/khi-trong-nha-khong-bao-duoc-nhau-2553477/