Khi văn hóa là ngọn đuốc sáng cho báo chí

Văn hóa không chỉ nằm trong trang phục, lời ăn tiếng nói, những bài vè câu hát… mà văn hóa là cả sự quan tâm, cách đối xử giữa người với người, giữa người với sự vật, sự việc. Trong báo chí, văn hóa cần được đề cao hơn cả. Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023 được tổ chức vừa qua, tọa đàm 'Văn hóa báo chí' đã diễn ra tại khu vực Khối báo chí quân đội.

Nhà báo cần lan tỏa các giá trị văn hóa trong tác nghiệp.

Nhà báo cần lan tỏa các giá trị văn hóa trong tác nghiệp.

Góc nhìn nhà báo - Góc nhìn văn hóa

Tọa đàm có sự tham gia của PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Nói đến văn hóa báo chí, có ý kiến cho rằng, có thể hiểu đôi khi đơn giản là thái độ giữa phóng viên với nhân dân, với nhân vật được phỏng vấn. Chẳng hạn, đối tượng được phỏng vấn là trẻ em thì phóng viên, nhà báo không thể chỉ đứng để cầm mic và thu nhận câu trả lời. Mỗi nhà báo cần phải biết quan sát, lắng nghe nhân vật của mình, “bỏ qua” hình ảnh của bản thân để làm nổi bật nhân vật.

Nhìn rộng hơn, trong việc làm báo, văn hóa, đạo đức và luật pháp phải luôn đi cùng nhau, trở thành tấm gương soi chiếu cho mỗi nhà báo. PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: “Người làm báo bản chất là người làm văn hóa, phải là người lan tỏa các giá trị văn hóa, bảo vệ và gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa địa phương, của khối, của đất nước. Góc nhìn một nhà báo cũng là góc nhìn của một nhà văn hóa”.

Thời gian qua, thực tế đã phản ánh, trong cuộc cạnh tranh giữa những người cầm bút, có khi những giá trị kinh tế được đặt lên đứng trước con chữ. Khi đó, người làm báo càng phải giữ lấy mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Không chỉ viết cho hay, cho đúng, cho hấp dẫn mà còn phải giữ được lương tâm trong sáng của mình.

Nhà báo Hồ Quang Lợi trăn trở: “Khi viết, chúng ta đã tôn trọng con người chưa? Chúng ta đã quan tâm đến số phận của những con người phía sau trang giấy chưa? Chúng ta có làm tổn thương họ không? Đó là giá trị văn hóa sâu sắc khi chúng ta cầm bút. Là người cầm bút chúng ta phải hiểu ngòi bút chúng ta phục vụ ai? Để chúng ta biết nên viết như thế nào? Giá trị của một bài báo nằm ở giá trị xã hội của nó. Từ những sản phẩm báo chí mang tính nhân đạo cao cả, báo chí tôn vinh con người, trân trọng con người, vì con người, khi chúng ta viết để phục vụ con người thì khi đó giá trị văn hóa đang được đề cao”.

Các diễn giả và cử tọa cũng trao đổi chung quanh nhiều nội dung có tính cấp bách trong bối cảnh hôm nay. Như làm báo cũng chính là bước vào cuộc chiến đấu vì sự thật, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật; chiến đấu để bảo vệ tính nhân văn; và làm nghề một cách khách quan, công tâm và chính xác… Đó cũng là giá trị cao quý của văn hóa báo chí.

Để công nghệ tốt chắp cánh nội dung hay

Tại buổi tọa đàm, vấn đề văn hóa báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển cũng được đề cập. Theo đó, thời đại công nghệ số vừa là thời cơ, cũng là thách thức rất lớn đối với nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Một bài báo hay ngoài nội dung tốt còn cần có công nghệ tốt. Công nghệ xây dựng nền báo chí đa phương tiện, giúp cho nội dung được truyền tải một cách trực quan và sinh động hơn. Đó cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh báo chí hiện đại.

Bên cạnh đó, các nhà báo hiện nay cũng đang phải đối diện những “cám dỗ” mà công nghệ số mang lại. Với mạng lưới internet phủ khắp, nếu phóng viên chỉ ngồi tại nhà lướt mạng xã hội để kiếm đề tài, tìm những nội dung trôi nổi thay vì kiểm chứng thì sẽ làm mất đi giá trị của báo chí. Tạo cơ hội cho tin giả lan rộng, chi phối tâm lý của đông đảo công chúng. PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ, để tin giả lấn lướt cả những bài viết hay thì chúng ta đang không hoàn thành được sứ mệnh của mình. Không giữ được trận địa thông tin thì chúng ta sẽ thua ngay trên sở trường của mình”.

Tham dự tọa đàm, anh Lâm Văn Đức, học viên năm thứ 2 Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: “Bản thân mình cảm thấy báo chí có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống xã hội cũng như sự phát triển của đất nước. Dù ở thời đại nào mình nghĩ văn hóa báo chí luôn phải được đề cao và trở thành mục tiêu để truyền đạt giá trị thông tin trong thời đại công nghệ lên ngôi”.

Tâm thế và đạo đức báo chí trong bối cảnh công nghệ số cũng được đề cao. Theo các diễn giả, tâm thế, đạo đức và lý tưởng báo chí không bao giờ thay đổi trong công tác báo chí. Có chăng cái thay đổi chỉ là phương thức để phù hợp với thời đại. Độ tin cậy và tính xác thực là yếu tố quyết định sống còn của báo chí trong thời đại công nghệ số.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202303/khi-van-hoa-la-ngon-duoc-sang-cho-bao-chi-974197/