Khi Văn phòng Nội các Nhật dùng cơm chiên gạo Việt
Đã đến lúc Việt Nam cần tính toán đến việc 'số hóa đồng ruộng', mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như Nhật Bản.
Mới đây, lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam (VN) đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Đây là tín hiệu tích cực để không chỉ gạo ngon mà các mặt hàng nông sản khác của VN tiếp tục tiếp cận thị trường khó tính này.
Phải vượt qua hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe
Theo Thương vụ VN tại Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp (DN) Việt phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Cụ thể, từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch đến đóng gói và bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.
Đại diện Công ty TNHH Spice House, đơn vị phân phối gạo ST25 ở Nhật Bản, thông tin thêm: Gạo ST25 từng đoạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” vào năm 2019 và được nhiều người tin dùng. Do đó, công ty đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi và Công ty Suntomi International - đơn vị nhập khẩu để đưa gạo ST25 đến người tiêu dùng Nhật.
Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều nông sản
Theo Thương vụ VN tại Nhật Bản, năm ngoái tổng kim ngạch thương mại song phương giữa VN và Nhật Bản đạt 42,7 tỉ USD, tăng 7,8% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu của VN sang Nhật Bản đạt 20,1 tỉ USD, tăng 4,4%; nhập khẩu của VN từ Nhật Bản đạt 22,6 tỉ USD, tăng 11,3%.
Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm từ nước ngoài. VN được đánh giá có thế mạnh về các mặt hàng trên và có khả năng cung ứng tốt.
“Sau hơn một năm đàm phán, kiểm định chất lượng, gạo ST25 mới chính thức có mặt tại thị trường này” - đại diện Spice House thông tin.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DHFoods, cũng cho hay để sản phẩm gia vị của công ty vào được thị trường Nhật, ban đầu phía đối tác yêu cầu công ty phải kiểm tra 2.000 tiêu chuẩn chất lượng. Sau hai năm đàm phán, cuối cùng sản phẩm gia vị của công ty mới chính thức có mặt ở thị trường Nhật.
Hiện nay, muối ớt Tây Ninh, muối tôm Tây Ninh, muối ớt chanh Nha Trang… đã có mặt ở hệ thống siêu thị KOBE lớn của Nhật với 2.000 điểm bán. Bên cạnh đó, gia vị của VN còn có mặt tại một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất của Nhật là Don Quijote với hơn 270 điểm bán.
“Điều này khẳng định chất lượng của gia vị Việt, được làm từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên được người Nhật rất yêu thích. Ví dụ, người dân bản địa mua muối tôm DHFoods về dùng chung với salad, chấm với trái cây” - ông Dũng kể.
Tiến tới nông nghiệp thông minh
Nhiều nhà xuất khẩu cho rằng sự kiện gạo ST25 được chọn trong thực đơn của nội các Nhật cho thấy nông sản Việt có cơ hội lớn để tiếp cận thị trường Nhật. Tuy nhiên, để hàng VN nói chung và nông sản nói riêng xuất khẩu đến Nhật Bản cũng như vươn ra thế giới thì đầu tiên phải đảm bảo chất lượng đồng đều, bao bì bắt mắt. Bởi một số mặt hàng Việt bị đối tác phàn nàn không đồng đều về chất lượng.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DHFoods Nguyễn Trung Dũng dẫn chứng: Một chủ sở hữu chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản chia sẻ rằng trước đây từng nhập hàng của một công ty VN nhưng chất lượng lô sau không đạt như lô chào hàng, vì vậy họ dừng nhập và vẫn cho cơ hội sửa sai. Họ đề nghị công ty Việt ký cam kết nếu các lô hàng sau không đạt chất lượng như lô chào hàng thì phải bồi thường thiệt hại hoàn toàn cho siêu thị tại Nhật.
“Chúng tôi có 150 sản phẩm gia vị nhưng để thuyết phục người Nhật mua thêm một sản phẩm mất nhiều thời gian vì họ rất cẩn thận. Mình biết tính cách của người Nhật nên không sốt ruột, đặc biệt làm thị trường xuất khẩu càng không được vội vàng. Từ năm ngoái đến đầu năm nay, công ty thuyết phục họ bán thêm mắm ruốc ăn liền, nước mắm sả pha sẵn, ớt sa tế, sa tế ớt xiêm xanh… và được đối tác chấp nhận” - ông Dũng chia sẻ.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, nói sự kiện gạo ST25 được chọn trong thực đơn của nội các Nhật Bản là tín hiệu tích cực, chứng minh bước chuyển mình của hạt gạo Việt. Song nó cũng đặt ra thách thức cho nông sản VN là cần có sự đầu tư bài bản với sự tham gia của nhiều tác nhân trong chuỗi cung ứng.
“Để không chỉ gạo ST25 mà các mặt hàng gạo khác và nông sản VN vươn xa hơn, Nhà nước cần triển khai mạnh mẽ “một phải và ba có”. Trong đó, “một phải” là có cơ chế, chính sách đột phá. “Ba có” là cần có đủ vốn để đầu tư cả hệ thống chuỗi giá trị, thay vì xem xét hỗ trợ vốn cho từng hợp tác xã, DN” - TS Hiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiệp, VN cần có mô hình phù hợp, bởi nếu vẫn mạnh ai nấy làm thì không đáp ứng được những thị trường khó tính. Mô hình cánh đồng mẫu lớn hình thành từ năm 2011 đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế giúp giảm chi phí, tăng giá trị, chất lượng… với sự liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN và nhà nông. Tuy nhiên, thời gian qua mô hình này bị chững lại thì nay cần củng cố lại.
“Đặc biệt đã đến lúc VN cần tính toán đến số hóa đồng ruộng, mã số vùng trồng, ứng dụng canh tác thông minh để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như Nhật Bản” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Thâm nhập thị trường Nhật bằng sự dung dị, gần gũi
Chia sẻ với báo chí, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, cho hay: Việc giới thiệu các sản phẩm nông sản chất lượng cao vào thị trường Nhật Bản thông qua những cơ quan, đơn vị, những người có tầm ảnh hưởng… là một trong những cách thức để giúp các sản phẩm nông sản VN thuận lợi hơn khi đi vào thị trường này.
“Trước đây quả vải tươi của VN được tặng cho những người bạn Nhật Bản và khi trải nghiệm sản phẩm có chất lượng, những người bạn ấy sẽ giúp quảng bá sản phẩm cho chúng ta. Hạt gạo cũng vào thị trường Nhật Bản bằng sự dung dị, gần gũi như thế. Chúng tôi làm theo cách tiếp cận của người Nhật, đưa sản phẩm tới những người bạn, những đơn vị có tầm ảnh hưởng trong xã hội” - ông Minh chia sẻ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-van-phong-noi-cac-nhat-dung-com-chien-gao-viet-post697720.html