Khi vợ chồng ngại sinh con

Chi phí nuôi dạy trẻ cao cùng xu hướng 'sống cho bản thân' khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con, trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở Việt Nam có xu hướng giảm.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn sinh ít con để có điều kiện “sống vì bản thân nhiều hơn”. Hình minh họa do chatgpt thực hiện.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn sinh ít con để có điều kiện “sống vì bản thân nhiều hơn”. Hình minh họa do chatgpt thực hiện.

Kết hôn với người đàn ông có một con gái riêng học lớp 8, chị Nguyễn Thanh Hương, 32 tuổi, nói với chồng “không muốn sinh con” và chồng chị cũng đồng ý, bởi hai người đồng quan điểm “ít con thì dễ chịu, có điều kiện tận hưởng cuộc sống”.

“Chồng đã có con thì tôi sẽ coi con chồng như con mình”, chị Hương, nhân viên thiết kế đồ họa, trú tại phố Hồng Mai, quận Hoàng Mai, nói.

Anh Hoàng Thành Chung, 36 tuổi, chồng chị Hương, ủng hộ quan điểm của vợ. Anh cho rằng hiện nay nuôi dạy một đứa trẻ “không hề đơn giản”. “Mỗi tháng tôi phải chi hơn 10 triệu đồng cho con, gồm tiền học, tiền ăn ở trường, tiền đưa đón và nhiều loại chi phí khác. Sinh thêm con thì gánh nặng tài chính tăng lên gấp đôi”, anh Chung, nhân viên kinh doanh tập đoàn Stavian, nói.

Không chỉ anh chị Chung Hương, một số cặp vợ chồng ở Hà Nội cũng không muốn sinh thêm con vì lý do kinh tế. Ngoài ra, họ có quan điểm về con cái khác với thế hệ trước.

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh ở khu tái định cư Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội có một con gái nhưng không sinh thêm để kiếm con trai như mong muốn của cha mẹ đôi bên. “Chúng tôi nghĩ khác. Con nào cũng là con, và tôi không nghĩ việc “nối dõi tông đường” ở thời nay mang nhiều ý nghĩa, nhất là đối với những người ở thành phố”, anh Đức Anh, 41 tuổi, làm nghề kinh doanh nhà hàng, nói. Anh bảo chỉ khi về quê, thỉnh thoảng anh mới thấy các chú các bác giục đẻ thêm “kiếm thằng cu”. “Những lúc ấy tôi chỉ cười cho qua chuyện”, anh Đức Anh kể.

Theo anh Đức Anh, sinh ít con thì có điều kiện về tài chính để nuôi dạy tốt hơn, đồng thời gia đình ít con cũng có nhiều điều kiện chăm sóc lẫn nhau, theo đuổi những sở thích của vợ hay chồng. “Cứ cuối tuần, gia đình ba người đưa nhau đi đâu đó đổi gió, cắm trại, du lịch hay đi ăn uống. Sinh ít con thì mới thảnh thơi như thế được”, anh nói.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh ở Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tổng tỷ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới mức sinh thay thế 2,1 con. Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.

Tổng cục Thống kê nhận định mức sinh giảm đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức sinh thấp, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Kết hôn không sinh hoặc sinh ít con là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ hiện nay. Trên một diễn đàn nổi tiếng, chủ đề này được đưa lên từ ngày 10/4/2023 và đến nay vẫn tiếp tục với hàng ngàn bình luận. Tựu trung lại, có một số luồng ý kiến: Nuôi con thời nay tốn kém, nên cần sinh ít để có điều kiện chăm sóc; có tiền có sức khỏe thì phải hưởng thụ, tại sao phải phí thời gian nuôi (nhiều) con; giới trẻ ngày nay sống vì bản thân, ngại sinh con hoặc sinh nhiều con…

Theo chuyên gia, những thay đổi về nhận thức và lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sinh. Nhiều gia đình trẻ lựa chọn sinh ít con để tập trung vào sự nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chuyên gia tâm lý Huỳnh Trần Tiểu My, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TPHCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế lười sinh ở người trẻ: muốn tập trung theo đuổi các sở thích, nhu cầu của bản thân hay phấn đấu để phát triển sự nghiệp, làm giàu. TPHCM hiện được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong cả nước, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,32 con, theo công bố của Sở Y tế TPHCM hôm 8/7.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.

Các chuyên gia dân số cho rằng, mức sinh “tụt” quá thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước như suy giảm quy mô dân số; thiếu hụt lực lượng lao động; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư...

Tuy nhiên, anh Hoàng Thành Chung cho rằng mỗi người có quan điểm sống riêng và lựa chọn của anh là “sống vì mình nhiều hơn thế hệ đi trước”. Chuyện vĩ mô như suy giảm quy mô dân số hay dân số già, anh không để tâm lắm. “Dân số vẫn đang tăng, nên chưa đáng lo ngại, đẻ ít hay không sinh con cũng chẳng vấn đề gì”, anh Chung nói.

“Tôi có một con gái, sau này cháu lập gia đình là xong. Lúc đó vợ chồng chăm nhau, thỉnh thoảng đi du lịch, như thế có phải thảnh thơi không”, anh Đức Anh nói.

Ngày 11/7, tại mít tinh nhân ngày Dân số Thế giới diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói Việt Nam chưa có kinh nghiệm khuyến khích tăng mức sinh ở vùng mức sinh thấp và thích ứng với tình trạng già hóa dân số, mong muốn cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ nguồn tài chính và kỹ thuật. Bộ trưởng nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

TRÚC MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-vo-chong-ngai-sinh-con-10288714.html