Khích lệ học sinh đổi mới, sáng tạo

Sau 6 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2024 đã tiếp nhận gần 1,9 ngàn giải pháp dự thi của các thí sinh trong tỉnh.

Ban giám khảo chấm điểm các giải pháp dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024 của học sinh huyện Nhơn Trạch. Ảnh: BTC

Ban giám khảo chấm điểm các giải pháp dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2024 của học sinh huyện Nhơn Trạch. Ảnh: BTC

Ban tổ chức cuộc thi đánh giá, nhiều sản phẩm dự thi có tính sáng tạo cao, đặc biệt ở khâu ý tưởng. Có những giải pháp đã được áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Khơi gợi đam mê

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ, Trường đại học Lạc Hồng, cho biết ông là thành viên Ban giám khảo chấm lĩnh vực các giải pháp khoa học kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Qua các vòng sơ tuyển, có 48 giải pháp lọt vào vòng thi cấp tỉnh. Ban giám khảo đã chấm và quyết định trao giải cho các giải pháp xuất sắc.

Ông Trọng Anh cho hay, các giải pháp dự thi của thí sinh hầu hết đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, công việc hàng ngày. Trong đó, nhiều giải pháp nhằm giúp ích cho các hộ gia đình, nông dân thuận lợi hơn trong việc trồng trọt, chăn nuôi. Phải kể đến như: giải pháp Dụng cụ nhổ trụ thanh long hiệu quả của em Nguyễn Đăng Khôi, học sinh Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Trãi, huyện Xuân Lộc; giải pháp Thiết bị vệ sinh cổ bịch nấm bào ngư của 2 học sinh Phan Thanh Ngọc - Lê Anh Tài, Trường THCS Hồ Thị Hương, thành phố Long Khánh… Các giải pháp này có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn nhằm nâng cao năng suất lao động cho người nông dân.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc. Đồng thời, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đào Đức Trình cho hay, năm nay các địa phương rất quan tâm đến việc tham gia cuộc thi nên các giải pháp dự thi cũng tăng lên. Ban tổ chức đã thành lập 5 hội đồng giám khảo để chấm thi ở 5 lĩnh vực. Thành viên Ban giám khảo đều là những người có chuyên môn cao, làm việc công tâm, trách nhiệm.

Theo ông Đào Đức Trình, ở lứa tuổi của các em thiếu niên, nhi đồng, Ban giám khảo chú trọng đánh giá ở khâu ý tưởng, tính sáng tạo và khả năng áp dụng vào thực tế. Có nhiều giải pháp mang tính mới, đột phá đã được lựa chọn để tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

“Năm nay có khá nhiều giải pháp liên quan đến bảo vệ môi trường, hướng đến thực hiện Đề án Net zero nhằm xây dựng môi trường sống trong lành. Ngoài ra, có nhiều giải pháp mang tính nhân văn nhằm giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội như: người khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật vận động” - ông Trình nói.

Tính ứng dụng cao

Trong một lần đến rẫy nhà người quen chơi, em Lê Nguyễn Anh Kiệt, Trường THCS Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, thấy cậu mình đang thu hoạch điều bằng cách dùng một cây sào dài có móc ở đầu và dùng lực để rung cành điều cho quả điều rơi xuống. Việc rung lắc cành điều rất mỏi tay và tốn sức mà hiệu quả, năng suất lại không cao.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Kiệt và Phạm Trần Phương Uyên đã nảy sinh ý tưởng và thiết kế một loại móc rung thu hoạch trái cây với sự hướng dẫn của giáo viên.

Phương Uyên cho biết, đầu móc hình chữ C có thể điều chỉnh kích thước to, nhỏ khác nhau để rung những cành điều lớn, nhỏ khác nhau. Thân móc làm bằng sắt, có hệ thống rung và mô tơ. Khi bật công tắc, móc rung sẽ rung lên làm trái cây trên cành rụng xuống đất. Thân móc có thể được kéo dài ra hoặc thu nhỏ lại tùy thuộc vào chiều cao của thân cây.

“Người nông dân sẽ đeo ba lô phía sau có chứa mô tơ. Sau đó, tay cầm móc rung và bật công tắc để thiết bị hoạt động. Như vậy, người nông dân sẽ không còn phải dùng sức để rung lắc cây như trước nữa. Sau khi hoàn thành sản phẩm, chúng em đã áp dụng thử nghiệm ở một số vườn điều trên địa bàn xã, được nông dân hưởng ứng rất nhiệt tình” - Kiệt chia sẻ.

Sản phẩm móc rung khi đưa vào sử dụng cho năng suất bằng 2 người bình thường rung lắc với lực cơ thể, sau 3 tiếng hoạt động mới phải sạc pin. Tuy nhiên, theo Phương Uyên, móc rung còn có một số hạn chế như: thân móc làm bằng sắt nên còn nặng, hệ thống rung có công suất chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, giáo viên, nhóm học sinh sẽ cải tiến thiết bị để khi đến tay người nông dân sẽ hoàn thiện hơn.

Cũng xuất phát từ thực tế cuộc sống, 2 học sinh Phan Thanh Ngọc và Lê Anh Tài, Trường THCS Hồ Thị Hương, thành phố Long Khánh, đã chế tạo thiết bị vệ sinh cổ bịch nấm bào ngư.

Em Phan Thanh Ngọc chia sẻ, trên địa bàn thành phố có rất nhiều trại nấm của người dân. Sau mỗi đợt thu hoạch nấm, nhà vườn phải thực hiện vệ sinh cổ bịch nấm bào ngư sạch sẽ, nếu không sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, những vết cặn bẩn trên cổ bịch nấm như mùn cưa, chân nấm sẽ cản trở quá trình ra nấm những đợt tiếp theo.

Theo quan sát của các em, hiện người trồng nấm trên địa bàn thường vệ sinh cổ bịch nấm bằng tay với dụng cụ rất thô sơ, tốn nhiều thời gian, công sức mà chất lượng lại không cao.

Do vậy, 2 em đã mày mò, nghiên cứu một thiết bị vệ sinh cổ bịch nấm bào ngư cầm tay nhỏ gọn. Người nông dân chỉ cần cầm thiết bị này và bật công tắc sẽ giúp vệ sinh cổ bịch nấm nhanh chóng, sạch sẽ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức so với cách làm thủ công trước kia.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/khich-le-hoc-sinh-doi-moi-sang-tao-74867b5/