Khích lệ lực lượng công nhân phát huy vai trò, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô

Công nhân, người lao động - lực lượng trực tiếp làm ra của cải vật chất - có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Thủ đô. Để lực lượng này tiếp tục phát huy tốt vai trò, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô, rất cần những cơ chế, chính sách chăm lo, động viên, khích lệ cũng như quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho họ.

Trên đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai” do báo Lao động Thủ đô tổ chức sáng nay (26/9) nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô khẳng định: Sự thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Thủ đô có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn. Các phong trào thi đua thời kỳ này thực sự tạo sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đưa nhiều hàng hóa ra tiền tuyến phục vụ cuộc kháng chiến đi tới thành công.

Các vị khách mời chia sẻ, trao đổi tại buổi tọa đàm.

Các vị khách mời chia sẻ, trao đổi tại buổi tọa đàm.

Tự hào về những thành quả đã đạt được của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn giai đoạn 1955 - 1975 và những thập kỷ sau đó, trong giai đoạn hiện nay, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để thực hiện khát vọng đất nước hùng cường, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Đại hội 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra.

“Buổi tọa đàm hôm nay là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng Giải phóng Thủ đô 10/10; khắc họa lại bức tranh về những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở Thủ đô Hà Nội với việc ra đời hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học... Đây chính là tiền đề làm hậu phương vững chắc cho chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước”- ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, tại Tọa đàm, các đại biểu và các vị khách mời là những nhân chứng lịch sử từng có những năm tháng công tác tại các nhà máy, trường học khi thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ở Thủ đô và đấu tranh thống nhất nước nhà; từng làm cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Nội vụ, Công đoàn; đại diện nhà văn, nhà báo có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội và những cán bộ Công đoàn, công nhân đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, đã cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng, cũng như gợi mở các ý kiến đóng góp để tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn phát triển, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn minh - Văn hiến - Hiện đại.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao đổi tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội trao đổi tại tọa đàm.

Từ góc nhìn của nhà quản lý, một cán bộ Công đoàn, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội nhìn nhận, tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân, lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có trên 270 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực; 10 khu công nghiệp, khu chế xuất, trên 70 cụm công nghiệp, 2,7 triệu công nhân, người lao động là lực lượng to lớn đang hăng say làm việc tạo ra nhiều giá trị của cải vật chất, tạo nên nền kinh tế của Thủ đô hết sức đặc sắc. Lực lượng công nhân và tổ chức Công đoàn có đóng góp rất quan trọng với điểm nhấn là phong cách làm việc theo hướng công nghiệp, chuyên nghiệp. Tổ chức Công đoàn, công nhân, người lao động Thủ đô đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tạo sự ổn định chính trị, an ninh trật tự cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận, hiện nay, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển của dân tộc sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Điều này đòi hỏi lực lượng công nhân - với vai trò là lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế, xã hội phải có sự bứt phá, tăng tốc, tập trung nâng cao năng suất lao động, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào lao động sản xuất.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Để tạo động lực cho công nhân, người lao động phát huy tốt điều này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn về đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động; quan tâm đến tiền lương, thu nhập, các chế độ chính sách, nhà ở… để đảm bảo đời sống, quyền lợi cho lực lượng công nhân, người lao động.

Đối với tổ chức Công đoàn, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động… từ đó động viên, khuyến khích người lao động hăng hái thi đua, lao động sản xuất đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khich-le-luc-luong-cong-nhan-phat-huy-vai-tro-dong-gop-cho-su-phat-trien-cua-thu-do-178100.html