'Khiêu vũ' dưới mưa để sống chung với bão
Cuộc sống không phải ngồi chờ cơn bão đi qua mà phải học cách 'khiêu vũ' dưới những cơn mưa. Câu nói ấy chưa bao giờ đúng với doanh nghiệp, doanh nhân như lúc này- thời điểm cơn bão Covid-19 đang hoành hành dữ dội.
1. Tôi có hai người bạn thân là doanh nhân thế hệ 8X. Một người khởi nghiệp từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Người còn lại đến năm 30 tuổi mới “bỏ ngang” Nhà nước ra làm tư. Cả hai đều đang tự tin đi trên con đường doanh nhân và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định thì cơn bão Covid-19 ập đến.
13/10 năm nay là dịp để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương động viên, khích lệ tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Người thứ nhất sau thành công từ lĩnh vực khám chữa bệnh đã đầu tư thêm lĩnh vực bất động sản và nhà hàng. Người thứ hai sau khi có thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông quyết tâm chinh phục dịch vụ thể thao. Cả hai đều hy vọng, với chân đế vững chắc của mình, lĩnh vực mới hứa hẹn sẽ tiếp tục thành công. Nhưng rồi cả bất động sản, nhà hàng và dịch vụ thể thao đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Sáng 13/10, tôi điện thoại chúc mừng và ngỏ ý đặt lịch đến tặng hoa nhưng cả hai đều từ chối khéo. Họ cho rằng, giờ không phải lúc chúc tụng, tôn vinh hay ngồi than thở khó khăn mà phải tranh thủ giai đoạn bình thường mới để tìm cách sống dưới mưa chờ vượt... bão.
Tôi không phản đối quan điểm của bạn mình nhưng không hoàn toàn đồng tình với họ. Và vì thế, tôi quyết định đến tặng hoa để lắng nghe câu chuyện “sống dưới mưa” để “vượt bão” như thế nào?
Anh bạn đang sở hữu 4 cơ sở khám chữa bệnh, 1 nhà hàng, 1 doanh nghiệp bất động sản kể: Gần nửa năm qua, do lo ngại dịch bệnh, số lượt người đến khám, chữa bệnh giảm hẳn, nhà hàng đóng cửa 24/24, còn bất động sản thì lên xuống thất thường. Doanh thu giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Nếu không có tích lũy tốt cả về vốn, kinh nghiệm, bản lĩnh, chắc doanh nghiệp đã phá sản.
Anh bạn sở hữu 3 khu dịch vụ thể thao thở dài: vừa đầu tư trải thảm sân bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế thì gặp đúng con virus… quốc tế. Lệnh cấm các hoạt động thể thao ngoài trời thành nhiều đợt khác nhau đã khiến cho sân cỏ nằm phơi nắng, phơi mưa. Rất may, các lĩnh vực sản xuất, xây lắp không bị ảnh hưởng nhiều nên có thể “bóc ngắn, cắn dài”.
Tôi hỏi cả hai người có ân hận, nuối tiếc khi quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới hay không? Khá ngạc nhiên là cả hai đều lắc đầu. Theo họ, dịch bệnh là điều bất khả kháng, không ai có thể lường trước được. Vả lại, trong kinh doanh, nếu không có khát vọng đầu tư, phát triển thì không thể lớn lên được.
Tôi hỏi tiếp: làm gì để vượt bão? Cả hai đều có chung câu trả lời: giờ chưa thể tính đến chuyện vượt bão mà phải tìm cách chung sống với bão. Muốn chung sống với bão và tìm cách vượt bão, trước mắt cần phải tìm cách “khiêu vũ” dưới mưa.
Chia sẻ của bạn khiến tôi, một người không làm kinh doanh cũng nhận thêm một bài học về cuộc sống. Rằng khi ra ngõ gặp núi, nếu chưa thể nhấc bổng nó lên thì hãy tìm cách sống dưới chân núi để tìm cơ hội vượt qua đỉnh núi. Covid-19 như một tảng đá khổng lồ chắn ngang con đường doanh nhân vốn chưa bao giờ hết chông gai.
Dịch bệnh như một phép thử tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của những người chèo lái con thuyền doanh nghiệp.
2. Một phần ba thế kỷ kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp và 17 năm kể từ khi có ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, chưa bao giờ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với “cơn bão” khủng khiếp như vậy. Doanh nghiệp kiệt quệ, nạn thất nghiệp gia tăng, tính mạng, sức khỏe con người bị đe dọa…Tính đến hết tháng 9/2021, có gần 90 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Không ít doanh nghiệp vừa khởi sự đã phải đóng cửa. Số khác xác định cầm cự, duy trì được sản xuất, giữ chân người lao động trong bối cảnh dịch bệnh đã là thành công. Diễn biến khó lượng của dịch bệnh, tốc độ lây lanh nhanh của Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp, ngành nghề không dự báo, tính toán kịp để thích ứng với hoàn cảnh mới. Không chỉ y tế, nhà hàng, bất động sản, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ nói chung, vận tải, xuất nhập khẩu, sản xuất cũng điêu đứng.
Tiến trình phục hồi nền kinh tế mà trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trụ cánh còn phải đứng trước thách thức về nguồn lao động khi dòng người từ thành phố trở về quê tránh dịch với số lượng lớn chưa từng có. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 không chỉ lượng hóa bằng các chỉ số kinh tế mà còn gây ra những biến động xã hội lớn lao. Trong đó, tâm lý bất an của người lao động và cả những áp lực tinh thần đối với đội ngũ doanh nhân là những vấn đề nan giải.
Ngay cả khi trở lại trạng thái bình thường mới, thậm chí khi cơn bão đại dịch đi qua thì “hoàn lưu” của nó vẫn gây "mưa lớn". Doanh nghiệp muốn sống qua đại dịch, phải tìm cách “khiêu vũ” dưới mưa, sống chung với bão.
3. Mưa bão đại dịch như một phép thử tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo của những người chèo lái con thuyền doanh nghiệp. “Khiêu vũ” dưới mưa khó gấp bội phần khiêu vũ trên sân khấu. Không ánh đèn, không khán giả, không âm nhạc, không bạn diễn nên... càng cần những đôi bàn chân vững chãi, dẻo dai, những đôi bàn tay cần mẫn và cần cả những cảm xúc thăng hoa, lạc quan hơn thường lệ.
“Khiêu vũ” dưới mưa hiểu một cách thực tế nhất là tìm cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Đó là cách nghĩ, cách làm, giải pháp phù hợp, sáng tạo để sống chung với hoàn cảnh, vượt qua nghịch cảnh.
Thực tế, không ít doanh nhân, doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội trong khó khăn, chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và vẫn đứng vững trong đại dịch. Thậm chí có những doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng, tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng. Covid-19 cũng là dịp để các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, tăng cường quản trị rủi ro…
Khi thị trường và cơ hội đầu tư bị thu hẹp, các doanh nghiệp cũng sẽ phải tính toán đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xem đó như là yếu tố then chốt để chinh phục lớp khách hàng mới, những người tiêu dùng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Thói quen tiêu dùng tiết kiệm, khắt khe chắc chắn sẽ hình thành sau đại dịch là một thứ “đơn đặt hàng” khiến doanh nghiệp, doanh nhân phải có những phương án kinh doanh dài hơi, có chiều sâu và bền vững.
4. Để hỗ trợ doanh nghiệp sống chung với đại dịch, ngoài khả năng “khiêu vũ” dưới mưa, rất cần những người đồng hành ủng hộ. Trước tiên phải đến từ việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ chế chính sách cần linh hoạt, đặc thù, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Không để những tảng băng cơ chế tiếp tục đè nén, kìm kẹp sự phát triển doanh nghiệp, làm nhụt ý chí vươn lên của đội ngũ doanh nhân.
Tín hiệu vui trong dịp 13/10 năm nay là dù đang tập trung cao độ chống dịch nhưng tại hai đầu tàu kinh tế của đất nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tổ chức 2 buổi gặp mặt doanh nhân. Không rầm rộ cờ, hoa, không nói nhiều đến thành công mà cả 2 cuộc gặp mặt ấy trở thành diễn đàn để lãnh đạo đất nước lắng nghe doanh nhân chia sẻ, hiến kế, tìm giải pháp vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép.
Trước đó, trong thư gửi Doanh nhân Việt Nam nhân ngày 13/10 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Gần hai năm qua, đội ngũ doanh nhân vừa đóng góp cho sự phát triển đất nước, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch. Dù phải đối mặt với “năm nắng - mười mưa”, nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn; đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại nhiều địa phương, ngày 13/10 năm nay được xác định là dịp để động viên, khích lệ tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó hơn là dịp để tôn vinh, chúc mừng.
Đó thực sự là những hoạt động cần thiết hơn hết vào lúc này để truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Để nếu “khiêu vũ” điêu luyện dưới mưa, họ sẽ chung sống khỏe với đại dịch, tích lũy nội lực để vượt bão Covid-19 thành công.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khieu-vu-duoi-mua-de-song-chung-voi-bao-post161143.html