Khinh khí cầu Trung Quốc hút trọn sự chú ý trên bầu trời Mỹ

Khi tiến vào vùng trời Mỹ và thu hút mọi ánh mắt, khinh khí cầu Trung Quốc từ một vật thể lạ trở thành nguyên nhân gây gián đoạn hoạt động ngoại giao và cuối cùng bị bắn hạ.

Xét theo tiêu chuẩn của các bộ phim ly kỳ về gián điệp, tình huống lần này diễn biến khá chậm: Một khinh khí cầu khổng lồ bị nghi là do thám của Trung Quốc lững thững đi về phía đông nước Mỹ trong vài ngày, cho đến khi bị quân đội bắn hạ trên bầu trời ngoài khơi bờ biển ở Nam Carolina hôm 4/2.

Chiếc khinh khí cầu ì ạch trôi dường như đã làm nóng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Trong một tuần chứng kiến khinh khí cầu bay qua Mỹ, phản ứng từ tốn của chính phủ khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu họ có định bắn hạ nó?", theo New York Times.

Đến ngày 4/2, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên ở Syracuse: “Chúng tôi sẽ giải quyết chuyện đó”. Như đã hứa, vào buổi chiều cùng ngày, các máy bay chiến đấu của Mỹ bắn một tên lửa AIM-9X vào khinh khí cầu.

Lý do dân Mỹ không thể rời mắt

“Hai chiếc máy bay chiến đấu như đang khiêu vũ vòng quanh (khinh khí cầu)”, ông Jeffrey Billie, một nhà thầu quốc phòng đã nghỉ hưu ở Pawleys Island và là người chứng kiến vụ bắn hạ, cho biết.

Ông Billie thuật lại rằng một chiếc máy bay phản lực thứ ba đã tiến gần khinh khí cầu và bắn một tên lửa ngay khi băng qua bờ biển. “Sau đó, tất nhiên, quả bóng tròn lớn màu trắng mà chúng tôi nhìn thấy đột nhiên trông giống như một tờ giấy ăn Kleenex bị teo lại”.

Dù đoạn kết khá chóng vánh, câu chuyện xoay quanh chiếc khinh khí cầu và sự chú ý mà nó nhận được gợi nhớ lại nhiều trường hợp tương tự trong quá khứ. Vụ việc cũng phản ánh lý do mọi người chú tâm vào những vật thể lơ lửng trên bầu trời.

Greg Garrett, giáo sư văn học, văn hóa đại chúng và thần học tại Đại học Baylor, cho biết con người rất dễ bị đe dọa bởi những thứ mà họ không nắm bắt được.

“Là con người, khi nhìn lên bầu trời và thấy thứ gì đó bản thân không thể kiểm soát, chúng ta phát điên. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến phản ứng chính trị rằng ‘chúng ta phải bắn hạ thứ này’ bất kể khó khăn và nguy hiểm”, ông nói với New York Times.

 Một cư dân ở Nam Carolina dõi theo khinh khí cầu hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Một cư dân ở Nam Carolina dõi theo khinh khí cầu hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Trước khi trở thành nỗi ám ảnh quốc tế và nguyên nhân gián đoạn ngoại giao, khinh khí cầu lần đầu xuất hiện như một bí ẩn chưa có lời giải. Vào ngày 1/2, sau khi sân bay ở Billings, Montana thông báo ngừng hoạt động, cư dân địa phương đã hướng mắt lên trời.

James Goossen, một nhà thiết kế ở Billings Gazette, cho biết anh và các đồng nghiệp tập trung tại một bãi đậu xe bên ngoài công ty để nhìn thấy khinh khí cầu. Anh nhớ lại phản ứng đầu tiên của cả nhóm: “Chết tiệt”.

Vài ngày trôi qua, câu chuyện đột nhiên có vẻ phức tạp hơn nhiều. Ông Biden đã yêu cầu các quan chức hàng đầu xem xét lựa chọn quân sự. Lầu Năm Góc xác định trên thực tế, đó là một thiết bị giám sát của Trung Quốc và Ngoại trưởng Antony Blinken đã hoãn chuyến công du đến nước này.

Hậu quả ngoại giao diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên như thường lệ, phản ứng chính trị bị chia rẽ.

"Hãy bắn hạ nó”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa của Montana Ryan Zinke viết trên Twitter hôm 2/2. “Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc rõ ràng là một hành động khiêu khích. Ở Montana, chúng tôi không cúi đầu. Chúng tôi bắn hạ nó".

Trong vòng 24 giờ, cựu Tổng thống Donald Trump cũng có bài viết trên mạng xã hội và gửi email cho những người theo dõi ông, với thông điệp rất ngắn gọn: “Hãy bắn hạ khinh khí cầu này”.

Song Nhà Trắng đã có cách tiếp cận thận trọng hơn. Thư ký báo chí Karine Jean-Pierre cho biết khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự nhưng gọi sự hiện diện của nó là “vi phạm chủ quyền”.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ không cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về vị trí của thiết bị này. Sau đó, ông Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết: “Công chúng có thể nhìn lên bầu trời và xem khinh khí cầu đang ở đâu”.

Giả thuyết phi lý?

Ngày 3/2, Bắc Kinh thừa nhận khinh khí cầu này đến từ Trung Quốc, song họ khẳng định đây là thiết bị dân sự “chủ yếu phục vụ ngành khí tượng”, đi lạc so với lộ trình ban đầu.

Tuy nhiên, việc phát hiện một khinh khí cầu thứ hai ở khu vực Nam Mỹ tối 3/2 khiến một số người Mỹ khó tin vào sự ngẫu nhiên.

Song ông Will Leitch, tiểu thuyết gia và biên tập viên tạp chí New York, nói rằng với hàng loạt lựa chọn công nghệ sẵn có tại hai siêu cường quốc, giả thuyết một “chiếc khinh khí cầu” có thể là điềm báo căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khá phi lý.

“Tôi hiểu những lập luận rằng thiết bị này có thể chứa một số loại công nghệ gián điệp và đe dọa chúng ta. Nhưng tôi chỉ nghĩ thật kỳ lạ khi sợ một quả khinh khí cầu”, ông nói. “Nó giống như một trò chơi khăm mà ai đó sẽ bày ra vào những năm 1920”.

 Khinh khí cầu bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Khinh khí cầu bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chế tạo và nghiên cứu khinh khí cầu nói rằng đừng để vẻ ngoài của thiết bị này đánh lừa.

Theo Art Thompson, kỹ sư hàng không vũ trụ tại công ty Sage Cheshire, khinh khí cầu có khả năng chứa công nghệ đáng gờm.

Ông Thompson đã nghiên cứu hình ảnh và nói rằng chiếc khinh khí cầu xuất hiện ở Montana được trang bị các tấm pin Mặt Trời, một bảng điều khiển và có vẻ như một hệ thống dù.

Khinh khí cầu loại này có thể được điều khiển bằng tín hiệu vô tuyến và hệ thống điều chỉnh độ nén khí. Những người thợ có thể sử dụng năng lượng Mặt Trời để thu thập dữ liệu vô tuyến, tín hiệu liên lạc và thậm chí cả dữ liệu điện thoại, ông giải thích.

“Bạn có thể thu thập rất nhiều thông tin từ một quả khinh khí cầu và nó có tầm với rất xa”, vị chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, William Kim, chuyên gia về khinh khí cầu tại tổ chức Sáng kiến Marathon ở Washington, nói với AFP rằng khinh khí cầu là một phương tiện quan sát có giá trị và rất khó bị bắn hạ.

Ông Kim nói so với các vệ tinh, khinh khí cầu có những lợi thế khác biệt, chẳng hạn không dễ xuất hiện trên radar.

"Đây là những vật liệu không phản xạ, chúng không phải kim loại. Vì vậy, mặc dù những quả khinh khí cầu này khá lớn, việc phát hiện vẫn là một thử thách", ông nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng khinh khí cầu cũng có lợi thế duy trì vị trí tương đối cố định trên mục tiêu giám sát, so với các vệ tinh quay quanh quỹ đạo liên tục.

Tuy nhiên, ông Kim nhận định vẫn có khả năng đây thực sự là một sự cố. "Những chiếc khinh khí cầu này không phải lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo", ông nói.

Khinh khí cầu của Trung Quốc có thể dự định thu thập dữ liệu từ bên ngoài không phận Mỹ hoặc ở vị trí cao hơn nhiều nhưng gặp trục trặc. Các khinh khí cầu thường hoạt động ở độ cao 65.000-100.000 feet (19.800-30.500 m), nhưng thiết bị này ở độ cao khoảng 46.000 feet (14.000 m).

"Độ cao này chắc chắn hơi thấp. Nếu muốn thiết bị khó bị phát hiện và bắn hạ hơn, họ nên để khinh khí cầu hoạt động ở độ cao lớn hơn", ông Kim nhận định.

Khoảnh khắc khinh khí cầu bị tên lửa bắn hạ trên biển Mỹ hôm 4/2 đã sử dụng máy bay F-22 và tên lửa AIM-9X để bắn hạ khinh khí cầu nghi là do thám của Trung Quốc sau khi nó bay qua toàn bộ nước Mỹ.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khinh-khi-cau-trung-quoc-hut-tron-su-chu-y-tren-bau-troi-my-post1399074.html