Khó áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu với khối lao động, sản xuất trực tiếp

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam, tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người lao động về vấn đề tuổi nghỉ hưu và quy định về quấy rối tình dục. Đây là hai vấn đề lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đồng thời cũng là vấn đề liên quan mật thiết tới quyền lợi của người lao động.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Đại diện cho ý kiến của người lao động, bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) cho biết, để góp ý cho Bộ Luật Lao động (sửa đổi), công ty đã phát phiếu khảo sát xin ý kiến của 400 công nhân lao động, cả trực tiếp và gián tiếp, cán bộ quản lý. Song, doanh nghiệp này chỉ thu được 2/400 ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ. Đặc biệt, ý kiến đồng thuận này là 2 lao động làm công việc gián tiếp, quản lý.

Về việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam, công ty cũng chỉ thu được 5/400 ý kiến đồng ý. Do đó, bà Hà nhấn mạnh: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động trực tiếp rất khó đáp ứng được như trong dự thảo.

Bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) nêu ý kiến. Ảnh: N.V.D

Bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) nêu ý kiến. Ảnh: N.V.D

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Quang Điều - nguyên Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nên áp dụng vào khối hành chính sự nghiệp, chưa thể áp dụng vào khối sản xuất kinh doanh do điều kiện, môi trường làm việc khác nhau.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần quy định thống nhất trong Bộ luật Lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất loại hình lao động.

Bàn về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi lại việc, bà Trịnh Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục. Tổ chức Công đoàn có trách nhiệm đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại doanh nghiệp, phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa 2 phương án về việc thay đổi tuổi về hưu. Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kho-ap-dung-tang-tuoi-nghi-huu-voi-khoi-lao-dong-san-xuat-truc-tiep-91259.html