Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh: Nhiều bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính
Với trọng tâm là phục vụ khách hàng, Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh đã có nhiều bước tiến trong cải cách hành chính, vừa tạo thuận lợi cho khách hàng vừa tiến tới mục tiêu Kho bạc số vào năm 2030.
Cải cách, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ
Để hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính mang đến nhiều thuận lợi hơn nữa cho khách hàng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bắc Ninh đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thông tin; triển khai ứng dụng các chương trình thanh toán hiện đại trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); công khai minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC), tuân thủ chế độ, quy trình, thời gian thanh toán; sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kho bạc số.
Công chức KBNN đang thực hiện kiểm soát trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa: H.T
Đặc biệt, KBNN Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả mô hình “một cửa, một giao dịch viên” trong kiểm soát chi NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân đến giao dịch.
Bên cạnh đó, KBNN Bắc Ninh đã triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống (Dịch vụ công trực tuyến, Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán song phương điện tử góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách. Ưu điểm vượt trội của việc liên thông 3 hệ thống này là sau khi giao dịch viên nhận và hoàn thiện các thông tin chi thường xuyên, kế toán trưởng và lãnh đạo KBNN ký duyệt trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, theo đó, chứng từ được tự động liên kết sang giao diện Tabmis, thanh toán song phương điện tử và chuyển sang ngân hàng, không cần xử lý thủ công như trước đây.
Việc cải cách này vừa tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ kho bạc cũng như khách hàng giao dịch vừa tránh được các sai sót về số liệu so với nhập số liệu thủ công.
Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, KBNN Bắc Ninh đã ký thỏa thuận phối hợp thu, ủy nhiệm chi cho các chi nhánh thuộc 9 hệ thống ngân hàng thương mại (Vietcombank, BIDV, Agribank, Viettinbank, MB, SeAbank, SHB, Vpbank, Techcomban). Với các điểm giao dịch được bố trí trải đều trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức và công dân khi thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Cùng với toàn hệ thống, KBNN Bắc Ninh đã triển khai chương trình dịch vụ công trực tuyến của KBNN với 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tham gia (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng).
Tính đến tháng 6/2022, tổng số chứng từ chi ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến tại KBNN Bắc Ninh đạt hơn 99%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 2.000-3.000 giao dịch, trong đó, số thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN giảm đáng kể.
Hiện 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động, để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nhằm phòng ngừa rủi ro.
Tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả
Ngoài hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, KBNN Bắc Ninh đã tuân thủ nghiêm túc việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng Nghị quyết số 18 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính. KBNN Bắc Ninh đã chủ động báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ công chức, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật nghiệp vụ, công tác nhân sự, bàn giao công việc; thông báo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi NSNN và giao dịch của các đơn vị sử dụng ngân sách; gắn việc sắp xếp tinh gọn đầu mối tổ chức quản lý với cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động…
Từ năm 2018 đến nay, hệ thống KBNN Bắc Ninh kiện toàn, sắp xếp cắt giảm từ 9 phòng xuống còn 5 phòng tại KBNN cấp tỉnh, sáp nhập KBNN thành phố Bắc Ninh về KBNN tỉnh và xóa bỏ 24 cấp tổ tại KBNN cấp huyện; bố trí, sắp xếp 3 công chức lãnh đạo cấp phòng giữ chức vụ thấp hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo để bố trí công việc khác.
Với sự quyết tâm trong chỉ đạo cùng với việc tuyên truyền và sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện nên sau khi sắp xếp, hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị KBNN Bắc Ninh được thực hiện thông suốt, bảo đảm an toàn về tiền và tài sản của nhà nước.
Năm 2022 là năm đầu tiên KBNN triển khai thực hiện bản “Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới Kho bạc số”. Bản quy hoạch kiến trúc tổng thể có ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện hiệu quả các hoạt động của hệ thống KBNN theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ các đơn vị, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và là nền tảng để hệ thống KBNN tiến nhanh đến Kho bạc số vào năm 2030.
Để cùng cả hệ thống tiến nhanh về đích, ông Vũ Đức Trọng - Giám đốc KBNN Bắc Ninh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử nhằm đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục hành chính và nội dung kiểm soát thanh toán, rút ngắn thời gian giải quyết; tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và triển khai cổng dữ liệu phục vụ quy trình thanh toán lương, thanh toán tự động điện, nước, viễn thông qua dịch vụ công trực tuyến; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ cho người sử dụng.
Đồng thời, KBNN Bắc Ninh phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.