Kho bạc Nhà nước khu vực VII: Tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực con người
Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động theo mô hình mới, Kho bạc Nhà nước khu vực VII (gồm 3 tỉnh: Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang) đã bước đầu ổn định tổ chức, bảo đảm thực hiện thông suốt các nhiệm vụ được giao. Mặc dù còn không ít khó khăn, đặc biệt là công tác tham mưu cho tỉnh quản lý địa bàn rộng lớn, nhưng nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, đơn vị đang từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Đội ngũ các cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước khu vực VII đang từng bước ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sau sáp nhập.
Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-BTC ngày 4/3/2025 của Bộ Tài chính, từ ngày 15/3/2025, Kho bạc Nhà nước (KBNN) 3 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên được hợp nhất thành một đơn vị cấp vùng - KBNN khu vực VII. Đơn vị có trụ sở chính tại Thái Nguyên, gồm 8 phòng tham mưu và 15 phòng giao dịch, đảm nhiệm chức năng thu - chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn 3 tỉnh.
Ông Nguyễn Chí Vương, Giám đốc KBNN khu vực VII, cho biết: Ngay từ khi nhận được chỉ đạo về việc sáp nhập, lãnh đạo và các công chức của KBNN 3 tỉnh đã khẩn trương rà soát số liệu, chuẩn bị về cơ sở vật chất, bố trí nhân lực và thông báo đến các đơn vị sử dụng ngân sách để bảo đảm khi KBNN khu vực VII đi vào hoạt động, mọi hoạt động thu - chi NSNN không bị gián đoạn.
Theo ông Vương, so với mô hình cũ, tổ chức bộ máy mới đã tinh giản đáng kể: Giảm từ 3 KBNN tỉnh, 15 phòng và 24 KBNN huyện xuống còn 1 KBNN khu vực, 8 phòng tham mưu và 15 phòng giao dịch. Việc tổ chức lại các phòng theo hướng liên huyện, liên tỉnh được tính toán linh hoạt, tùy thuộc vào điều kiện địa lý và nhu cầu phục vụ. Ở địa bàn thuận lợi như Thái Nguyên, một số phòng giao dịch có thể đảm nhiệm từ 2-3 huyện. Ngược lại, Hà Giang vẫn duy trì một số phòng giao dịch riêng tại từng huyện để bảo đảm thuận tiện cho người dân và các đơn vị sử dụng NSNN.
Nếu việc sắp xếp bộ máy là “phần cứng” thì yếu tố con người là “phần mềm” đóng vai trò then chốt trong vận hành mô hình KBNN khu vực. Hiện, đơn vị có Ban Giám đốc gồm 1 Giám đốc, 5 Phó Giám đốc; 23 lãnh đạo cấp phòng tương ứng với 23 đầu mối.
Việc bố trí, sắp xếp nhân sự được thực hiện dựa trên nguyên tắc: Ai đang làm nghiệp vụ gì ở mô hình cũ thì giữ nguyên nhiệm vụ ở mô hình mới. Những cán bộ lãnh đạo được phân công giữ chức vụ thấp hơn được bảo lưu phụ cấp theo quy định.
Cùng với đó, những cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ việc đều được hỗ trợ thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP. Nhờ vậy, quá trình chuyển đổi về nhân sự diễn ra thuận lợi, không tạo ra tâm lý xáo trộn trong đội ngũ.

Sau sáp nhập, trụ sở chính của Kho bạc Nhà nước khu vực VII được đặt tại TP. Thái Nguyên.
Anh Lê Đăng Quyết, nguyên là cán bộ KBNN tỉnh Hà Giang, nay được điều chuyển về làm việc tại trụ sở chính ở tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Thời gian đầu thực sự là thách thức lớn. Từ một tỉnh miền núi cao, giờ chuyển về một đô thị đông đúc, tôi vừa phải thích nghi với môi trường làm việc mới, vừa sắp xếp cuộc sống gia đình. Nhưng được lãnh đạo động viên, tạo điều kiện về môi trường làm việc cũng như sinh hoạt, tôi yên tâm công tác. Quan trọng nhất là tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của toàn hệ thống.
Cũng theo anh Quyết, điều đáng mừng là mọi quy trình nghiệp vụ được thống nhất nhanh chóng nhờ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối toàn bộ dữ liệu chi - thu ngân sách giữa 3 tỉnh, bảo đảm quản lý ngân sách chặt chẽ, công khai, minh bạch nhưng vẫn tách bạch được báo cáo theo từng địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành tại tỉnh. Các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, không có tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành theo mô hình mới, KBNN khu vực VII vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong kiểm soát chi và hỗ trợ địa phương khi địa bàn quản lý mở rộng. Ông Nguyễn Chí Vương, Giám đốc KBNN khu vực VII, cho biết thêm: Mặc dù đã áp dụng giao dịch điện tử trên dịch vụ công trực tuyến nhưng tại các địa phương vùng sâu, xa hoặc với các khoản chi đặc thù như quốc phòng, an ninh… vẫn cần xử lý thủ công. Điều này ảnh hưởng nhất định đến tiến độ giải quyết hồ sơ, thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đặc biệt, một trong những rủi ro phát sinh là quy trình kiểm soát chi cho các khoản chi lớn tại địa bàn không có trụ sở KBNN khu vực. Trước đây, các khoản chi lớn thường do kế toán trưởng, trưởng phòng và lãnh đạo KBNN tỉnh cùng kiểm soát "ba tay" để hạn chế rủi ro. Nay, ở các tỉnh không có trụ sở chính, các khoản chi chỉ do Kế toán trưởng và Trưởng Phòng Giao dịch kiểm soát, tiềm ẩn rủi ro, nhất là cuối năm khi khối lượng công việc dồn nhiều.
Trước những bất cập ban đầu, KBNN khu vực VII đang chủ động đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình hoạt động. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được coi là hướng đi cốt lõi. Hệ thống báo cáo số liệu được thiết kế lại để vừa đáp ứng yêu cầu tổng hợp số liệu toàn vùng, vừa tách lọc chi tiết theo từng địa phương, giúp lãnh đạo cấp tỉnh theo dõi và điều hành sát sao hơn.
Mặt khác, đơn vị cũng đã chủ động báo cáo với KBNN và Bộ Tài chính về những bất cập để kịp thời tháo gỡ, nhằm sớm vận hành mô hình Kho bạc khu vực phục vụ tốt hơn nữa chính quyền địa phương trong quản lý ngân sách...