Kho bạc 'vắng bóng' tiền mặt nhờ mở rộng các kênh thanh toán điện tử
Hiện nay, lượng tiền mặt thu, chi qua Kho bạc Nhà nước chỉ còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước suốt những năm qua để góp phần vào sự thành công của Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, cũng như hoàn thiện kho bạc '3 không' với không tiền mặt, không chứng từ giấy và không khách hàng giao dịch trực tiếp.
Tạo nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt
Để trở thành kho bạc điện tử, từ năm 2013, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với 4 ngân hàng thương mại (NHTM) là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mở ra một kênh thanh toán mới, dịch chuyển việc thu, chi tiền mặt qua KBNN sang thu, chi qua các hình thức chuyển khoản, điện tử.
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, KBNN đã nghiên cứu và phối hợp với các NHTM phát triển hạ tầng thanh toán bổ sung kênh thu ngân sách qua máy chấp nhận thẻ (POS). Theo đó, người dân đến KBNN làm thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước (NSNN) có thể lựa chọn hình thức nộp tiền bằng thẻ ATM, VISA… thay cho việc nộp trực tiếp bằng tiền mặt. Đồng thời, để đa dạng hóa kênh thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách, KBNN đã triển khai hệ thống thanh toán liên ngân hàng IBPS của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và giao diện với hệ thống thanh toán, kế toán của KBNN. Do đó, trong giai đoạn này, phương thức thanh toán bù trừ thủ công giữa KBNN với NHNN đã hoàn toàn không còn nữa.
Trong các năm về sau này, KBNN đã nghiên cứu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung các quy định về việc nộp tiền vào NSNN theo các phương thức điện tử qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các NHTM giúp tạo thuận lợi rất nhiều cho người nộp NSNN.
Giảm rủi ro thất thoát tiền mặt tại kho bạc
Việc triển khai thành công Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt tại các đơn vị KBNN đã tạo tiền đề tiết kiệm kinh phí hoạt động của đơn vị. Đồng thời, việc không còn tiền mặt trong kho sẽ giảm rủi ro, thất thoát tiền mặt tại các đơn vị KBNN quận, huyện.
Đặc biệt, để thúc đẩy các hoạt động TTKDTM, nhất là trong thu, chi NSNN, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kho bạc “3 không”, ngày 29/4/2022, Tổng Giám đốc KBNN đã ký ban hành Quyết định số 1953/QĐ-KBNN phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM trong toàn hệ thống với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Thực hiện đề án này, toàn hệ thống KBNN đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi NSNN; tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các NHTM…
Như vậy, sau hơn 10 năm triển khai hệ thống thanh toán theo phương thức điện tử và từ việc ký kết với 4 NHTM đầu tiên, đến nay, KBNN đã thực hiện phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với 20 hệ thống NHTM, với số lượng tài khoản của các đơn vị KBNN tại các ngân hàng là 3.309 tài khoản giúp cho việc thanh toán bằng tiền mặt trong toàn hệ thống hầu như “vắng bóng”. Cụ thể, cho đến hết năm 2023 vừa qua, số thu, chi NSNN bằng tiền mặt chỉ còn chiếm 0,07% và 0,097% so với tổng số thu, chi NSNN qua KBNN.
Đến năm 2025 sẽ không còn chi bằng tiền mặt
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Pháp chế, KBNN cho biết, sở dĩ vẫn còn một tỷ lệ rất nhỏ tiền mặt lưu thông trong hệ thống KBNN là do theo quy định hiện hành, một số khoản thu, chi vẫn được dùng tiền mặt như: Thanh toán cá nhân của các đơn vị hưởng lương ngân sách chưa có điều kiện để chuyển khoản được tại các vùng sâu vùng xa; một số khoản chi bằng tiền mặt (chi trả nợ, chi đền bù giải phóng mặt bằng); chi về nghiệp vụ mật của khối an ninh quốc phòng.
Hơn nữa, theo quy định, mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 5 triệu đồng được phép thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Ngoài ra, với những khoản chi mua sắm hàng hóa ở mức dưới 100 triệu đồng cũng có thể được rút tiền mặt tại kho bạc. Từ 100 triệu đồng trở lên mới thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng. “Do đó, trên thực tế, vẫn còn những khoản chi bằng tiền mặt qua KBNN dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ” - ông Nguyễn Văn Quang cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quang, thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năn 2030, KBNN xây dựng kế hoạch đến năm 2025 không còn chi bằng tiền mặt và hạn chế tới mức thấp nhất việc thu tiền mặt. Do đó, với những mức đã giảm đáng kể như vậy, mục tiêu của hệ thống KBNN là đến năm 2025 không còn chi tiền mặt sẽ thành hiện thực. Còn về thu tiền mặt, KBNN chỉ hướng tới mục tiêu là giảm ở mức thấp nhất, vì theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế, phí, lệ phí có quyền chọn phương thức nộp bằng tiền mặt hay chuyển khoản tại các điểm thu.
Theo đó, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với NHTM; mở rộng các tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh các kênh thu nộp điện tử qua các kênh trung gian thanh toán. Đồng thời, KBNN tiếp tục mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua kênh chuyển khoản bằng cách phối hợp với NHNN khảo sát các địa bàn, những nơi có thể thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản, nhất là ở những vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quang cho rằng, để tiến tới không còn giao dịch bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN cần phải tiếp tục thực hiện một số giải pháp ngay trong năm 2024 và đầu năm 2025. Cụ thể, cần sửa đổi thông tư quy định về chi tiền mặt theo hướng tất cả các hoạt động chi tiền mặt qua KBNN đều chuyển thanh toán qua ngân hàng. Đồng thời, cùng với xây dựng cơ chế, chính sách, KBNN cũng cần nghiên cứu giải pháp tại từng KBNN tỉnh, thành phố như báo cáo UBND tỉnh có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống NHTM. Cơ quan Kho bạc đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM với nhiều hình thức đa dạng (ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính), đặc biệt là ủy nhiệm thu bằng tiền mặt…
Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các hình thức chi trả qua tài khoản với các khoản chi an sinh xã hội và các khoản chi khác qua tài khoản gắn với việc triển khai đề án của Chính phủ về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2023.
Với những kết quả đã đạt được và với những cải cách tiếp theo trong năm 2024 và những năm tới, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM trong thu, chi NSNN, đóng góp cho sự phát triển của các hình thức TTKDTM trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống KBNN nói riêng.
Tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán với ngân hàng thương mại
Trong thời gian tới, KBNN tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với NHTM; mở rộng các tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh các kênh thu nộp điện tử qua các kênh trung gian thanh toán. Đồng thời, KBNN tiếp tục mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua kênh chuyển khoản bằng cách phối hợp với NHNN khảo sát các địa bàn, những nơi có thể thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.