Khó chấp nhận những dự án 'quây tôn'

Vấn đề dự án 'treo' gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân sinh,.. lại một lần nữa làm nóng 'nghị trường' tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vừa qua.

Giải pháp nào để triệt tiêu những dự án quây tôn, bên trong đất hoang hóa để cỏ mọc? Điều này chắc hẳn không thể bằng các kiến nghị mà cần có chế tài, quyết sách mạnh.

Một dự án tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm quây tôn, đất để hoang hóa. Ảnh: HNM

Một dự án tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm quây tôn, đất để hoang hóa. Ảnh: HNM

Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc cử tri thuộc Đơn vị bầu cử số 3, đại diện cử tri quận Cầu Giấy đã rất bức xúc và đề nghị TP cho thu hồi hoặc chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án đã được GPMB từ 10 - 20 năm, chưa triển khai, chỉ quây tôn giữ đất để cỏ mọc, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Thực ra, việc tồn tại dự án “quây tôn” để đấy nhiều năm không chỉ xuất hiện tại quận Cầu Giấy mà rất nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP. Theo báo cáo của Sở TN&MT, toàn TP Hà Nội có hơn 400 dự án thuộc diện chậm tiến độ, bỏ hoang. Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất, gồm: Hoài Đức (51), Mê Linh (47), Nam Từ Liêm (48), Hoàng Mai (25)…

Đáng nói, dù UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt tới các sở, ngành chức năng và các địa phương yêu cầu có biện pháp xử lý, thu hồi đất đối với các dự án chây ì nợ thuế, yếu kém năng lực tài chính, vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND TP, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND TP và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, kết quả đạt rất thấp.

Rõ ràng chúng ta đã và đang quyết tâm rất cao nhưng xử lý lại rất chậm nên lãng phí chồng lãng phí. Vấn đề đặt ra ở đây là do chúng ta còn ngại rào cản, sợ đụng chạm hay vướng về chính sách…? Quyết sách giải bài toán này là gì để triệt tiêu hình ảnh dự án quây tôn , “trùm mền”… để đấy, quả thực không dễ dàng.

Tuy nhiên, để loại bỏ những dự án "treo," vi phạm Luật Đất đai, cần “đánh” trực diện vào tài chính của chủ dự án bằng công cụ thuế. Chúng ta có thể đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo,” lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả. Từ đó, ngân sách thu được thêm, nhà đầu tư dự án bị “treo” tự xót tiền mà chủ động chuyển nhượng dự án cho đối tác khác có đủ khả năng để triển khai hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý dự án; trong đó đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và có hình thức xử lý nghiêm các chủ đầu tư “ôm” đất không triển khai các hạng mục, cố tình "nhập nhèm" để trục lợi... Có như vậy mới nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật.

Xóa dự án “treo,” dành cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực, ổn định cuộc sống của người dân đang là mục tiêu, là quyết tâm mới của TP Hà Nội, các cấp chính quyền để Hà Nội không còn cảnh nhếch nhác bởi hình ảnh dự án "quây tôn" cỏ mọc, trong khi quỹ đất phục vụ cho phát triển ngày một hạn hẹp.

Thương Huế

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kho-chap-nhan-nhung-du-an-quay-ton.html