Khó chồng khó, doanh nghiệp mật ong chuyển hướng về thị trường nội địa

Nhiều tiêu chuẩn khắt khe vào châu Âu, nguy cơ mất khả năng xuất khẩu vào Mỹ là những khó khăn liên tiếp mà ngành mật ong xuất khẩu đang gặp phải. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp quay về thị trường nội địa để lấy lại vị thế.

Doanh nghiệp lẫn người nuôi ong lấy mật đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Ảnh: Behonex

Doanh nghiệp lẫn người nuôi ong lấy mật đang gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Ảnh: Behonex

Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) dự kiến sẽ ban hành kết luận rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam, muộn nhất vào ngày 30/6/2025 khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong đang có nguy cơ mất cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Trước đây, Mỹ đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với mật ong xuất khẩu từ Việt Nam với mức thuế rất cao, dao động từ 410,93 - 413,99%. Kể từ tháng 4/2022, mức thuế chính thức đối với mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã giảm xuống còn 58,74 - 61,27% .

Đại diện Công ty cổ phần Ong Mật TP.HCM (Behonex) cho biết, gần đây nhất, DOC đã lựa chọn hai công ty Việt Nam là Buôn Mê Thuột Honey JSC và Đắk Lắk Honey JSC để áp dụng mức thuế cao nhất là 150% và 100% trong một đợt rà soát hành chính mới.

Mức thuế vào Mỹ như hiện nay cao hơn 4 lần giá bán, thì các doanh nghiệp Việt gần như bị “bít cửa” vào thị trường này.

Còn theo thương vụ Việt Nam tại EU, từ tháng 2/2024 mật ong Việt Nam xuất sang thị trường này phải bắt buộc ghi nhãn mác xuất xứ. EU cũng sẽ áp dụng phương pháp thống nhất để truy tìm nguồn gốc của mật ong và các tiêu chí để đảm bảo rằng mật ong không bị làm giả, bị pha trộn với đường khi bán cho người tiêu dùng. EU cũng thành lập một nhóm làm việc để chống nhập hàng giả mật ong gian lận thương mại.

Như vậy, 2 thị trường quan trọng hàng đầu của mật ong Việt Nam xuất khẩu đều ngày càng có những quy định khắt khe hơn, doanh nghiệp, hộ nuôi ong đối mặt nhiều thách thức hơn.

Chuyển hướng thị trường

Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, thị trường xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp này đang giảm khoảng hơn 40% nên tìm thị trường mới là Trung Quốc nhưng cũng cạnh tranh không lại với doanh nghiệp nội địa Trung Quốc về giá cả.

Trăn trở với nghịch lý mật ong Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về chất lượng và xếp thứ nhì châu Á về sản lượng, nhưng đa số người Việt lại đang sử dụng mật thứ phẩm, ông Vũ suy tính đến việc quay lại phục vụ thị trường nội địa. Chưa kể, mật ong Việt xuất thô với giá chưa đến 3 USD/kg, sau đó được nhà sản xuất nước ngoài xử lý, đóng gói bao bì đẹp bán ngược về Việt Nam với giá cao gấp mấy chục lần, càng thôi thúc ông Vũ đầu tư hơn cho thị trường nội địa. Đến nay, doanh nghiệp này đã có 16.000 điểm bán khắp cả nước. Năm 2023, tính riêng thị trường nội địa, Xuân Nguyên bán ra 1-2 triệu sản phẩm/tháng, với khoảng 7 tấn mật ong/ngày.

Theo nhiều chủ các cơ sở nuôi ong tại Đồng Nai, vài năm gần đây, giá mật ong bán cho các doanh nghiệp mua xuất khẩu mỗi năm đều giảm. Hiện giá mật ong chỉ còn dưới 20.000 đồng/lít. Điều này khiến hộ nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Nổi tiếng với mật ong hoa chôm chôm, ông Nguyễn Văn Tấn (hộ nuôi ong lấy mật tại TP. Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, từng nuôi hàng trăm thùng ong lấy mật để bán cho doanh nghiệp nhưng hiện nay giá giảm mạnh khiến ông thua lỗ và ngừng nuôi.

Trước loạt khó khăn liên tục đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sở mật ong đã chuyển hướng đầu tư chế biến ra nhiều sản phẩm độc, lạ, chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.

Bà Trần Thị Hồng Nhung, chủ cơ sở Vương Phát chia sẻ thêm, bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất được 60 tấn mật ong nhưng chỉ tuyển lựa được khoảng 10 tấn mật ong chất lượng ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước cung cấp ra thị trường nội địa. Đa số sản lượng mật còn lại chủ yếu bán cho thương lái, doanh nghiệp với giá rẻ để xuất khẩu. Nhưng thời gian gần đây, doanh nghiệp này đã đánh mạnh vào dòng mật ong cao cấp như mật hoa xuyến chi, hoa bạc hà... ưu tiên bán cho người tiêu dùng trong nước với giá cao hơn.

Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư bài bản vào bao mì, nhãn mác và đa dạng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đơn cử như Behonex khá thành công với các chiến lược bán hàng trên TikTok bởi những hướng dẫn, lý giải chi tiết về công dụng, cách sử dụng kết hợp mật ong với các thực phẩm, đồ uống sao cho hiệu quả với sức khỏe nhất.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, thị trường mật ong vẫn còn khá hỗn tạp. Nhiều sản phẩm trôi nổi giá rẻ cạnh tranh gay gắt càng khiến cho doanh nghiệp ngành mật ong “khó chồng khó”.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kho-chong-kho-doanh-nghiep-mat-ong-chuyen-huong-ve-thi-truong-noi-dia-d222845.html