Khó có thể thành lập chính phủ, Hy Lạp chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội lần 2
Hiện tại, các đảng phái lớn ở Hy Lạp đều có những chia rẽ sâu sắc và những bất đồng trong đường lối chỉ đạo, đa số đều hướng tới một cuộc bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 25/6.
Tại Hy Lạp, Thủ tướng đương nhiệm Kyriakos Mitsotakis đã bày tỏ vui mừng sau khi Đảng Dân chủ mới của ông giành chiến thắng với 40,8% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử quốc hội, bỏ xa số phiếu ủng hộ cho đảng đối lập đứng vị trí thứ 2, hơn 20%.
Tuy nhiên, với số phiếu này thì đảng chiến thắng vẫn không thể thành lập được chính phủ mới và phải mất 3 ngày để tìm kiếm liên minh hoặc tiếp tục trong cuộc bỏ phiếu thứ 2 dự kiến vào cuối tháng 6.
Ngay sau có kết quả chính thức, tối 22/5, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã trao đổi với tổng thống nước này để trả lại nhiệm vụ thành lập chính phủ. Ông nhắc lại khó có khả năng đảm bảo các điều kiện hiện tại để tìm kiếm đồng minh thành lập chính phủ mới. Do đó, ông đề nghị sẽ đẩy nhanh việc giải tán và tiến hành cuộc bầu cử quốc hội lần 2.
Hiện tại, các đảng phái lớn ở Hy Lạp đều có những chia rẽ sâu sắc và những bất đồng trong đường lối chỉ đạo, đa số đều hướng tới một cuộc bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 25/6.
Theo luật bầu cử mới có hiệu lực trong vòng bỏ phiếu tiếp theo, Đảng chiến thắng có thể nhận được phần thưởng lên tới 50 ghế trong quốc hội. Dựa trên chiến thắng cách biệt đã được thể hiện trong ngày 22/5 trước đối thủ đối lập, Đảng của Thủ tướng Mitsotakis gần như chắc chắn sẽ chiến thắng trong vòng tiếp theo.
Tuy nhiên, các đảng cánh tả có thể sẽ tìm cách lật ngược tình thế bằng cách vận động tranh cử về các vấn đề liên quan đến chi phí sinh hoạt đang nhận được sự quan tâm nhiều của cử tri để thay đổi phiếu ủng hộ.
Một trong vấn đề đáng chú ý khác được cho là thách thức của chính phủ mới Hy Lạp là vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Trước cuộc bầu cử này, Thủ tướng Mitsotakis đã hứa sẽ xây dựng một hàng rào theo toàn bộ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, để ngăn chặn dòng người di cư đến từ những nơi như Syria. Nước này đã phải đối mặt với một giai đoạn vô cùng khó khăn từ khủng hoảng người di cư vào năm 2015.
Tiếp đó, vấn đề nhận sự quan tâm của nhiều người dân và giới chức quốc tế là cách giải quyết vấn đề của chính phủ hiện tại sau những cáo buộc giám sát hàng loạt các nhân vật đối lập trong năm 2021. Mặc dù Thủ tướng Mitsotakis đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội đầu năm 2023, tuy nhiên vụ bê bối này cũng là một đòn giáng mạnh mẽ vào niềm tin của công chúng đối với chính phủ hiện tại.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng cơ sở hạ tầng nghèo nàn của Hy Lạp, mà nổi bật là vụ tai nạn đường sắt vừa qua khiến 57 người thiệt mạng, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối chính phủ vì đã không có các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém./.