Khó đạt được mức tăng trưởng kinh tế 3 - 3,5% trong năm 2021

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 3 - 3,5% trong năm nay khó có thể đạt được. Để đạt mục tiêu này, GDP phải tăng 8,6% trong ba tháng cuối năm.

Đại biểu Quốc hội: Quyết sách đúng, vì lợi ích chung thì dân luôn ủng hộ

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 8/11, nhiều đại biểu đã đánh giá về những mặt được, chưa được của kinh tế - xã hội vừa qua, nhận định về tình hình thời gian tới, đồng thời cũng đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ ngay đầu nhiệm kỳ đã phải đối phó với đại dịch làn sóng lần thứ tư, một đợt dịch chưa từng có, phá hủy rất nhiều quan hệ kinh tế - xã hội, khiến chúng ta phải tập trung nguồn lực, vật lực và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn đạt được những kết quả như đã nêu.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về đánh giá của Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng đạt được khoảng 3,0 - 3,5%. Theo đại biểu, chỉ tiêu này khó có thể đạt được, bởi so với năm 2020 đại dịch ảnh hưởng chưa mạnh bằng năm nay mà chúng ta chỉ đạt được 2,91%. Để đạt được mục tiêu này, 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao, GDP phải đạt khoảng 8,6%, do vậy đại biểu đề nghị phải đánh giá thận trọng.

Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới, đại biểu đề nghị 5 giải pháp trọng tâm. Đó là ưu tiên củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ; cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công... Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương IV của Văn phòng Trung ương về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Kết luận số 14 về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Có như vậy mới phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu

Đề cập đến giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi và trở thành động lực cho phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị phải tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng. Thứ nhất là cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua, tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.

Thứ hai là nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt, quyết định đến nội lực của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản định kiến, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân. Tinh gọn bộ máy hành chính là nhiệm vụ then chốt giúp các doanh nghiệp rút gọn các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí nguồn lực. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy không nên máy móc cơ học và nóng vội.

Giải pháp thứ ba là phát triển, mở rộng thị trường và cho đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, điều này làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, đại biểu đề xuất.

Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp

Nhấn mạnh khía cạnh cắt giảm chi phí trong tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho biết, các kết quả cụ thể về cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, cải tiến phương thức kiểm tra chuyên ngành, đẩy mạnh Chính phủ điện tử… đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của nước ta. Tuy nhiên, từ các báo cáo của Chính phủ cũng như khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy, chất lượng thực thi chính sách pháp luật vẫn là điểm nghẽn.

“Chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp”, đại biểu nói và nêu một số số liệu đánh giá dẫn chứng.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường việc ngăn chặn, xử lý nghiêm, chấn chỉnh việc ban hành thủ tục, điều kiện kinh doanh trái pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh. Cần thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của các điều kiện kinh doanh để có giải pháp sửa đổi kịp thời.

Một vấn đề thực tiễn nữa là cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt giữa quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện kinh doanh để tránh việc nhầm lẫn dẫn đến việc một số bộ, ngành, địa phương ban hành trái thẩm quyền các điều kiện kinh doanh dưới dạng quy chuẩn kỹ thuật, đại biểu đề xuất./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kho-dat-duoc-muc-tang-truong-kinh-te-3-35-trong-nam-2021-95022.html