Khó để xoay chuyển văn hóa 'làm việc đến chết' ở Nhật Bản

Nhật Bản đang thúc đẩy tuần làm việc 4 ngày nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động và thay đổi văn hóa làm việc quá sức, song gặp phải nhiều thách thức.

 Người Nhật Bản có từ "karoshi", khái niệm chỉ tình trạng "làm việc đến chết". Ảnh minh họa: Crowd Works.

Người Nhật Bản có từ "karoshi", khái niệm chỉ tình trạng "làm việc đến chết". Ảnh minh họa: Crowd Works.

Theo Independent UK, chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ mô hình tuần làm việc ngắn hơn từ năm 2021. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp hiện nay cho phép nhân viên nghỉ từ 3 ngày trở lên mỗi tuần, trong khi 7% còn lại chỉ đáp ứng mức tối thiểu theo luật định là 1 ngày nghỉ/tuần.

Như tại Panasonic Holdings Corp., chỉ có 150 trong số 63.000 nhân viên đủ điều kiện tham gia tuần làm việc 4 ngày, theo Yohei Mori, người giám sát sáng kiến này.

Để khuyến khích sự thay đổi, chính phủ đã triển khai chiến dịch "Cải cách phong cách làm việc", tập trung vào giảm giờ làm, sắp xếp công việc linh hoạt, giới hạn làm thêm giờ và đảm bảo nghỉ phép năm có lương.

Bộ Lao động Nhật Bản cũng cung cấp tư vấn miễn phí, hỗ trợ tài chính và chia sẻ thành công để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ dàng tiếp cận mô hình làm việc mới này.

Trên trang web chính thức, Bộ Lao động nhấn mạnh mục tiêu của chiến dịch là "xây dựng một xã hội mà người lao động có quyền tự do lựa chọn phong cách làm việc phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn tăng trưởng và phân phối bền vững, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho người lao động". Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thay đổi không hề dễ dàng.

Thách thức thực tế

Akiko Yokohama, nhân viên tại Spelldata, một công ty công nghệ tại Tokyo, đã tận hưởng những lợi ích của tuần làm việc 4 ngày. Cô chọn nghỉ thứ Tư, bên cạnh cuối tuần, để chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động cá nhân hoặc đơn giản là mua sắm.

"Làm việc 5 ngày liên tục khi sức khỏe không tốt là điều rất khó khăn. Nghỉ ngơi giúp tôi hồi phục hoặc đi khám bác sĩ khi cần. Quan trọng hơn, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái và ít căng thẳng hơn", Yokohama chia sẻ.

Chồng cô, một môi giới bất động sản, cũng được nghỉ thứ Tư nhưng phải làm việc vào cuối tuần. Điều này cho phép họ dành thời gian đưa con đi chơi vào giữa tuần, tận hưởng những khoảnh khắc quý giá bên gia đình.

Áp lực từ đồng nghiệp, kỳ vọng của xã hội và thói quen làm việc đã ăn sâu vào tiềm thức sẽ không dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều. Ảnh minh họa: Manulife.

Áp lực từ đồng nghiệp, kỳ vọng của xã hội và thói quen làm việc đã ăn sâu vào tiềm thức sẽ không dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều. Ảnh minh họa: Manulife.

Không chỉ các công ty công nghệ nhỏ, làn sóng làm việc 4 ngày/tuần cũng đã lan đến các tập đoàn lớn tại Nhật Bản. Fast Retailing Co., công ty mẹ của Uniqlo, Theory, J Brand và nhiều thương hiệu thời trang khác, đã tiên phong áp dụng mô hình này.

Công ty dược phẩm Shionogi & Co., các tập đoàn điện tử Ricoh Co. và Hitachi cũng đã triển khai chính sách tương tự trong những năm gần đây.

Thế nhưng, dù chính phủ đã lên tiếng ủng hộ cân bằng công việc và cuộc sống, áp lực hy sinh vì công ty vẫn còn rất lớn. Người lao động thường có xu hướng nghỉ phép cùng thời điểm với đồng nghiệp để tránh bị đánh giá là thiếu trách nhiệm.

Làm việc nhiều giờ vẫn là tiêu chuẩn, thậm chí có tình trạng "làm thêm giờ phục vụ", không báo cáo và không được trả lương, vẫn tồn tại dù đã có quy định pháp lý về giới hạn làm thêm giờ.

 Dù chính phủ Nhật Bản tích cực thúc đẩy tuần làm việc 4 ngày, thực tế áp dụng vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa: KOKUYO Umeda.

Dù chính phủ Nhật Bản tích cực thúc đẩy tuần làm việc 4 ngày, thực tế áp dụng vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa: KOKUYO Umeda.

Báo cáo của chính phủ về "karoshi", thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ văn hóa làm việc tới chết, cho thấy mỗi năm Nhật Bản có ít nhất 54 trường hợp tử vong do làm việc quá sức, bao gồm các trường hợp do đau tim.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm mạnh. Giới chức nhận định, nếu không thay đổi tư duy về công việc, Nhật Bản sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2065, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm tới 40%, từ 74 triệu xuống còn 45 triệu người.

Tranh cãi xung quanh hiệu quả

Không phải ai cũng ủng hộ mô hình làm việc mới này. Những người chỉ trích cho rằng trên thực tế, nhân viên làm việc 4 ngày/tuần vẫn phải làm việc căng thẳng như trước, song mức lương lại thấp hơn.

Thực trạng này cũng được phản ánh qua khảo sát của Gallup về mức độ gắn bó của nhân viên. Nhật Bản xếp hạng thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát, với chỉ 6% người lao động cảm thấy gắn bó với công việc, so với mức trung bình toàn cầu là 23%. Điều này cho thấy phần lớn người lao động Nhật Bản đang làm việc mà không có sự đam mê hay năng lượng thực sự.

 Một số người lo ngại lịch trình 4 ngày có thể dẫn đến cắt giảm lương hoặc tăng áp lực công việc trong những ngày còn lại. Ảnh minh họa: GaudiLab.

Một số người lo ngại lịch trình 4 ngày có thể dẫn đến cắt giảm lương hoặc tăng áp lực công việc trong những ngày còn lại. Ảnh minh họa: GaudiLab.

Kanako Ogino, người đứng đầu NS Group, tập đoàn sở hữu chuỗi karaoke và khách sạn tại Tokyo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp giờ làm việc linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt trong ngành dịch vụ, nơi lực lượng lao động chủ yếu là nữ giới.

NS Group hiện cung cấp tới 30 mô hình làm việc khác nhau, bao gồm cả tuần làm 4 ngày và lựa chọn nghỉ phép dài ngày. Để đảm bảo nhân viên cảm thấy thoải mái và được tôn trọng, bà Ogino đích thân trao đổi với từng người trong số 4.000 nhân viên của mình 2 lần/năm để tìm hiểu về mong muốn và nhu cầu của họ.

"Tại Nhật Bản, chúng ta thường mặc định rằng làm việc càng nhiều giờ, càng sẵn sàng hy sinh thời gian cá nhân thì càng chứng tỏ sự cống hiến. Nhưng tôi tin rằng không ai mơ ước có một cuộc sống như vậy", Ogino nói.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/kho-de-xoay-chuyen-van-hoa-lam-viec-den-chet-o-nhat-ban-post1495318.html