Khó di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường trầm trọng từ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trong các khu đô thị, khu dân cư đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở nhiều nơi trong cả nước. Tại Thanh Hóa, để khắc phục tình trạng này, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Tuy nhiên, duyệt đề án là một chuyện, triển khai trên thực tế lại là một chuyện khác.

Hoạt động từ năm 2003, trang trại của ông Nguyễn Hữu Thọ (phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có thời điểm nuôi tới hơn 200 con lợn, 170 trâu bò và hàng nghìn gia cầm các loại. Toàn bộ nước thải từ quá trình chăn nuôi không được xử lý, xả thẳng ra môi trường.

Ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ hàng chục cơ sở chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi, phường An Hưng cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong vùng.

Thanh Hóa hiện tại có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư. Trong số này, có đến hơn 700 cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; chế biến đá xẻ, đá ốp lát; tái chế phế liệu. Các cơ sở này đã được đưa vào Đề án, phân chia giai đoạn di dời từ nay đến năm 2030.

Đề án đã có, giải pháp cũng không hề thiếu nhưng mọi thứ vẫn giường như chỉ đang nằm trên giấy. Còn thực tế, chăn nuôi nông hộ không được hưởng chính sách hỗ trợ. Ngành chức năng không có nguồn kinh phí để đánh giá mức độ gây ô nhiễm. Khu công nghiệp cũng không muốn tiếp nhận các cơ sở sản xuất có tác động xấu đến môi trường.

Bài toán di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư vẫn là bài toán khó giải. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có giải pháp triệt để, những người dân sống trong các làng nghề, tiếp tục phải sống chung với cảnh ô nhiễm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Quốc Hưng - Việt Hà

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/kho-di-doi-co-so-gay-o-nhiem-moi-truong-240605.htm