Khó đoán định triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản

Theo bình luận của giới chuyên gia kinh tế, việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio rời nhiệm sở sau gần 3 năm tại vị có thể sẽ gây ra những tác động nhất định đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đường hướng tăng dần lãi suất

Những ngày qua, dư luận quốc tế dành nhiều sự quan tâm đối với tình hình chính trị, kinh tế của Nhật Bản, sau quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Theo đó, ông Kishida sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng 9 tới. Theo quy định, người giữ chức Chủ tịch đảng cầm quyền sẽ giữ chức Thủ tướng.

Truyền thông Nhật Bản nhìn nhận, khi rời nhiệm sở vào tháng tới, ông Kishida để lại một Nhật Bản có liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và quan hệ nồng ấm hơn với Hàn Quốc. Tuy nhiên, những di sản về đối ngoại trong thời gian cầm quyền hiện không thể khỏa lấp được những bức xúc trong xã hội Nhật Bản về các vấn đề nội tại của đất nước, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế.

Theo bình luận của giới quan sát kinh tế quốc tế, quyết định từ chức của người nắm quyền điều hành chính phủ nhiều khả năng sẽ tạo ra một khoảng trống chính trị, ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế Nhật Bản.

Năm ngoái, ông Kishida đã chỉ định ông Kazuo Ueda làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong chủ trương kêu gọi tăng lương. Vài ngày trước khi BoJ tăng lãi suất vào tháng 7 vừa qua, ông Kishida cho biết, việc bình thường hóa chính sách của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch của Nhật Bản sang nền kinh tế tăng trưởng, thể hiện sự ủng hộ của ông đối với việc thoát ly khỏi chính sách lãi suất siêu thấp. Từ đó, giới quan sát nhận định, hệ lụy từ việc ông Kishida từ chức có thể sẽ là những bất ổn về chính sách kinh tế, các nỗ lực của BoJ sẽ gặp nhiều vướng mắc trong việc phối hợp với chính phủ để rút lui một cách êm ái khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Được biết, phần lớn những ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Kishida ủng hộ việc tăng dần lãi suất hiện ở mức siêu thấp của Nhật Bản, như một biện pháp để giữ đồng yên không giảm giá mạnh, coi việc tăng dần lãi suất là hướng đi đúng đắn. Người duy nhất ủng hộ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ là ứng cử viên Sanae Takaichi, người ủng hộ các chính sách kích thích kinh tế của cố Thủ tướng Shinzo Abe.

Nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản nhìn nhận, ứng cử viên Sanae Takaichi có thể là một ngoại lệ, nhưng hầu hết các ứng cử viên dường như không phản đối việc bình thường hóa chính sách của BoJ. Nếu vậy, sẽ không có nhiều gián đoạn đối với lộ trình tăng lãi suất dài hạn của BoJ.

Theo giới chuyên gia kinh tế Nhật Bản, về luật pháp, BoJ không phải chịu sự can thiệp của chính phủ trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trong lịch sử, BoJ từng chịu áp lực chính trị trong việc sử dụng các công cụ nới lỏng tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Một phần nguyên nhân của những áp lực chính sách này là do chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm các thành viên hội đồng của BoJ, bao gồm cả thống đốc, dù sau đó vẫn cần được quốc hội phê duyệt mới có hiệu lực.

Các nhà phân tích kinh tế Nhật Bản cho rằng, tình trạng đồng yên yếu đi làm gia tăng áp lực về chi phí sinh hoạt cho người dân, điều này thúc đẩy các chính trị gia ủng hộ việc tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại, cũng như thúc đẩy BoJ tăng lãi suất theo lộ trình.

Chính sách tăng lãi suất có thể chững lại

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản vừa thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán BoJ sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong năm nay. Cùng với đó, nền kinh tế Nhật Bản đã có những bước phục hồi trong quý II nhờ hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ, từ đó tạo dư địa để BoJ tiếp tục tăng lãi suất.

Còn theo giới chuyên gia kinh tế quốc tế, BoJ đang có xu hướng chính sách tiền tệ khác biệt so với thế giới. Dễ thấy là việc BoJ duy trì lãi suất siêu thấp ngay cả khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu tăng lãi suất mạnh từ năm 2022 để chống lạm phát. Hiện nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách thì BoJ lại tăng lãi suất.

Chia sẻ trên truyền thông đại chúng, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết, việc tiếp tục tăng lãi suất chỉ là sự điều chỉnh cần thiết đối với những hỗ trợ tiền tệ quá mức, không phải chủ trương thắt chặt chính sách toàn diện. Và ông có thể sẽ duy trì lập trường này.

Dẫu vậy, nhận định từ giới chuyên gia cho thấy, việc tăng lãi suất của BoJ cũng có thể sẽ chững lại trong bối cảnh hiện nay, vì nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự thay đổi lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản, cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Những yếu tố này được dự báo có thể sẽ làm gia tăng bất ổn trên thị trường và khiến BoJ không thể đưa ra những hành động cụ thể trong thời gian tới. Ông Toru Suehiro - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Daiwa Securities dự đoán, BoJ sẽ tạm dừng tăng lãi suất ít nhất cho đến tháng 12, khi các sự kiện chính trị của Nhật Bản và Mỹ kết thúc.

Nhiều chuyên gia Nhật Bản cũng nhận định, tân Thủ tướng có thể phải đến tháng 11 mới được quốc hội thông qua và BoJ sẽ cần thời gian để xây dựng lòng tin với nhà lãnh đạo mới. Điều này khiến sự chững lại trong lộ trình tăng dần lãi suất của BoJ chưa thể đoán định cơ bản, bởi còn phải phụ thuộc vào kết quả của cuộc đua cho vị trí đảng cầm quyền. Đồng thời phụ thuộc vào những phản ứng trên thị trường, cũng như chính trường liên quan đến tốc độ tăng lãi suất phù hợp. Mặt khác, nếu xu hướng giảm giá của đồng yên “đảo chiều”, các chính trị gia Nhật Bản có thể sẽ không tiếp tục ủng hộ tăng lãi suất.

Ông Kishida Fumio từng là thành viên chủ chốt trong nội các của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, giữ chức Ngoại trưởng từ năm 2012 đến năm 2017, sau đó kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của đất nước trước khi trở thành Chủ tịch đảng LDP vào tháng 9/2021, nhờ đó trở thành Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vào tháng 10/2021. Từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay, chỉ có 5 chính trị gia làm thủ tướng được 5 năm hoặc lâu hơn. Rất nhiều thủ tướng nhậm chức và tại vị trong một thời gian ngắn, thậm chí chỉ vỏn vẹn 2 tháng. Tình trạng này đã thay đổi khi ông Abe trở thành thủ tướng trong giai đoạn 2012-2020, là thủ tướng tại vị lâu nhất với thời gian 7 năm 265 ngày. Người kế nhiệm ông Abe là ông Suga Yoshihide tại vị trong hơn 1 năm trước khi từ chức. Ông Kishida Fumio kế nhiệm, từng được kỳ vọng sẽ tại vị lâu dài. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, ông Kishida cũng đã từ chức, tạo ra lo ngại về sự tái diễn của kỷ nguyên liên tục thay đổi lãnh đạo chính phủ.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kho-doan-dinh-trien-vong-cua-nen-kinh-te-nhat-ban-post479728.html