Khó hiểu dùng quỹ đường bộ trợ cấp thôi việc
Đơn vị tiếp nhận người lao động có trách nhiệm thanh toán các chế độ nhưng không hiểu sao Bộ GTVT lại đề xuất dùng quỹ bảo trì đường bộ để chi trả.
Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin được sử dụng nguồn tiền từ quỹ bảo trì đường bộ để chi trả chế độ trợ cấp mất việc cho người lao động (NLĐ) ở các trạm thu phí và bến phà khi dừng hoạt động. Được biết mỗi ngày quỹ bảo trì đường bộ thu bình quân 27 tỉ đồng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu quản lý, sửa chữa đường sá hư hỏng thì nay lại đề xuất chia cho các trạm thu phí, thậm chí là trạm của tư nhân. Vì sao có sự ưu ái này?
Đề xuất chi trả trên 1,4 tỉ đồng
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép tiếp tục được sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ để bố trí số tiền trên 1,4 tỉ đồng chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm cho NLĐ ở trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Trạm này dừng hoạt động từ tháng 12-2014 nhưng đến nay NLĐ vẫn chưa được giải quyết chế độ trên.
“Việc sử dụng từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ cho nhiệm vụ này tương tự như đã giải quyết chế độ NLĐ của các trạm thu phí Phả Lại, Nam Hải Vân thời gian qua…” - kiến nghị của Bộ GTVT lý giải.
Theo thu thập của PV, trước 1-1-2009, 64 lao động ở trạm thu phí Sông Phan là NLĐ của Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 71 (Khu quản lý đường bộ VII, Cục Đường bộ Việt Nam). Sau 1-1-2009, toàn bộ nhân sự của trạm này được bàn giao về Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư cầu Đồng Nai (ĐNC, chủ đầu tư cầu Đồng Nai mới) để tiếp tục làm nhiệm vụ thu phí, dù trạm này cách cầu Đồng nai mới hơn 150 km.
Trước đó, ngày 31-10-2018, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị chủ quản trạm Sông Phan lúc đó, đã ký văn bản gửi Bộ GTVT về phương án tiếp nhận và vận hành trạm Sông Phan khi chuyển giao về ĐNC. Cụ thể về nhân sự, bàn giao toàn bộ lao động hiện có của trạm Sông Phan, đơn vị quản lý trạm Sông Phan có trách nhiệm giải quyết mọi chế độ, chính sách có liên quan cho NLĐ đến trước thời điểm bàn giao. Doanh nghiệp nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng lao động, chi trả các khoản cho NLĐ theo đúng quy định của luật lao động và theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra, ông Đức còn ký tiếp một văn bản khác gửi Khu quản lý đường bộ VII, yêu cầu đơn vị này lên danh sách lao động hiện có, giải quyết tiền lương và các chế độ khác theo quy định đến hết 31-12-2008 trước khi bàn giao trạm thu phí cho ĐNC.
Được biết trong 64 lao động này, có 33 lao động đã được đơn vị mới là ĐNC tiếp nhận, trả lương để thu phí ở trạm BOT Sông Phan. Đến tháng 12-2014, sau năm năm sáu tháng thu phí từ khoảng cách 150 km bị dư luận phản ứng dữ dội, trạm Sông Phan mới được bàn giao nguyên trạng từ tài sản đến con người cho Tổng Công ty 319 và đơn vị này tiếp nhận 31 người còn lại tiếp tục thu phí khi đầu tư dự án nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 1.
Rõ ràng, việc giải quyết các chế độ, tiền lương cho NLĐ đã được triển khai. Đặc biệt là theo quy định, đơn vị tiếp nhận NLĐ, mà cụ thể là ĐNC mới chính là đơn vị có trách nhiệm thanh toán các chế độ, tiền lương. Tuy nhiên, không hiểu sao nay Bộ GTVT lại đề xuất dùng quỹ bảo trì đường bộ để chi trả.
Theo tìm hiểu của PV, Sông Phan không phải là trạm thu phí đầu tiên được đề nghị trả chế độ mất việc, thôi việc và các khoản lương từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ mà trước đó Bộ GTVT đã “mạnh tay” chi trả gần 60 tỉ đồng cho hơn 1.000 NLĐ ở các trạm thu phí, bến phà từ Nam ra Bắc đã dừng thu.
Nhà đầu tư phải chi trả!
Theo Bộ GTVT, sở dĩ có việc đề nghị sử dụng nguồn tiền từ quỹ bảo trì đường bộ để trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ ở các trạm thu phí, bến phà là do một số đơn vị đã cổ phần hóa hoặc giải thể và không có kinh phí giải quyết, trong đó có 64 lao động tại trạm thu phí Sông Phan.
Theo Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đồng ý về phương án này. Tuy nhiên, theo thu thập của PV thì tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã có văn bản trả lời Bộ GTVT về việc này. Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu đối với các trạm thu phí, bến phà giai đoạn trước khi bàn giao cho nhà đầu tư BOT đề nghị bố trí từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ trung ương. Đối với các trạm thu phí giai đoạn NLĐ làm việc cho nhà đầu tư BOT sẽ do nhà đầu tư BOT chi trả từ nguồn của doanh nghiệp.
Được biết năm 2015, sau khi ĐNC dừng thu phí ở trạm Sông Phan thì chủ đầu tư có văn bản đề nghị sẽ chi trả trợ cấp mất việc cho 33 lao động cũ mà họ đã tiếp nhận từ Khu quản lý đường bộ VII với tổng số tiền hơn 730 triệu đồng. Số tiền trợ cấp này ĐNC đề nghị được tính vào tổng giá trị đầu tư của dự án BOT và hoàn vốn bằng nguồn thu phí. Trước đề nghị này, Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối và cho biết: “Theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chi phí trợ cấp mất việc cho NLĐ không được tính vào tổng mức đầu tư của dự án”.
Người sử dụng lao động phải chi trả
Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định. Trong trường hợp không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc cho NLĐ.
Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực từ ngày 1-1-1995, theo đó kể từ ngày này không còn chế độ chuyển công tác, khi NLĐ thôi việc ở doanh nghiệp nào thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp đó và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho NLĐ.
Căn cứ quy định nêu trên, việc các đơn vị quản lý trạm thu phí, bến phà trước đó khi chuyển giao, sắp xếp lại các trạm thu phí, bến phà, thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ mà chưa chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ là không đúng quy định.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH DOÃN MẬU DIỆP
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/kho-hieu-dung-quy-duong-bo-tro-cap-thoi-viec-805562.html