Khó khăn 'bao vây' kinh tế Trung Quốc
Tăng trưởng đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục, thị trường bất động sản sụt giảm và các công ty đang phải vật lộn với những cơn đau đầu về chuỗi cung ứng. Trung Quốc đang bị bao vây bởi các vấn đề kinh tế nghiêm trọng.
Mục tiêu xa vời
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn với tác động của hạn hán nghiêm trọng và lĩnh vực bất động sản đang nợ nần chồng chất, cộng với những chính sách phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Trong vòng hai tuần qua, tám siêu đô thị đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Những trung tâm sản xuất và vận tải quan trọng này là nơi sinh sống của 127 triệu người.
Theo tính toán của CNN dựa trên số liệu thống kê của chính phủ, trên toàn quốc, ít nhất 74 thành phố đã bị đóng cửa kể từ cuối tháng 8, ảnh hưởng đến hơn 313 triệu cư dân. Tuần trước, Goldman Sachs ước tính, các thành phố bị ảnh hưởng bởi các vụ đóng cửa chiếm 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Craig Singleton, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Foundation for Defense of Democracies, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng chấp nhận những chi phí kinh tế và xã hội”.
Raymond Yeung, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc của ANZ Research nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục xấu đi trong vài tháng tới.
Ông Yeung nói thêm, nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh là một dấu hiệu khác ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu suy yếu ở thị trường Mỹ và châu Âu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc. Hiện tại ông Yeung dự đoán, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng 3% trong năm nay, còn xa mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là 5,5%.
Bức tranh ảm đạm
Bên cạnh việc không dao động trong chiến lược phòng chống dịch, chính phủ Trung Quốc tung ra một loạt các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm gói 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD) được công bố vào tháng trước để cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm bớt tình trạng thiếu điện.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng tạo công ăn việc làm cho người dân. “Nhưng rất khó để cân bằng hai mục tiêu", ông Yeung nhận định.
Dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có một “màn trình diễn” ảm đạm trong quý III/2022, với GDP chỉ tăng 0,4% trong quý II/2022 so với một năm trước đó, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 4,8% trong quý đầu tiên năm nay.
Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này, thước đo chi phí hàng hóa tại cửa nhà máy, trong tháng 8/2022 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tăng trưởng dịch vụ chậm lại.
Các nhà phân tích của Nomura nhận thấy: “Bức tranh không đẹp vì Trung Quốc đang tiếp tục phải chiến đấu với làn sóng lây nhiễm Covid-19 rộng nhất từ trước đến nay”.
Những lực cản
Thị trường việc làm của Trung Quốc đã xấu đi trong vài tháng qua. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức cao nhất mọi thời đại là 19,9% vào tháng 7, tháng thứ tư liên tiếp phá vỡ kỷ lục. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc hiện có khoảng 21 triệu thanh niên thất nghiệp ở các thành phố và thị trấn.
Ông Yeung nhận định: “Vấn đề đáng lo ngại nhất là việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể lên tới 20% hoặc cao hơn”. Các nhà kinh tế khác cho rằng, thị trường lao động có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng tới.
Sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản cũng là một lực cản lớn khác. Lĩnh vực này, chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc, dường như đã bị tê liệt bởi một chiến dịch của chính phủ kể từ năm 2020 nhằm kiềm chế việc vay nợ và hạn chế giao dịch đầu cơ.
Giá bất động sản và doanh số bán nhà mới đã giảm sâu. Với chính sách nhà ở có thể không có nhiều thay đổi, ông Yeung nói: "Chúng tôi khó có thể thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lặp lại mức tăng trưởng cao trước đó là 5,5% hoặc 6% trong hai năm tới".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kho-khan-bao-vay-kinh-te-trung-quoc-197859.html