Khó khăn 'bủa vây' điểm trường lẻ bậc học mầm non
Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn, đường xá đi lại vất vả… là những khó khăn cần sớm được giải quyết tại các điểm trường lẻ bậc mầm non tại huyện miền núi Quan Sơn.
Năm học 2021-2022 huyện Quan Sơn có 15 trường mầm non, 26 điểm trường lẻ, với 3213 trẻ. Trong tổng số 213 phòng học, có đến 50 phòng học tạm, mượn, điều kiện giảng dạy và học tập của cô và trò hết sức khó khăn.
Trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành cơ sở vật chất trường lớp tại các xã vùng sâu, vùng xa được đầu tư mạnh mẽ, song vẫn còn nhiều điểm trường thiếu thốn về trang thiết bị, phòng chức năng, nhà vệ sinh, đồ dùng, đồ chơi…
Điều kiện học tập tại một số điểm trường lẻ bậc mầm non còn rất đơn sơ, nghèo nàn.
Do địa hình đồi núi, các thôn, bản nằm cách xa nhau, giao thông cách trở nên việc đến lớp của trẻ gặp vô vàn khó khăn, đối với những cô giáo mùa mưa nhiều điểm trường đường trơn trượt, lầy lội cũng trở nên hết sức khó khăn.
Trường mầm non Trung Tiến hiện có 2 điểm lẻ, trong đó khu Đe Pọng hiện có 40 học sinh/4 phòng học, cách xa điểm trường chính 7 km, phòng học lại xuống cấp nghiêm trọng, học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, do thiếu thốn về trang thiết bị nhà trường không thể triển khai Thông tư 50 cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh, mặc dù còn nhiều vất vả nhưng chính tình yêu thương dành cho trẻ đã tạo động lực cho các cô giáo tại đây vượt qua tất cả để giảng dạy.
Điểm trường mầm non Sơn Thủy tại bản Xía Nọi.
Đã nhiều năm nay cô và trò tại điểm lẻ khu Bàng, Trường mầm non Trung Thượng phải học tập và giảng dạy dưới những phòng học lợp tôn xốp, học tạm nhờ xuống cấp, phải học lớp ghép. Khu Bàng hiện có 35 học sinh/3 phòng học, điều kiện học tập thiếu thốn.
Cô Vũ Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ không chỉ riêng khu Bàng, nhà trường hiện còn khu Khạn học sinh phải học lớp lắp ghép bằng tôn xốp, diện tích chỉ 20m2, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh thấu xương, không những vậy đường lên điểm Khạn rất khó khăn, do là đường đất, mùa mưa lầy lội đi lại rất bất tiện. Chưa kể, phần lớn các em là người dân tộc thiểu số, các cô vừa phải dạy vừa tìm hiểu phong tục tập quán, học tiếng bản địa để phiên âm cho các em hiểu rõ hơn. Tuy khó khăn, nhưng cô và trò đều cùng nhau cố gắng khắc phục, song do thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên việc nâng cao chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng không nhỏ.
Dù được mượn điểm lẻ từ bậc tiểu học, tuy nhiên dãy phòng học tại điểm Mùa Xuân này đã xuống cấp trầm trọng, khó đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Trường mầm non Sơn Thủy hiện có 4 điểm lẻ, trong đó hai điểm lẻ ở bản người Mông là Mùa Xuân và Xía Nọi khó khăn và xa trung tâm nhất.
Điểm lẻ tại bản Mùa Xuân có 74 học sinh/6 phòng học, chủ yếu mượn tạm điểm lẻ bậc tiểu học. Tại điểm Xía Nọi, cô và trò phải học 1 lớp ghép 3 độ tuổi, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất nghèo nàn. Đặc biệt đây lại là những điểm trường nằm trong vùng nguy hiểm, thường xảy ra lũ quét, lũ ống. Cứ vào mùa mưa lũ nhà trường lại phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Thiếu thốn về trang thiết bị tại nhiều điểm lẻ khiến chất lượng giáo dục mầm non của huyện bị ảnh hưởng.
Ông Lê Huy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết, đến nay huyện đã dồn được 39 điểm trường lẻ mầm non, hiện nay khối giáo dục mầm non về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, yếu, các cô giáo và phụ huynh nơi đây luôn mong muốn các cấp, ngành quan tâm, đầu tư hơn nữa cho cấp học mầm non, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn… tạo động lực để các cô bám bản, bám lớp, yên tâm “gieo chữ”.