Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản

Đại diện VASEP cho biết doanh nghiệp toàn ngành thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đơn hàng giảm, nguyên vật liệu đầu vào hạn chế và chi phí tăng cao.

Ngày 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn về sản xuất, tiêu thụ thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng và người tham gia chuỗi thủy sản.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết doanh nghiệp toàn ngành thủy sản đang phải đối mặt 4 áp lực cùng lúc. Vấn đề phức tạp nhất là thiếu lao động.

“Hiện nay, các nhà máy sản xuất tập trung ít cũng có vài trăm, nhiều thì có vài nghìn công nhân. Doanh nghiệp lớn có khoảng 5.000-7.000 công nhân. Khi nguồn vaccine không đầy đủ, 70% nhà máy đã phải ngừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu ưu tiên chống dịch. Chỉ 30% nhà máy duy trì được hoạt động sản xuất nhờ áp dụng 3 tại chỗ", ông Nam cho biết.

Nhà máy giảm công suất, doanh nghiệp không đủ hàng

"Trong số 30% nhà máy này, các đơn vị chỉ huy động được khoảng 20-40% số công nhân. Điều này khiến nhà máy phải giảm công suất, dẫn tới doanh nghiệp không đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký; đồng thời cũng không tiến hành thu mua được nguyên liệu từ khai thác cũng như nuôi trồng”, ông Nam nhấn mạnh.

 VASEP lo ngại đứt gãy chuỗi nhân lực tại các nhà máy thủy sản. Ảnh: Huỳnh Biển.

VASEP lo ngại đứt gãy chuỗi nhân lực tại các nhà máy thủy sản. Ảnh: Huỳnh Biển.

Khó khăn thứ hai là khách hàng nhập khẩu thủy sản liên tục cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của khách hàng đang tăng lên do dịch, trong khi nguồn cung đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Khó khăn thứ ba ông Nam đề cập đến là nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nylon, máy hút chân không… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ TP.HCM. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất lâu.

Cuối cùng, khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên.

“Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia 3 tại chỗ, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất… Chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn”, ông Nam nhấn mạnh.

Trong nội dung các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp và các hiệp hội tại hội nghị có nhiều vấn đề liên quan đến thực tế phối hợp của các địa phương vẫn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Đại diện nhiều Sở NNPTNT địa phương cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về giảm thuế, tiền tiêu thụ điện, cũng như khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cùng với đó, những chính sách về cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý cũng rất cấp thiết để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất; ưu tiên bổ sung tiêm vaccine cho lao động tham gia trong chuỗi và có cơ chế phù hợp cho sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, thủy sản đóng vai trò rất quan trọng khi chiếm 35,1% trong tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Ngoài ngành chăn nuôi thì thủy sản còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia 3 tại chỗ, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50%

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP

Nếu như không chuẩn bị tốt về vật tư đầu vào như con giống, nguồn lao động, hỗ trợ tín dụng thì sẽ không bảo đảm điều kiện sản xuất vụ mới do dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài.

Thứ trưởng Tiến cho biết 8 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản đạt 5,7 triệu tấn, để đáp ứng mục tiêu thì từ nay đến cuối năm phải đạt 723.000 tấn/tháng.

Vấn đề đặt ra là phải sớm giải quyết tồn đọng dưới ao nuôi, nhưng lại có khó khăn mâu thuẫn là nếu không giải quyết được khâu tiêu thụ và xuất khẩu thì lại tồn đọng ở kho, khi đó sẽ khó khăn không giải quyết được thủy sản ở các ao nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của tất cả các địa phương, doanh nghiệp để đưa ra các nhóm vấn đề cần tháo gỡ ngay để trình Chính phủ vào ngày 6/9 tới đây.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-khan-bua-vay-doanh-nghiep-thuy-san-post1259103.html