Khó khăn cai nghiện ma túy tại cộng đồng
ĐBP - Ðể người nghiện ma túy cắt cơn, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghiện cai nghiện. Song, do nhiều nguyên nhân việc cai nghiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Nhân viên y tế Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Ðiện Biên Ðông phát thuốc cho người nghiện tại xã Pú Nhi.
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội huyện Ðiện Biên Ðông đến điểm cai nghiện cộng đồng trên địa bàn xã Pú Nhi. Ðây là một trong những địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, với tỷ lệ người nghiện ma túy cao. Ðể thực hiện cai nghiện tại cộng đồng, xã Pú Nhi gặp không ít khó khăn trong việc vận động đưa người nghiện về nơi cai nghiện, cũng như công tác quản lý người nghiện. Mặc dù có sự giám sát, quản lý chặt chẽ của lực lượng công an, cán bộ đoàn thể và các y, bác sĩ, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong một buổi sáng đã có 3 người nghiện tự ý trốn về. Ngay sau khi phát hiện người nghiện bỏ trốn, lực lượng công an đã phân công người đến tận nhà để tìm và đưa họ về nơi cai nghiện tập trung. Trên đường tìm đến nhà người nghiện, ông Lầu A Dùa, Trưởng Công an xã Pú Nhi chia sẻ: “Việc đưa người nghiện đến cai nghiện đã khó, nay quản lý người nghiện cũng vất vả không kém, vì chỉ cần một phút lơ là của cán bộ quản lý, họ sẽ bỏ trốn ngay. Nhiều người nghiện nhà ở xa, anh em vẫn phải tìm đến để đưa họ về nơi cai nghiện. Biết cán bộ đến tìm, họ còn trốn lên rừng, khiến anh em rất vất vả. Vì vậy, để tăng cường quản lý, chúng tôi phải phân công thành từng tổ, mỗi tổ có gần chục người thay phiên nhau quản lý, bảo vệ và giúp đỡ người nghiện để họ nhanh chóng cắt cơn, trở về hòa nhập với cộng đồng”.
Bà Lò Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhi cho biết: Một trong những mục đích của việc cai nghiện tại cộng đồng là để người nghiện được gia đình, người thân ở gần thường xuyên động viên. Nhưng vì vẫn sinh hoạt ngay tại địa phương nên họ có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình, địa phương và các tổ chức xã hội, sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy…
Thực tế cho thấy, hiện nay khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa thể tháo gỡ nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 831 người, trong đó có 483 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy, nhất là cai nghiện tại gia đình, cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu do người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện, khiến việc vận động, đưa người nghiện đi cai nghiện rất khó. Mặt khác, đa số người nghiện là đối tượng nghèo, nhiều gia đình không có điều kiện cho người thân đi cai nghiện. Hiện nay, đối với người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tập trung tại cơ sở cai nghiện ma túy thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí ăn, ở, sinh hoạt; trong khi cai nghiện tại cộng đồng không được hỗ trợ (trừ đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ một phần tiền ăn, thuốc trong thời gian cắt cơn). Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí, chế độ, chính sách cho công tác cai nghiện tại cộng đồng còn hạn chế; không có địa điểm cai nghiện tập trung tại địa phương nên hầu như việc cai nghiện đều được tổ chức tại trung tâm y tế, nhà văn hóa các xã…
Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng gắn trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy cùng với chính quyền địa phương chung tay thực hiện. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng để công tác cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả, thời gian tới, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong công tác cai nghiện, giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện. Nhân rộng các mô hình câu lạc bộ sau cai nghiện, tư vấn, tạo việc làm cho người nghiện… tạo môi trường lành mạnh cho người nghiện tránh xa các đối tượng xấu, góp phần chống tái nghiện ma túy để hòa nhập trở lại với cộng đồng.