Khó khăn chống tái nghiện ma túy

Không dưới 10 lần cắt nghiện được về nhà rồi lại phải quay lại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, anh T.A.T. ở phường Phả Lại (Chí Linh) không còn nhớ mỗi lần mình phải mất bao nhiêu thời gian để cai nghiện.

Các bác sĩ của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh phải mất nhiều thời gian và công sức hơn để điều trị cho những người tái nghiện ma túy nhiều lần

Các bác sĩ của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh phải mất nhiều thời gian và công sức hơn để điều trị cho những người tái nghiện ma túy nhiều lần

Hành trình đến với ma túy của anh T. dễ dàng bao nhiêu thì quãng thời gian cai nghiện và chống tái nghiện của anh gian nan bấy nhiêu.

“Lần đầu tiên chỉ mất khoảng 6 tháng tôi cắt được cơn, không còn thèm thuốc, sinh hoạt, lao động bình thường và sau đó được trở về nhà. Nhưng rồi chán cảnh gia đình, bạn bè xúi giục tôi lại tìm đến ma túy. Lần thứ hai tôi thấy khó cai nghiện hơn lần đầu rất nhiều. Thời gian cắt cơn kéo dài và tần suất thèm thuốc dày hơn", anh T. chia sẻ.

Theo bác sĩ Trịnh Thị Thuyên, cán bộ Phòng Y tế phục hồi sức khỏe (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh), khi dùng ma túy cơ thể người nghiện sẽ không thể tiết ra được morphin nội sinh làm giảm căng thẳng cho cơ thể. Do vậy khi mất hormon này, cơ thể luôn đòi hỏi phải có chất để thay thế dẫn đến sự lệ thuộc vào ma túy.

“Đối với những người tái nghiện ma túy nhiều lần thì việc cắt cơn không đơn giản. Các y bác sĩ phải khéo léo để người nghiện tuân thủ quy trình cắt cơn, giải độc. Những người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá dễ bị tổn thương thần kinh, mất kiểm soát hành vi nên trong quá trình điều trị, chúng tôi phải rất cẩn trọng vì hành động của họ nhiều khi rất nguy hiểm”, bác sĩ Thuyên cho biết.

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo một số bác sĩ ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, có khoảng 70-80% số học viên tái nghiện. Một trong những nguyên nhân khiến không ít học viên tái nghiện do ảnh hưởng cộng đồng. Ở đây nhiều người nghiện ma túy có ý chí quyết tâm rất cao, cai nghiện nghiêm túc để sớm đoàn tụ với gia đình nhưng trở về nhiều khi lại không có "hậu". Khi về nhà, họ gặp phải không ít sự kỳ thị, bị xa lánh, thậm chí đến cả người thân ruột thịt cũng không muốn gần gũi.

“Cai nghiện thành công tôi trở về nhà sống day dứt dưới ánh mắt dò xét của mọi người xung quanh. Họ xa lánh, khinh thường, thậm chí coi tôi như tội phạm. Bị kỳ thị, cô đơn, thiếu sự sẻ chia nên tôi đã rơi vào bẫy của ma túy lần nữa", anh V.H.H. ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) cho biết.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh chưa có những chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ người sau cai nghiện. Gần như các địa phương chỉ quản lý nhân khẩu mà chưa quan tâm đến đời sống của họ. Nhiều người nghiện sau khi trở về có nghề trong tay, quyết tâm làm lại cuộc đời nhưng họ gặp phải trở ngại từ sự kỳ thị của cộng đồng. Họ cũng khó có cơ hội tìm được việc làm tốt bởi nhiều nơi chủ sử dụng lao động còn e dè trong tuyển dụng người sau cai nghiện.

Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh trăn trở, trong quá trình cai nghiện, ngoài được quan tâm hỗ trợ bổ sung các kiến thức phòng chống tái nghiện, những người nghiện còn được học nghề. Có nghề trong tay nhưng khi trở về cuộc sống đời thường họ lại dần đánh mất sự quyết tâm và những kiến thức đã học. Vì thế, sau khi học viên trở về với gia đình, cán bộ của cơ sở vẫn thường xuyên gọi điện hỏi han tình hình, hướng dẫn, động viên họ vượt qua khó khăn trong quá trình hòa nhập.

“Chúng tôi mong thời gian tới, tỉnh có nhiều chính sách, chương trình hoặc đề án tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Có việc làm, được sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ giúp họ bớt tự ti, mặc cảm, tìm thấy niềm tin trong cuộc sống, rời xa sự cám dỗ của ma túy để làm lại cuộc đời", ông Phương nói.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/kho-khan-chong-tai-nghien-ma-tuy-206522