Khó khăn do giá vật liệu xây dựng 'leo thang'
Giá vật liệu xây dựng
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng bởi giá vật liệu tăng cao, hầu hết các công trình phải thi công cầm chừng, nhiều người dân phải chấp nhận dừng xây nhà chờ “bão giá” vật liệu qua đi.
Anh Nguyễn Thành Nam, chủ đại lý kinh doanh sắt, thép ở đường Giải Phóng (thành phố Nam Định) cho biết, từ đầu năm 2021 do ảnh hưởng giá phôi thép thế giới biến động dẫn tới giá cả sắt, thép tăng nhanh. Đầu tháng 6, giá thép phi 6-8mm gần 15 nghìn đồng/kg; giá thép phi 10mm trên 100 nghìn đồng một cây dài hơn 11 mét; giá thép phi 32mm tăng lên trên 1 triệu đồng một cây dài khoảng hơn 11 mét. Có thời điểm, giá thép xây dựng của một khách hàng qua đêm đã tăng cả chục triệu đồng... Các vật liệu xây dựng khác cũng đều tăng giá nhanh 30-50% so với cuối năm 2020. Cuối tháng 4, các đại lý xi măng Bỉm Sơn cũng báo giá tăng chính thức 30 nghìn đồng/tấn; một số loại xi măng khác cũng tăng mức tương ứng. Giá cát tăng từ 20-30 nghìn đồng/khối trong tháng 4. Còn gạch ốp các loại tăng 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng lên gần 4.000 đồng/viên. Giá vật liệu xây dựng bị đội lên so với đầu năm khiến các cửa hàng phải liên tục cập nhật để báo cho khách hàng. Tuy nhiên, do giá vật liệu xây dựng tăng cao nên các công trình xây dựng đều vượt dự toán, nhiều chủ công trình đành phải dừng, các cửa hàng cũng làm ăn ế ẩm. “Từ đầu tháng 6 đến nay, cửa hàng tôi không có thêm một khách hàng mới, 2 lao động của cửa hàng phải nghỉ làm vì không có việc” - Anh Nam cho biết thêm.
Giá vật liệu xây dựng “phi mã” dẫn đến giá xây dựng cũng tăng trong đợt này. Năm trước, giá xây dựng thô của các công trình trong tỉnh khoảng 3-3,5 triệu đồng/m2, nhưng năm nay đã tăng thêm 500 nghìn đồng/m2. Các công trình xây dựng đều vượt dự toán ban đầu tới 30-40%. Đầu năm 2021, anh Trần Văn Quân ở đường Nguyễn Trãi dự trù gần 1 tỷ đồng xây căn nhà 3 tầng. Tuy nhiên, mới xây dựng được 3 tháng anh đã phải dừng việc thi công lại. “Không thể chịu nổi giá vật liệu tăng như thế này. Số tiền dự toán để xây dựng đã hết, trong khi khối lượng công trình mới chỉ đạt 60-70%. Tôi bây giờ rất lo bởi xây tiếp thì không có tiền, dừng để lại thì không biết bao giờ mới xong. Dự định vay lãi ngân hàng thương mại để tiếp tục xây dựng nhưng không ổn nên tôi chấp nhận dừng việc xây dựng lại và đền bù tiền công cho nhóm thợ xây” - Anh Quân chán nản cho biết. Không chỉ người dân, mà nhiều người xây nhà kinh doanh để bán cho người dân dù có nhiều kinh nghiệm cũng gặp khó khi giá vật liệu xây dựng tăng cao. Anh Phạm Văn Hoàn ở đường Trần Nhật Duật (thành phố Nam Định) nhiều năm nay sống bởi nghề xây dựng nhà kinh doanh. Cứ xây dựng xong nhà nào, gia đình anh lại dọn đến ở một thời gian, sau đó bán cho khách hàng với mác “nhà do người dân tự xây”. Sau 10 năm làm nghề xây dựng nhà kinh doanh, đầu năm 2020 khi giá nhà đất tăng cao, anh Hoàn mua mảnh đất đẹp ở Khu đô thị Thống Nhất giá hơn 1 tỷ đồng, dồn hết vốn liếng 1,5 tỷ đồng để xây ngôi nhà hiện đại. Tất cả vật liệu xây dựng đều được tính toán chi tiết, đảm bảo người mua nhà ưng ý “xuống tay”. Nhưng không ngờ, giá vật liệu tăng đột biến khiến anh Hoàn dù nhanh tay ôm vật liệu xây dựng nhưng vẫn thiếu hụt không nhỏ. Ngôi nhà sau khi hoàn thiện đã lên tới gần 2,7 tỷ đồng. Anh Hoàn cho biết: “Thời điểm này khi nhà đất đang xuống giá, ngôi nhà cũng bán không nổi 2,7 tỷ đồng. Vậy là vất vả 6 tháng không có được đồng tiền công. Càng để lâu, nhà càng khó bán, tôi cũng không có vốn xoay vòng nên đang ra sức tìm khách mua”. Không trở tay kịp khi giá vật liệu xây dựng phi mã còn có nhiều chủ thầu xây dựng, trong đó có trường hợp anh Phạm Văn Chính ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Từ cuối năm 2020, anh Chính ký kết hợp đồng với chủ doanh nghiệp may ở huyện Nam Trực xây dựng khu nhà xưởng 400m2 trị giá gần 10 tỷ đồng. Thông thường, khi làm hợp đồng, các nhà thầu và chủ đầu tư đều thỏa thuận về việc giá cả vật tư. Giá vật tư khi ký hợp đồng là giá hiện tại của thị trường, khi giá thị trường vật tư thay đổi, các nhà thầu đều yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm một phần chi phí. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm lại muốn lãi lớn, anh Chính nhận bao trọn công trình từ vật liệu, nhân công, khi xong sẽ “chìa khóa trao tay” cho doanh nghiệp. Khi giá vật liệu tăng cao, anh Chính đàm phán với các chủ đại lý, dự tính mua dự trữ nguyên liệu. Tuy nhiên, trước bất ổn về giá cả, các chủ đại lý cũng không dám mạo hiểm, yêu cầu anh Chính phải thanh toán mới nhận được vật liệu. Không thể tìm đâu ra kinh phí, anh Chính phải đặt nhà đang ở để vay tiền mua vật liệu. Theo tính toán, nếu không nhanh tay mua vật liệu, anh Chính sẽ lỗ tới 1 tỷ đồng bởi giá vật liệu tăng cao bất ngờ. Anh Chính còn may mắn hơn một số nhà thầu đang bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu. Cũng không ít chủ thầu tìm cách kìm hãm tiến độ thi công, giảm vật liệu xây dựng để bù chi phí. Nhưng giải pháp này cơ bản không ổn vì chi phí nuôi nhân công kéo dài cũng không hề đơn giản. Ngoài ra các chủ đầu tư đều sẽ kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm chất lượng công trình, phòng ngừa các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Dự báo giá vật liệu xây dựng có thể tiếp tục tăng nhất là khi dịch COVID-19 vẫn còn có diễn biến phức tạp. Do vậy, trước khi làm nhà, các gia đình nên tính toán hợp lý để giảm chi phí. Cần tranh thủ những người có kinh nghiệm xây dựng để tính toán lấy số lượng vật liệu xây dựng vừa đủ, tránh lấy thành nhiều đợt; lựa chọn những đại lý lớn, gần nhà để giảm bớt chi phí vận chuyển. Cùng với thực hiện các biện pháp giá cả thị trường vật liệu xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả sản phẩm cung ứng của các doanh nghiệp, tránh hiện tượng đầu cơ hàng hóa, nâng giá, làm bất ổn thị trường vật liệu xây dựng.
Bài và ảnh: Đức Thiện