Khó khăn khi triển khai bản điện tử hộ tịch
Việc triển khai đăng ký bản điện tử hộ tịch theo quy định trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn khi trang thiết bị cơ sở không đáp ứng nhu cầu; cán bộ công chức tư pháp-hộ tịch phần lớn cao tuổi, không am hiểu công nghệ thông tin...
Công chức tư pháp-hộ tịch hơn 50 tuổi loay hoay tìm hiểu phần mềm, trang thiết bị cơ sở không đáp ứng nhu cầu… Đây là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương khi triển khai đăng ký bản điện tử hộ tịch.
Theo Thông tư 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, từ ngày 18.2, người dân có thể sử dụng bản điện tử của giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn để làm thủ tục hành chính thay vì dùng bản giấy. Thông tư này nêu rõ người dân không phải xuất trình giấy tờ hộ tịch bản giấy để đối chiếu.
Thực tiễn cho thấy việc sử dụng bản điện tử hộ tịch là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hộ tịch. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử hộ tịch có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật qua mã QR. Tầm quan trọng của việc thúc đẩy đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử cũng được thấy rõ khi nhiều người không thể đến cơ quan đăng ký hộ tịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu được triển khai đồng bộ, việc sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch giúp tăng cường quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch trong thực tế còn nhiều vướng mắc.
Thực tế ở một số địa phương hiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. “Máy tính và đường truyền mạng tương đối chậm, chưa thao tác nhanh để kịp thời phục vụ nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân. Nhiều công dân làm thủ tục phải chờ lâu vì máy móc gặp trục trặc”, bà Nguyễn Thị Ca, công chức tư pháp-hộ tịch xã Minh Tân (Nam Sách) cho biết. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn của nhiều cán bộ tư pháp cơ sở còn hạn chế. Hơn 18 năm làm công tác tư pháp, bà Ca nay lại loay hoay làm quen với những phần mềm hiện đại. Nhiều lúc phần mềm lỗi, bà Ca chỉ có thể chờ đợi, việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký hộ tịch của người dân cũng chậm trễ theo. Đây là thực trạng chung đang tồn tại ở nhiều địa phương.
Một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai bản điện tử hộ tịch gặp nhiều khó khăn là tâm lý e ngại của người dân. "Biết thông tin từ ngày 18.2 có thể sử dụng bản điện tử hộ tịch, tôi hào hứng tìm hiểu quy trình nhưng lại thấy có nhiều bước và quen tư duy cầm giấy trắng mực đen mới yên tâm nên tôi không mấy mặn mà với bản điện tử của giấy tờ hộ tịch", ông Phạm Duy Thế ở thôn Long Tràng, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cho biết.
Mặt khác, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được vận hành thống nhất nên hiện nay việc cấp và sử dụng bản điện tử gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ta vẫn chưa hoàn thành việc số hóa với các sổ hộ tịch đã đăng ký. Trao đổi về việc triển khai sử dụng bản điện tử hộ tịch, ông Bùi Đinh Doãn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cẩm Giàng cho rằng: “Sử dụng bản điện tử của giấy tờ hộ tịch là xu hướng tất yếu nhưng cần một lộ trình cụ thể, sát thực tiễn. Trong đó, cần trang bị máy móc, đường truyền mạng tốt để cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương thực hiện. Đội ngũ cán bộ tư pháp cần được tập huấn kỹ năng chuyên môn và hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai. Đặc biệt, cần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về bản điện tử của giấy tờ hộ tịch”.
Để khắc phục những vướng mắc nêu trên và triển khai đăng ký, sử dụng bản điện tử giấy tờ hộ tịch, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh số hóa các sổ hộ tịch đã được đăng ký, lưu trữ tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; bố trí kinh phí, bảo đảm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến phù hợp mức độ triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.
Ngày 9.3, Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến nội dung Thông tư số 01/2022/TT-BTP; yêu cầu cán bộ làm công tác hộ tịch cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin hộ tịch đã được đăng ký vào phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử theo hướng dẫn.
Hiện cấp huyện và cấp xã có 1 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là thủ tục cấp trích lục sao hộ tịch, bản sao giấy khai sinh. Sở Tư pháp sẽ phối hợp triển khai tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh. Trường hợp chưa đủ điều kiện để triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến thì việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch được thực hiện theo quy định pháp luật hộ tịch hiện hành.