Khó khăn khi vận động học sinh đến trường
Việc đến trường của các em học sinh dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Giáo viên phải đến từng gia đình vận động, lên rẫy tìm học sinh đưa đến trường nhằm bảo đảm sĩ số và duy trì tốt việc dạy và học.
Bằng mọi cách vận động học sinh đến trường
Trường tiểu học Đăk Tờ Kan - xã Đăk Tờ Kan - huyện Tu Mơ Rông - Kon Tum có 550 học sinh, ở 5 khối lớp, gồm 4 điểm trường lẻ. Trường chỉ có 3 học sinh người Kinh, gần 100% là học sinh dân tộc thiểu số Xơ - Đăng.
Năm học 2021-2022, cô Lê Thị Thao - giáo viên trường Tiểu học Đăk Tờ Kan dạy và chủ nhiệm lớp 1A, với 27 học sinh. Duy Hà là học sinh mà cô nhớ nhất bởi không ít lần cô phải đến tận nhà vận động em tới trường.
Bố Hà mất sớm, mẹ đi bước nữa tìm hạnh phúc mới. Hà ở nhà cùng ông bà lớn tuổi, ít quan tâm tới việc học của cháu. Hà luôn cảm thấy mặc cảm vì không có bố mẹ, mỗi khi ai nhắc về gia đình, em lại cúi mặt xuống bàn và khóc. Không có ai đưa đón đến trường, bữa ăn Hà cũng phải tự lo. Từ hoàn cảnh gia đình như vậy mà Hà không thường xuyên đến lớp học.
Khoảng thời gian đầu năm học, em phải ở nhà phụ giúp gia đình, theo cậu kiếm miếng ăn. Cô Thao đã đến gia đình vận động em đi học. Tuy nhiên ông bà không hiểu tiếng phổ thông nên việc thuyết phục gặp rất nhiều khó khăn. Là cô giáo từ thị trấn xuống xã Đăk Tờ Can công tác, cô cũng không rành tiếng địa phương. Năm bảy lần xuống thuyết phục gia đình, cô giáo phải nhờ các thầy cô biết tiếng dân tộc để trao đổi với ông bà.
Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh, cô Thao nắm được tâm lý và mong muốn của Duy Hà. Cô chủ động lấy cặp sách của con em mình, xin thêm của mọi người xung quanh để cho học sinh có động lực đến trường, đến lớp. Những món quà nhỏ của cô đã giúp Hà có niềm tin đến lớp đều đặn, tiếp thu kiến thức. Đến nay em đã đi học vui vẻ cùng các bạn, là một học sinh chăm ngoan, học tốt và không còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nữa.
Ngoài thời gian dạy trên lớp, cô Thao luôn dành thời gian đi vận động các em nghỉ học tới trường. Do các gia đình đi làm nương rẫy chiều tối muộn mới về nên cô tranh thủ đến nhà học sinh lúc sáng hoặc tối muộn. Dù cô Thao còn có con nhỏ nhưng những hôm đi vận động về nhà rất muộn, cô đành ở lại điểm trường và hôm sau tiếp tục lên lớp. Dù có khó khăn nhưng cô vẫn vui vẻ chia sẻ:" Là người giáo viên, mong muốn lớp học có đầy đủ học sinh, mang kiến thức truyền tải tới các em, tôi đã tuyên truyền vận động, làm mọi hoạt động để đảm bảo học sinh đến trường, đến lớp. Những món quà nhỏ như cặp sách, quần áo cũ có được, tôi trao tặng như phần quà khích lệ các em chăm chỉ tới lớp hơn".
Nhiều gia đình đi làm rẫy lâu ngày, thầy cô giáo phải lên tận rẫy, hỏi thăm chỗ phụ huynh làm việc để vận động học sinh. Đặc biệt địa hình đồi núi cao, thầy cô phải đi bộ, leo dốc để tiếp cận phụ huynh vận động học trò đi học lại.
Điều kiện hạn chế, học sinh ít được đến trường
Đăk Tờ Kan là một xã nghèo, khó khăn của huyện Tu Mơ Rôngcó đông đồng bào dân tộc Xơ - Đăng sinh sống. Trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào tiềm thức vẫn chưa thay đổi nhiều, điều kiện kinh tế khó khăn. Cha mẹ chưa quan tâm việc học của con cái; trẻ em thường nghỉ học để đi rừng và làm rẫy cùng cha mẹ.
Thầy Lê Anh Sơn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăk Tờ Kan cho biết, công việc dạy học ở trường khó khăn là duy trì sĩ số. Nhiều em học sinh được thầy cô vận động đi học được vài hôm lại nghỉ học, thầy cô lại tiếp tục đi vận động các em đi học lại. Đặc biệt vào mùa nương rẫy, các em theo cha mẹ để có cái ăn và phụ giúp làm việc có khi 1-2 ngày, có khi cả tháng mới về. Giáo viên không quản ngại nhưng cha mẹ các em chưa hợp tác để động viên con cái đi học đầy đủ. "Thầy cô vận động, gặp nhiều phụ huynh không tin tưởng, chưa nhận thức được vai trò của việc học, nhiều gia đình còn ỷ lại việc học cho thầy cho cô. Nhiều gia đình được vận động cũng đồng tình nhưng cuộc sống còn mưu sinh lo kiếm ăn nên nghe xong họ lại bỏ đó"- thầy Sơn chia sẻ.
Thầy Sơn cho biết, Ban giám hiệu phân công các giáo viên đến từng bản, gặp từng hộ có con em theo học động viên trở lại lớp. Nhiều trường hợp đặc biệt, thầy cô phải vận động mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, sau thời gian nghỉ học, kiến thức cũng bị "rơi rụng" nhiều cho nên việc dạy học gặp nhiều khó khăn.
Điều kiện kinh tế là một yếu tố quan trọng quyết định việc đến trường của các em. Các gia đình có điều kiện, các em học sinh được đi học rất đầy đủ, gia đình quan tâm tới việc học. Các em có đầy đủ đồ dùng phục vụ việc học. Ngược lại, nhiều gia đình đông con, kinh tế khó khăn thì cái ăn, cái mặc là vấn đề được phụ huynh quan tâm hơn việc cắp sách tới trường của con trẻ.