Khó khăn lớn nhất là phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng

Ngày 24.6.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đến nay, số dư nợ cho vay các chính sách theo Chương trình đạt 1.996 tỷ đồng, với hơn 40.000 khách hàng còn dư nợ - số này nằm trong 9.000 tỷ đồng được phân bổ cho năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để triển khai giải ngân Chương trình này đó là phê duyệt các danh sách thuộc đối tượng được hưởng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khi trả lời chất vấn về kết quả thực hiện Nghị định 28 tại phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp đầu giờ chiều nay, 6.11.

Số dư nợ cho vay theo Nghị định 28 đạt 1.996 tỷ đồng

Ngày 24.6.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nêu vấn đề này, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, kết quả thực hiện trong thời gian qua cũng như những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trả lời chất vấn nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã giao Ngân hàng nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan để ban hành Nghị định 28 trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội.

Sau khi Nghị định 28 được ban hành, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế đã tiến hành ban hành các thông tư hướng dẫn và trong quá trình ban hành và thực hiện cũng đã ban hành các thông tư để sửa đổi. Để giải ngân, Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp; đến nay số dư nợ cho vay các chính sách theo Chương trình đạt 1.996 tỷ đồng, với hơn 40.000 khách hàng còn dư nợ, tức là số này nằm trong 9.000 tỷ đồng được phân bổ cho năm 2023, Thống đốc cho biết.

Tuy nhiên, qua đánh giá, khó khăn lớn nhất để triển khai giải ngân Chương trình này đó là phê duyệt các danh sách thuộc đối tượng được hưởng. Chỉ rõ vấn đề này, Thống đốc bày tỏ mong muốn, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm để có thể ban hành danh sách các đối tượng được hưởng. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện giải ngân. Hiện tại, Chính phủ cũng đang giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để tham mưu, đề xuất sửa đổi Chương trình này trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp và người dân cũng như kiến nghị của các địa phương.

Cần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng

Hạ tầng giao thông được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Một trong các nguyên nhân là do việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn. Do đó đề nghị, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trả lời chất vấn nội dung này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhu cầu vốn cho những dự án về cơ sở hạ tầng giao thông thường là vốn lớn và với kỳ hạn dài. Trong khi đó, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn thì việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn sẽ bị ràng buộc bởi tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. “Vừa qua, từ kinh nghiệm sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng của Mỹ cũng cho thấy, nếu huy động nguồn vốn bằng nguồn vốn ngắn hạn nhưng cho vay trung, dài hạn vượt qua các giới hạn thì có thể sẽ gây đến những rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng” - Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh

Trên thực tế, tính đến ngày 30.9 thì có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, với tổng dư nợ cấp tín dụng là 92.319 tỷ đồng, chiếm 0,72 % tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước, đáng chú ý là nợ xấu chiến 3,83%, trong đó nợ nhóm 2 chiếm 26,52 %, sát với nhóm nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc.

Do đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, với tính chất của nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thì chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả trong nước và nước ngoài mới có thể đáp ứng được cái yêu cầu. Vốn tín dụng ngân hàng cũng sẽ thực hiện song cần phải bảo đảm toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Không áp dụng thì tín dụng sẽ tăng rất mạnh

Cho biết, Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội: Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV có nêu "nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng", ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết lộ trình thực hiện thực tế như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành về tăng trưởng tín dụng là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các công cụ chính sách khác. Trên thực tế, chỉ tiêu này được điều hành bám sát theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 62 và các chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể tăng trưởng tín dụng hàng năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng đầu năm nhưng phân bổ dựa trên cơ sở căn bản nhất là xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52. Thông tư này chỉ rất rõ các tiêu chí về định lượng, định tính để phản ánh được các tổ chức tín dụng có hoạt động lành mạnh và có khả năng mở rộng tín dụng. Khi Nghị quyết 62 của Quốc hội yêu cầu nghiên cứu về cách thức điều hành tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức tọa đàm họp với chuyên gia và có các ĐBQH quan tâm và thống nhất thời điểm này chưa thể bỏ điều hành tăng trưởng. Bởi, hiện nay nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Nếu bỏ chỉ tiêu này có thể sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao và cảnh báo của các tổ chức quốc tế. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện điều hành này và đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung, dài hạn của doanh nghiệp khả năng bỏ chỉ tiêu này sẽ khả thi hơn.

Tranh luận tại Phiên chất vấn, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc duy trì room tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không? Nếu bỏ, lúc nào bỏ được room tín dụng này?

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua đã tiến hành phân tích, đánh giá, tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia, ĐBQH và tổ chức hội nghị của các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Qua phân tích, đánh giá, các đại biểu đều thống nhất rằng, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đó là vốn phụ thuộc vào vốn tín dụng của ngân hàng rất là nhiều và tỉ lệ dư nợ tín dụng trên GDP (hiện nay là trên 120 % GDP) đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Do đó, nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, không áp dụng nữa thì tín dụng sẽ tăng rất mạnh. Trong những giai đoạn trước đây tín dụng tăng mỗi năm là 30 %/năm và cá biệt, năm 2007 là tăng đến 53,8%... Điều này có thể gây ra rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Để tránh trường hợp tùy ý trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hàng năm có chỉ tiêu định hướng trên cơ sở có các nguyên tắc chung chứ không tùy ý cho từng tổ chức tín dụng. Nguyên tắc chung ở đây là xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng có những tiêu chí rõ ràng. Bên cạnh đó, còn một tiêu chí như cân nhắc xem xem tổ chức tín dụng nào mà có mặt bằng lãi suất giảm hoặc tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu… để có điểm cộng và những điểm trừ.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/kho-khan-lon-nhat-la-phe-duyet-danh-sach-doi-tuong-thu-huong-i349108/