Khó khăn ở trung tâm học tập cộng đồng

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) góp phần tích cực trong tạo cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người dân ở cộng đồng. Tuy nhiên, trung tâm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Học viên lớp đào tạo nghề đan lát thủ công ở xã Phú Sơn (Quan Hóa) chụp ảnh lưu niệm.

Học viên lớp đào tạo nghề đan lát thủ công ở xã Phú Sơn (Quan Hóa) chụp ảnh lưu niệm.

TTHTCĐ với "3 không"

Không máy tính, không máy chiếu, không phòng làm việc riêng, đấy là thực tế ở TTHTCĐ xã Phú Sơn (Quan Hóa). Mỗi khi tổ chức lớp học hoặc những buổi tập huấn tại trung tâm, giáo viên chỉ có thể truyền bài giảng cho các học viên qua chiếc micro. Chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc TTHTCĐ xã Phú Sơn, ông Lương Văn Ngự: “Bây giờ hoạt động của trung tâm khó hơn. Về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cấp từ năm 2008, không còn sử dụng được. Tài liệu tập huấn tuyên truyền cũng còn hạn chế”.

Không chỉ TTHTCĐ xã Phú Sơn mà các TTHTCĐ còn lại ở huyện Quan Hóa đều rơi vào tình trạng thuận ít, khó nhiều. Huyện Quan Hóa có 15 TTHTCĐ. Các trung tâm này đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân; khảo sát nhu cầu học tập của người dân; phối hợp với các tổ chức triển khai các chương trình khuyến lâm, khuyến nông, các dự án, chương trình tại địa phương... Vấn đề đặt ra, theo như chia sẻ của ông Lê Đức Hiếu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quan Hóa thì hầu hết các TTHTCĐ tại các xã, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Ông nói: “Các trung tâm thiếu cơ sở vật chất và các thiết bị cần thiết để đáp ứng yêu cầu hoạt động tối thiểu của trung tâm, như nơi làm việc, bàn làm việc, tủ đựng tài liệu, máy tính. Trong khi đó kinh phí hoạt động của trung tâm chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ; kinh phí hỗ trợ từ các nguồn khác không có”.

Tương tự, ở huyện Vĩnh Lộc có 13 TTHTCĐ nhưng hầu hết các trung tâm này chưa có trụ sở riêng, phần lớn được bố trí tại một phòng của UBND xã. Bên cạnh đó, thiếu thốn về trang thiết bị, ban giám đốc lại là những người kiêm nhiệm nên hạn chế về công tác quản lý, điều hành... Những khó khăn này đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ.

Ngay tại TTHTCĐ thị trấn Vĩnh Lộc, chiếc máy tính của hơn 10 năm về trước không thể tiếp tục sử dụng, phải mượn chiếc máy của UBND thị trấn để làm việc. Vì không có trụ sở riêng nên cán bộ TTHTCĐ phải ngồi chung phòng làm việc với công chức văn hóa. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lộc, cho biết: “Cơ sở vật chất thiếu, ban giám đốc lại là những người kiêm nhiệm do đó còn hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ giáo dục để quản lý, điều hành trung tâm".

Không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nên hoạt động của các TTHTCĐ chưa có cơ chế đầu tư chính thống, không chủ động được việc xây dựng cơ sở vật chất hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị. Trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp cho các hoạt động còn hạn chế, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng của TTHTCĐ.

Tiếp tục tăng cường xã hội hóa, khai thác các nguồn lực trong cộng đồng

Hình thành và phát triển từ năm 2000 đến nay, TTHTCĐ được đánh giá là mô hình giáo dục duy nhất hiện nay ở cộng đồng. Theo đó, TTHTCĐ có hiệu quả trong thực hiện mục tiêu “Giáo dục cho mọi người” và xây dựng “Xã hội học tập”.

Do không có trụ sở riêng nên cán bộ TTHTCĐ thị trấn Vĩnh Lộc làm việc chung phòng với công chức văn hóa.

Do không có trụ sở riêng nên cán bộ TTHTCĐ thị trấn Vĩnh Lộc làm việc chung phòng với công chức văn hóa.

Tại Thanh Hóa, công tác xây dựng và củng cố TTHTCĐ được thực hiện ở tất cả 559/559 xã, phường, thị trấn. Qua thực tế, khẳng định TTHTCĐ là công cụ thiết yếu giúp bộ phận người dân lớn tuổi ngoài nhà trường có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời để nâng cao trình độ mọi mặt, nâng cao dân trí, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo...

Tuy nhiên, các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa thực sự thường xuyên, nội dung hoạt động chưa thật sự toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, ngành nghề của từng địa phương. Tổ chức việc dạy nghề, khuyến công chưa thật sự phong phú, chất lượng và hiệu quả một số lớp học chưa cao. Một số nguyên nhân, đó là do cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục thường xuyên còn hạn chế, đa số các trung tâm còn thiếu phòng làm việc, nhiều TTHTCĐ phải sử dụng phòng làm việc của phó chủ tịch UBND kiêm nhiệm giám đốc làm trụ sở hoạt động. Trong khi đó, cán bộ các TTHTCĐ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, dựa vào kinh nghiệm, chưa có sự bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác hoạt động của TTHTCĐ. Do hạn chế về đội ngũ và cơ sở vật chất, các TTHTCĐ khó cạnh tranh với các đơn vị khác trong việc tổ chức các lớp nghề, lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Về kinh phí hoạt động, hiện tại mỗi trung tâm được cấp từ 20 đến 30 triệu đồng để chi phụ cấp và mua sắm trang thiết bị. Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn hướng dẫn các phòng GD&ĐT chỉ đạo các TTHTCĐ huy động nguồn kinh phí từ các dự án khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các dự án, chương trình tại địa phương được tổ chức lồng ghép các hoạt động của trung tâm... Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: “Trong năm học 2023-2024, các TTHTCĐ tiếp tục tăng cường xã hội hóa, khai thác các nguồn lực trong cộng đồng, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các nhà hảo tâm. Đồng thời, tiếp tục tham mưu để có chỉ đạo cụ thể trong việc cấp kinh phí bảo đảm cho hoạt động của các TTHTCĐ. Tiếp tục tham mưu để tăng cường cơ sở vật chất trang, thiết bị cho các TTHTCĐ, nhất là các trung tâm hoạt động có hiệu quả”.

Năm học 2022-2023: Các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh đã mở được 9.620 lớp với số người học là 5.821.959. Có 417 TTHTCĐ xếp loại tốt, 124 TTHTCĐ xếp loại khá, 18 TTHTCĐ xếp loại trung bình. Không có trung tâm nào chưa xếp loại hoặc xếp loại chưa đạt.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/kho-khan-o-trung-tam-hoc-tap-cong-dong/28991.htm