Khó khăn tôi luyện ý chí của những chiến sĩ mặc áo blouse
Đồng hành cùng sự đi lên và phát triển của đất nước, vai trò của ngành Y tế ngày càng trở nên quan trọng. Sau đại dịch COVID-19, dù trải qua nhiều biến động, ngành Y tế với quyết tâm cao nhất vẫn luôn cố gắng, nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phấn đấu của ngành.
Nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đặc biệt
Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Trước mục tiêu đó, ngành Y tế và các địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phấn đấu của ngành. Là một trong những địa phương luôn đứng đầu cả nước về y tế cơ sở, y tế dự phòng, những năm qua, ngành Y tế Thủ đô không ngừng kiện toàn và nỗ lực xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho Nhân dân trên địa bàn cũng như người dân trên cả nước.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2023, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều giảm 0,1% so với năm 2022. Chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân đạt 36,44 giường bệnh/vạn dân (gồm 40,2% số giường bệnh của bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn Hà Nội); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 16,6 bác sĩ/vạn dân (gồm 40,2% số bác sĩ của bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn thành phố). Đối với chỉ tiêu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, Hà Nội hiện đã xét được 488/579 (84,2%) xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Cũng trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song ngành Y tế Thủ đô cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Về công tác khám, chữa bệnh, 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn ngành đạt trên 8.2 triệu lượt, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Các bệnh viện đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến, rà soát, bổ sung danh mục kỹ thuật chuyên môn để triển khai thêm dịch vụ kỹ thuật, phục vụ cho nhu cầu người bệnh. 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai hệ thống khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử (VSSID), lắp đặt các thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được bảo đảm; công tác y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, việc thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 98 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện) trong phòng, chống HIV/AIDS, công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, tổ chức cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin… được triển khai toàn diện ngay từ đầu năm 2023.
Đối với ngành Y tế TP HCM, ngay sau khi kiểm soát ổn định dịch COVID-19, thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới, từ y tế dự phòng đến y tế điều trị, từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu, quản lý nhà nước. Trong đó, ghi nhận thành công của ngành Y tế trong nỗ lực chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng kéo dài nhiều năm tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM và Nhi đồng 1.
Lần đầu tiên trên cả nước, người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) được tiếp cận dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trước đó, cách đây 1 năm, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng AI trong chụp X-quang ngực. 2023 cũng là năm đầu tiên TP HCM triển khai khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, bước đầu nhận dạng mô hình sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn. Ngành Y tế hợp tác quốc tế nâng cao năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, ra mắt ngân hàng huyết thanh phục vụ phòng, chống dịch, xác định 7 nhóm giải pháp hướng đến phát triển y tế chuyên sâu của ngành Y tế TP HCM.
Sở Y tế TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác và phát triển với sở y tế của 18 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ nhằm đẩy mạnh sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực chuyên môn giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của TP HCM với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế.
Cũng trong năm nay, lãnh đạo thành phố ban hành chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Chuyển đổi cổng dịch vụ công của ngành Y tế vào hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, triển khai liên thông dữ liệu hành nghề dược vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố.
Tại các địa phương khác trên cả nước, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã hết sức cố gắng, nỗ lực vượt khó để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt và tiếp nối các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước. Đồng thời, dù “bài toán” thiếu hụt nhân lực, thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn nhưng ngành Y tế nói chung và y tế địa phương nói riêng vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.
Vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn
Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ, đạt được không ít kết quả trong thời gian qua, ngành Y tế vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, công tác khám và điều trị vẫn là một thách thức lớn đối với ngành Y tế khi phải đối mặt với tình trạng vật tư, sinh phẩm, thuốc men bị thiếu hụt, trong khi số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị gia tăng. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Bộ Y tế cũng đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện; thế nhưng do chậm trễ trong khâu đấu thầu nên nhiều bệnh viện tái diễn tình cảnh thiếu hụt vật tư y tế, thuốc… Điều này ảnh hưởng rất lớn trong công tác khám, điều trị khiến người bệnh bị thiệt thòi.
Nhân lực y tế, năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, hệ thống y tế công lập, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế địa phương chưa đồng đều. Đơn cử như tại hệ thống y tế của Hà Nội, vẫn còn tình trạng thiếu các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa có chất lượng cao đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế công của thành phố, đặc biệt là tuyến huyện, xã còn thiếu và xuống cấp. Ngoài ra, sự mất cân đối đáng kể về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng, giữa các chuyên khoa là vấn đề còn tồn tại.
Ở một số địa phương, một số khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn tỉ lệ tiêm chủng cũng chưa bảo đảm theo quy định. Trong đó, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đang diễn ra. Những năm qua, việc cung cấp vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm trách. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do thay đổi về cơ chế mua vaccine sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số nên việc cung ứng vaccine bị gián đoạn. Việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng đang tiềm ẩn nhiều mối lo cho ngành Y tế và các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn.
Ngoài ra, các khó khăn và thách thức tiếp tục liên quan đến thực trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; một số loại dịch bệnh; Tình trạng chênh lệch chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng ở các vùng; Quản lý đào tạo chất lượng và nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế; Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh cũng như phòng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu…