Khó khăn trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ

Với mục tiêu phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh hiện đại, kết hợp yếu tố truyền thống, đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu giao thương hàng hóa, phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân ở địa phương, năm 2018, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Đề án số 04/ĐA-UBND về phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (gọi tắt Đề án số 04). Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ còn rất hạn chế...

Theo thông tin từ Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), qua thời gian thực hiện Đề án số 04, Sóc Trăng chỉ đạt được mục tiêu phát triển số lượng chợ còn các mục tiêu khác đều không đạt. Cụ thể, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 124 chợ (trong đó có 82 chợ kiên cố và bán kiên cố, 38 chợ tạm, 1 chợ nổi, 1 chợ đêm, 2 chợ hạng 3 chưa xây dựng kiên cố, bán kiên cố). Như vậy, số lượng chợ đạt cao hơn so với mục tiêu Đề án số 04 đề ra là 118 chợ. Tuy nhiên số lượng chợ kiên cố và bán kiên cố, chợ đầu mối chưa đạt yêu cầu (thấp hơn 14 chợ kiên cố và bán kiên cố, 1 chợ đầu mối nông sản, 1 chợ chuyên doanh nông sản, 1 chợ đầu mối thủy sản, 1 chợ đầu mối trái cây).

Chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng vẫn chưa thể chuyển đổi mô hình quản lý cho doanh nghiệp do tiểu thương không đồng thuận. Ảnh: H.LAN

Chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng vẫn chưa thể chuyển đổi mô hình quản lý cho doanh nghiệp do tiểu thương không đồng thuận. Ảnh: H.LAN

Toàn tỉnh có 73/86 chợ hoạt động hiệu quả, chiếm tỷ lệ 84,88% trong tổng số chợ toàn tỉnh (không bao gồm 38 chợ tạm), chưa đạt mục tiêu đề ra (đạt 90%). Trong 124 chợ, có 1 chợ do hợp tác xã quản lý, 7 chợ do doanh nghiệp quản lý, 42 chợ do ban quản lý chợ quản lý, 21 chợ do tổ quản lý chợ quản lý, 3 chợ địa phương giao khoán cho một người tại địa phương quản lý, 50 chợ do cán bộ xã quản lý (trong đó có 38 chợ tạm), nếu so với đề án cũng không đạt. Việc thực hiện xây mới, nâng cấp, sửa chữa chợ không đạt mục tiêu đề ra…

Những nguyên nhân gây khó khăn trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ, là do hiện nay nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển chợ còn hạn chế trong khi việc huy động vốn của các nguồn khác thì khó khăn, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến các dự án nơi có lợi thế thương mại (tập trung chủ yếu ở thành phố và các thị trấn của huyện, thị) có khả năng thu hồi vốn nhanh và sinh lợi cao, trong khi các chợ nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu đầu tư lớn mà không kêu gọi được doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư do đa số là chợ có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân cư, hiệu quả kinh tế thấp. Quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng chợ phức tạp, kéo dài gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư, trong khi đó chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ nên chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển chợ.

Song song đó, việc lấy ý kiến đồng thuận của người dân, đặc biệt là các hộ tiểu thương kinh doanh chợ gặp nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng và đủ về chủ trương xã hội hóa chợ của Chính phủ và tâm lý ngại thay đổi; công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân và các hộ tiểu thương về chủ trương xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn hạn chế.

Đồng chí Phan Út Hiền - Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, toàn tỉnh có 61 chợ hoạt động khá tốt, tốt, 23 chợ hoạt động không hiệu quả thuộc danh mục chợ kiên cố, bán kiên cố dự kiến kêu gọi đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn, kết quả thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ còn rất hạn chế, chỉ có 9/84 chợ (chiếm tỷ lệ 10,71%) thực hiện được việc chuyển đổi mô hình từ ban quản lý chợ sang mô hình giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác chợ; một số chợ trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp, khảo sát cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh khai thác và quản lý chợ, thời gian kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa thực hiện được do đa số tiểu thương tại chợ không đồng tình.

Bởi theo lý giải của nhiều tiểu thương, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ có nguy cơ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, mua bán của họ. Chị L - một tiểu thương tại chợ Trung tâm TP. Sóc Trăng lo lắng, nếu chuyển đổi sang cho doanh nghiệp quản lý, vị trí kinh doanh hiện hữu sẽ thay đổi, giá thuê ki-ốt cao hơn… sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chị. Còn chị B chỉ đồng ý chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho tư nhân khi không đổi vị trí kinh doanh hiện tại của từng tiểu thương và giá thuê ngang bằng với giá của Nhà nước.

Là đơn vị được chọn thực hiện thí điểm mô hình xã hội hóa chợ Trung tâm thành phố nhưng theo Phòng Kinh tế TP. Sóc Trăng, trong hướng dẫn của Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, khi triển khai thực hiện lấy ý kiến của hộ tiểu thương về phương án chuyển đổi, qua nhiều lần lấy ý kiến không đạt mà theo quy định phải được sự đồng thuận của 2/3 hộ tiểu thương tại chợ nên rất khó thực hiện. Do đó để thực hiện chuyển đổi mô hình chợ đề nghị Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mục 3 điều 2 của Quyết định số 16 sao cho phù hợp hơn, để tạo điều kiện cho thành phố sớm hoàn chỉnh phương án chuyển đổi.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các dự án chợ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà ở đây hiệu quả kinh tế rất thấp nên không thể kêu gọi nguồn xã hội hóa nhưng hiệu quả xã hội thì rất lớn nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để dần thay đổi diện mạo thương mại và rút ngắn khoảng cách với các chợ vùng trung tâm. Tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ… Bên cạnh đó, cần xem xét thêm các kiến nghị, đề xuất của tiểu thương về bố trí vị trí kinh doanh, giá thuê ki-ốt sao cho phù hợp, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tiểu thương… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ của tỉnh trong thời gian tới.

H.LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/kho-khan-trong-chuyen-doi-mo-hinh-kinh-doanh-khai-thac-quan-ly-cho-55197.html