Khó khăn trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh và tạo những tác động tích cực. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển chung nhưng cũng mang đến nhiều thách thức trong quản lý, bảo đảm ATTP. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo đảm ATTP liên quan đến nhiều ngành. Các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP khi đi vào thực tế vẫn có những bất cập. Đây là những khó khăn ảnh hưởng đến việc bảo đảm ATTP, đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ.

6 tháng đầu năm 2024, cùng với hoạt động kiểm tra, hậu kiểm theo kế hoạch, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tập trung kiểm tra vào các đợt cao điểm như Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, các lễ hội, sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh... Hoạt động kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về ATTP tại cơ sở thực phẩm được đẩy mạnh theo chỉ đạo của Sở Y tế và các cơ quan chức năng. Các trường hợp vi phạm được xử lý đúng quy định và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tính đến ngày 30/6/2024, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP tuyến tỉnh đã kiểm tra tổng số 105 cơ sở thực phẩm (trong đó 98/142 cơ sở được phê duyệt năm 2024, đạt 69,0% kế hoạch năm; 7 cơ sở kiểm tra theo yêu cầu quản lý của cơ quan chức năng). Số cơ sở đạt là 95/105 cơ sở (chiếm 90,5%). Các đoàn đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đơn vị có thẩm quyền xử lý đối với 10 cơ sở thực phẩm có vi phạm. Trong đó phạt tiền 88 triệu đồng đối với 6 cơ sở; chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền đối với 2 cơ sở; thanh tra Sở Y tế giải quyết 2 cơ sở có vi phạm...

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh kẹo, đồ uống ở TP Phủ Lý.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh bánh kẹo, đồ uống ở TP Phủ Lý.

Hành vi vi phạm bị xử lý bao gồm: sản xuất, kinh doanh khi không có Giấy đăng ký kinh doanh, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng đã hết hiệu lực; không bảo đảm về khoảng cách an toàn đối với nguồn ô nhiễm (gần đường giao thông nhưng không có biện pháp che chắn khói, bụi...); sử dụng người lao động mà không mang mặc trang phục bảo hộ lao động đầy đủ; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP trong bảo quản thực phẩm và vận chuyển động vật chết không bảo đảm vệ sinh thú y...

Mặc dù Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành chức năng chủ động, tích cực, tuy nhiên công tác bảo đảm ATTP vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, hiện tại theo quy định mỗi năm chỉ được kiểm tra không quá 1 lần/năm với cùng một nội dung/cơ sở, doanh nghiệp, đồng thời việc kiểm tra phải thông báo trước đã ảnh hưởng đến việc thực hiện và hiệu quả công tác kiểm tra ATTP. Vì được thông báo trước, nếu cơ sở, doanh nghiệp có vi phạm chắc chắn sẽ tìm cách che giấu, khi đoàn kiểm tra đến khó nắm bắt được tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra phải được phê duyệt của Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra tỉnh. Có thể một cơ sở, doanh nghiệp nhiều năm sẽ không được kiểm tra về ATTP.

Bên cạnh đó, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động. Nhiều cơ sở khi xây dựng kế hoạch thì còn hoạt động, nhưng khi thông báo kiểm tra thì đã dừng hoặc đang tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ tới chỉ tiêu kế hoạch được duyệt. Sự tham gia của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong lĩnh vực ATTP còn hạn chế. Công tác phối hợp liên ngành chỉ tập trung trong những dịp trọng điểm và vẫn còn sự chồng chéo trong quá trình tổ chức triển khai.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Dương, từ ngày 01/7/2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh không còn chức năng thanh tra chuyên ngành về ATTP. Chi cục trưởng không còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Trong xử lý vi phạm hành chính khi phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong vòng 24 giờ. Với quy định như trên đã gây không ít khó khăn, vướng mắc cho đơn vị lập biên bản vi phạm và cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý vi phạm do không bảo đảm về thời gian chuyển hồ sơ.

Về những khó khăn, bất cập trên, theo ý kiến của lãnh đạo một số đơn vị phụ trách về việc bảo đảm ATTP, cần đề xuất để cấp có thẩm quyền tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm ATTP; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm về lĩnh vực ATTP. Bên cạnh đó, tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị thực hiện công tác ATTP, nhất là tuyến huyện, xã. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP từ tỉnh đến cơ sở.

Quan tâm bố trí ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm ATTP; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm ATTP...

Cho phép kiểm tra, giám sát ATTP định kỳ, đột xuất tại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm mà không báo trước để phản ánh đúng thực tế việc chấp hành bảo đảm ATTP ở các cơ sở, doanh nghiệp, từ đó có sự chấn chỉnh kịp thời.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/kho-khan-trong-cong-tac-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-130319.html