Khó khăn trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chăn nuôi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 761 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung, bao gồm 1 cơ sở giết mổ gia súc và 1 cơ sở giết mổ gia cầm, còn lại toàn bộ là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư.
Ước tính, số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ hằng ngày tại các cơ sở nhỏ lẻ vào khoảng 800 con gia súc (trâu, bò, lợn) và khoảng 5.000 con gia cầm. Ngoài ra, còn một lượng lớn gia súc, gia cầm được người dân tự giết mổ tại nhà.
Đến nay, cơ quan chuyên môn mới thực hiện kiểm soát giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ tập trung là cơ sở giết mổ gia súc của Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt ở xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên và Nhà máy giết mổ gia cầm Hợp Châu ở thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo và 2 cơ sở nhỏ lẻ khác.
Số lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ trung bình hằng ngày chỉ đạt 5 con trâu, bò; 20 con lợn và hơn 1.700 con gia cầm. Con số trên là quá khiêm tốn so với lượng gia súc, gia cầm hàng chục nghìn con được giết mổ trung bình hằng ngày trên toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư, chưa được chủ cơ sở quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ giết mổ đảm bảo, cũng như hệ thống xử lý chất thải, nước thải; tổ chức giết mổ trực tiếp trên sàn, chưa có khu giết mổ riêng biệt… nên dễ xảy ra nhiễm khuẩn trong và sau quá trình giết mổ.
Do vậy, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm soát giết mổ đưa ra thị trường tiêu thụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.
Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã có cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ, nhưng đến nay không nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mặn mà tham gia.
Từ năm 2015 đến nay, chỉ có 1 doanh nghiệp tư nhân là Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt đầu tư cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhưng hoạt động cầm chừng. Cụ thể, với công suất thiết kế giết mổ 200 con lợn/ngày, nhưng từ khi đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, trung bình cơ sở này chỉ giết mổ chưa đến 20 con lợn/ngày, dưới 10% công suất thiết kế.
Nguyên nhân chính là việc đầu tư cơ sở giết mổ tập trung quy mô cần nguồn vốn lớn, chi phí vận hành cao, việc vận chuyển gia súc, gia cầm đến nơi giết mổ và đưa đi tiêu thụ phát sinh nhiều vấn đề, nên cạnh tranh được với các cơ sở nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn có tâm lý tiện thể, sẵn sàng sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát giết mổ, vô tình tạo điều kiện cho những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng vẫn ung dung tồn tại.
Theo Sở NN&PTNT, để nâng cao hiệu quả kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trước tiên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về vai trò quan trọng của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đối với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn; các cơ sở quy mô nhỏ, vừa tại các địa phương, từ đó đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư để thu gom các cơ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vào các khu này.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, dừng hoạt động các cơ sở giết mổ không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện an toàn vệ sinh theo quy định…