KHÓ KHĂN TRONG LỰA CHỌN NHÀ THẦU TƯ VẤN

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn nhà thầu tư vấn là một trong những vấn đề nổi cộm được các Bộ đề cập tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch với 5 bộ, ngành thuộc khối văn hóa, xã hội.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, báo cáo của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" đều cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong khâu lựa chọn tư vấn.

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, gặp một số khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu tư vấn. Trong đó, đối với Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao cho Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ làm chủ đầu tư dự án để triển khai các thủ tục và các công việc theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.

Đơn vị chủ đầu tư dự án đã thuê tư vấn đấu thầu và thực hiện việc đấu thầu qua mạng từ ngày 09/02/2021, đến hết ngày 09/3/20121 (thời điểm đóng thầu theo quy định của Hồ sơ mời thầu), chủ đầu tư dự án không nhận được Hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Đây là tình huống được quy định tại Điều 86 Luật Đấu thầu năm 2013 và khoản 4, Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu, theo đó, chủ đầu tư dự án đã quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 01 tuần, thời hạn mở thầu mới đến 15/3/2021 nhằm tăng thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các nhà thầu. Tuy nhiên, đến hết thời điểm đóng thầu 15/3/2021 vẫn không nhận được hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Xét thấy đây là tình huống phát sinh chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong pháp luật về đấu thầu, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu làm chậm tiến độ triển khai xây dựng Quy hoạch. Căn cứ vào quy định hiện hành về pháp Luật Đấu thầu, chủ đầu tư đã hủy thầu và báo cáo đề xuất các phương án.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, tình trạng không lựa chọn được nhà thầu xuất phát do một số nguyên nhân: Đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống quy hoạch cả nước được xây dựng một cách tổng thể, có mối quan hệ hữu cơ cả về chiều dọc giữa các cấp của Quy hoạch, từ Quy hoạch tổng thể quốc gia đến quy hoạch các tỉnh, thành phố cũng như tính liên kết chiều ngang giữa các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, tỉnh, thành phố. Đối với các quy hoạch ngành quốc gia thì mỗi quy hoạch lại mang tính tổng thể, thống nhất của cả ngành đó chứ không quy hoạch riêng lẻ như trước đây. Do vậy, đây là nhiệm vụ mới và khó, yêu cầu đơn vị tổ chức xây dựng quy hoạch phải có đủ năng lực, kinh nghiệm và khả năng bao quát tổng thể cho toàn ngành. Mặt khác, do đặc trưng, yêu cầu của một số quy hoạch ngành quốc gia đặc thù, ví dụ như báo chí, thông tin đối ngoại…. là những lĩnh vực liên quan đến thông tin, văn hóa, tư tưởng, là lĩnh vực vừa mang tính nền tảng chính trị vừa mang tính định hướng thông tin. Với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không được “tư nhân hóa báo chí”, đồng thời thông tin đối ngoại có nhiều thông tin, định hướng mật không phổ biến, các quy hoạch về báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại từ trước đến nay đều do các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng…. Tất cả các yêu cầu này dẫn đến kết quả là không có nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo Điều 4 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và không có nhà thầu nào tham gia dự thầu.

Trong khi đó, xét về năng lực thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thì các Viện Chiến lược của các Bộ, ngành là những đơn vị có đầu đủ kinh nghiệm, năng lực và am hiểu ngành nhất lại không được thực hiện các nội dung tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia mà phải mời các đơn vị thầu khác do quy định tại Khoản 2a, Điều 6 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu “Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với Chủ đầu tư, bên mời thầu”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Tình huống này cũng xảy ra đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là quy hoạch mới, lần đầu được lập, hơn nữa hệ thống trung tâm này cũng mới được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân, đòi hỏi đơn vị, cá nhân tư vấn phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, đi sâu vào lĩnh vực giáo dục đặc biệt, nên quá trình xây dựng và đưa ra đấu thầu đã gia hạn 3 lần vẫn chưa tìm được đơn vị tham gia đấu thầu.

Đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, số lượng các đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để có thể lập 02 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 -2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là rất ít do trước đây chủ yếu giao cho các Viện thuộc Bộ chủ trì lập; đồng thời tổng dự toán thấp nên khi tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn như: xây dựng hồ sơ mời thầu cần tính toán mức độ quan tâm của các nhà thầu trên thực tế; ký kết Hợp đồng cần bàn thảo, thống nhất kỹ lưỡng để kịp trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn được giao và đảm bảo yêu cầu đồng bộ với các quy hoạch khác theo quy định của Luật Quy hoạch,…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Cho biết về khó khăn trong lựa chọn nhà thầu tư vấn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành với khối lượng rất lớn trong khi lực lượng tư vấn lập quy hoạch đáp ứng yêu cầu theo phương pháp và cách làm mới của Luật Quy hoạch nói chung thiếu, do đó việc việc chọn tư vấn phù hợp mất nhiều thời gian, cũng ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch.

Trước những bất cập này, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030. Theo đó có quy định: “Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy hoạch tại Điều 26 Luật Đấu thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa tổ chức lựa chọn được nhà thầu lập quy hoạch; các bộ, ngnfh xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu cho từng quy hoạch cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện. Đối với các quy hoạch thuộc lĩnh vực đảm bảo bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật được thực hiện chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu”.

Thực hiện theo Nghị quyết này, các Bộ đã xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu cho từng quy hoạch cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, phương án này dẫn tới thủ tục phải điều chỉnh dự toán khi áp dụng Điều 25 Luật Đấu thầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến Quy hoạch đã bị kéo dài thời gian bắt đầu tổ chức lập quy hoạch và tiến độ lập quy hoạch bị kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62977