Khó khăn trong sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nghiêm túc, đúng lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, góp phần xây dựng hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ðến nay, các đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động ổn định song sau sắp xếp, vấn đề bố trí cán bộ, công chức, viên chức dôi dư vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, TP. Ðiện Biên Phủ tiến hành sáp nhập 2 xã: Thanh Minh và Tà Lèng thành 1 xã mới là xã Thanh Minh. Sau sáp nhập, xã Thanh Minh (mới) có tổng số 39 cán bộ, công chức, số dôi dư là 21 người. Một số giải pháp đang được UBND TP. Ðiện Biên Phủ tính toán, áp dụng đối với cán bộ, công chức dôi dư như: Ðiều động, luân chuyển đến các xã có các vị trí còn khuyết; luân chuyển từ cấp xã lên cấp thành phố đối với những người đủ điều kiện; giải quyết chế độ nghỉ hưu; giải quyết nghỉ việc. Năm 2020, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã thực hiện bố trí, sắp xếp cho 6 cán bộ, công chức; còn lại 15 người sẽ tiếp tục giải quyết, sắp xếp theo lộ trình 5 năm theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định là thế, song UBND TP. Ðiện Biên Phủ cũng đang rất khó khăn để giải quyết vấn đề trên. Bởi vì thực hiện Nghị định 34/2019/NÐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố, mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 người nên các vị trí khuyết trên địa bàn không còn. Nếu giải quyết chế độ nghỉ hưu thì đa số đều chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, hiện nay tỉnh chưa có giải pháp về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố không thực hiện sắp xếp được buộc phải thôi việc. Như vậy, nếu giải quyết nghỉ việc thì rất thiệt thòi cho cán bộ, công chức.

Ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho biết: Ðến nay, xã mới đã hoạt động ổn định; bộ máy hành chính vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. Sau sáp nhập, xã còn 15 cán bộ, công chức dôi dư chưa thể bố trí công việc trong năm 2020; dự kiến sắp xếp trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong thời gian chờ đợi, 15 cán bộ, công chức này đã được UBND TP. Ðiện Biên Phủ trưng tập lên làm việc tại các phòng, ban, các hội, đoàn thể của thành phố. Các chế độ, chính sách vẫn được chi trả theo đúng quy định của Nhà nước.

Trước khi sáp nhập, bà Nguyễn Thị Hương là công chức tư pháp của UBND xã Tà Lèng. Sau sáp nhập, bà Hương là 1 trong 21 cán bộ, công chức dôi dư chưa thể bố trí vị trí phù hợp. Theo quy định, Nhà nước vẫn phải trả lương cho cán bộ, công chức dôi dư dù họ không làm việc. Do đó, TP. Ðiện Biên Phủ đã tính toán giải pháp đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức là trưng tập bà Hương lên làm việc tại Thanh tra TP. Ðiện Biên Phủ.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Từ đầu tháng 1, tôi được UBND TP. Ðiện Biên Phủ trưng tập lên làm việc tại Thanh tra thành phố. Ðối với chế độ chính sách về tiền lương và các chế độ khác theo quy định, tôi vẫn được UBND xã Thanh Minh chi trả theo từng tháng như trước đây. Tuy nhiên, tôi lo lắng bởi vì hiện tại công việc chưa ổn định và sắp tới sẽ làm việc vị trí nào, ở đâu.

Tuy không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhưng huyện Ðiện Biên là đơn vị cấp huyện điển hình trong thực hiện sắp xếp thôn, bản và hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Ðến nay, 4 cơ quan chuyên môn có chức năng tương đồng của huyện Ðiện Biên đã sáp nhập thành 2 cơ quan; sáp nhập 7 đơn vị sự nghiệp thành 3 đơn vị; 10 trường học thành 5 trường; 239 thôn, bản thành 119 thôn, bản mới. Bên cạnh đó, huyện thực hiện nghiêm chủ trương đưa công an chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã; giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản. Ðối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn bản không được sắp xếp, huyện đã giải quyết cho nghỉ việc. Số cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã được huyện bố trí, luân chuyển về các cơ quan, đơn vị còn khuyết các vị trí phù hợp theo đúng đề án các đơn vị xây dựng. Vấn đề hiện nay là huyện vẫn còn 5/21 xã chưa bố trí được vị trí phù hợp cho trưởng công an xã (cũ) sau khi lực lượng công an chính quy về xã.

Giải quyết vấn đề cán bộ dôi dư như thế nào cho hợp lý, thỏa đáng đang là vấn đề khó của các xã sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Bởi thế, để thực hiện đúng mục tiêu các địa phương cần tính toán kỹ các phương án trong sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, đảm bảo có lý có tình, tránh chồng chéo. Bởi đây chính là mấu chốt tạo sự ổn định của đơn vị sau sáp nhập.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/182251/kho-khan-trong-sap-xep-can-bo-doi-du-sau-sap-nhap