Khó khăn trong thực hiện Chương trình OCOP ở Bắc Hà

Chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế… là những rào cản trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở Bắc Hà.

Quả mận Tam hoa sấy dẻo đã đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh nhưng đang khó khăn về mở rộng quy mô sản xuất.

Từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, huyện Bắc Hà có 8 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao (chè hữu cơ Bản Liền), 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (rượu Bản Phố), 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao (trà túi lọc linh chi - atiso, trứng gà đen Bắc Hà, quả mận Tam hoa sấy dẻo, rau cải kale, tinh dầu quế Nậm Đét và cốm Na Lo).

Năm 2022 có 7 sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện đăng ký tham gia chương trình, gồm gạo khẩu rang, dâu tây Lùng Phình, mận Tam hoa, lạc đỏ và nụ hoa tam thất Nậm Mòn, trà túi lọc atiso Na Hối, du lịch trải nghiệm vườn hồng Bắc Hà. Tuy nhiên, những sản phẩm này đang gặp khó trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Để giúp các cơ sở phát triển sản phẩm đặc trưng, gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, UBND huyện đã tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP về xây dựng phương án kinh doanh và phát triển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thiết kế tem nhãn, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quảng bá sản phẩm trong các hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Bắc Hà vẫn còn gặp một số khó khăn như chưa thu hút được các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng sản phẩm đồng đều. Việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn hạn chế...

Quả mận Tam hoa sấy khô của HTX Quang Tom, xã Tà Chải đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó. Chị Sải Thị Bích Huế, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm cho biết: 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản phẩm quả mận tươi tiêu thụ chậm nên chúng tôi thu gom được nhiều nguyên liệu để sản xuất mận sấy khô. Năm nay du lịch mở cửa trở lại, thị trường tiêu thụ quả mận tươi có nhiều khởi sắc. Đây là tín hiệu vui cho người trồng mận nhưng với HTX lại đối mặt với bài toán giá nguyên liệu đầu vào tăng, nguồn cung giảm. Do sản xuất theo phương pháp thủ công là chủ yếu nên việc bảo quản, nâng cấp chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế.

Còn với quả mận Tam hoa tươi, đây là sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của huyện từ nhiều năm nhưng việc tiêu thụ chủ yếu vẫn theo kiểu đóng bao, đóng sọt không nhãn mác. Mặc dù chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhưng rất ít hộ mặn mà, bởi theo người dân địa phương, để được chứng nhận OCOP cần nhiều thủ tục, chi phí, trong khi giá bán không cao hơn nhiều.

Những khó khăn, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân chủ quan. Đó là quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Về khách quan, Bắc Hà là huyện vùng cao với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến giao thương, vận chuyển nông sản. Các cơ sở kinh doanh, chế biến rất ít, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán các sản phẩm thô. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức kinh tế phần lớn là nông dân, việc tiếp cận và cải tiến, áp dụng công nghệ trong sản xuất còn yếu. Rất ít sản phẩm có thể sản xuất với số lượng lớn để đáp ứng tiêu chí OCOP. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn lúng túng, chưa bố trí kinh phí xây dựng các điểm bán hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làm ra, kinh phí xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cao, nhiều thủ tục, trong khi phần lớn chủ thể gặp khó về nguồn vốn kinh doanh…

Trong thời gian tới, huyện Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể thực hiện chương trình; xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát huy tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư. Đồng thời, huy động nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức kinh tế để thực hiện chương trình; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356837-kho-khan-trong-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-o-bac-ha