Khó khăn trong triển khai quy hoạch đô thị vệ tinh Thủ đô Hà Nội
Sau nhiều năm chủ trương, 5 khu đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội vẫn chưa được hình thành, trong khi khu vực nội đô đã quá tải.
Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành thành phố, thủ đô có diện tích và dân số top đầu trên thế giới. Quy hoạch thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng được xây dựng, phê duyệt để triển khai.
TS. Vũ Hoài Đức, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét, quy hoạch thành phố Hà Nội trong giai đoạn này là quy hoạch lớn nhất trong lịch sử, với nhiều nội dung, lĩnh vực, có thể kể đến như phát triển nông thôn, giáo dục, nhà ở, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, làng nghề, bảo tồn di sản…
Tuy nhiên, việc quy hoạch thành phố Hà Nội đang vướng phải nhiều khó khăn, cản trở. Theo thời gian, quy mô và cơ cấu dân số khu vực nội đô đang dần vượt ngưỡng khống chế, gây ra nhiều hệ lụy như tắc đường, ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn, khó khăn trong quản lý chất thải rắn… làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội.
Trong đó, vùng nội đô lịch sử đang xảy ra nghịch lý khi dân số ở khu phố cổ, phố cũ giảm nhưng lại tăng ở các khu vực còn lại, gây ra sự quá tải về hệ thống, đặc biệt là hệ thống giao thông.
Giải quyết vấn đề trên, bên cạnh việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nội đô, thành phố Hà Nội cũng chủ trương xây dựng những khu đô thị vệ tinh.
Cụ thể, Thủ đô Hà Nội chủ trương phát triển 5 khu đô thị vệ tinh, bao gồm Xuân Mai, Hòa Lạc, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn. Trong đó, khu đô thị Hòa Lạc được định hướng với chức năng khoa học, công nghệ, đào tạo, sinh thái và nghỉ dưỡng; Sơn Tây là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch; Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên là khu đô thị công nghiệp, giao thông, phụ trợ.
Theo dự kiến, 5 khu đô thị này có khả năng dung nạp khoảng 1,4 triệu người, gánh bớt áp lực về dân số và phát triển cho vùng nội đô, bên cạnh việc thúc đẩy tính liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
5 khu đô thị này cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác thu hút vốn đầu tư, định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sau nhiều năm định hướng phát triển, dù đã có những động lực về cơ sở hạ tầng giao thông nền tảng như sân bay, đường quốc lộ, đường cao tốc, khu chế xuất… việc phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội diễn ra tương đối chậm chạp.
Ông Huy lý giải điều này là do những thách thức “khó có khả năng giải quyết trong một sớm một chiều”, như việc chuyển hóa khu vực nông nghiệp sang đô thị, khu vực nông thôn sang khu dân cưu mới, chuyển đổi đất đai canh tác sang không gian xanh… làm cản trở tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng dân cư tại khu vực đô thị vệ tinh, khó thu hút người dân chuyển ra sinh sống.
“Những khó khăn trên sẽ trở thành hạn chế trong việc phát triển đô thị bền vững nếu không sớm có giải pháp khắc phục”, chuyên gia quy hoạch nhận định.
Riêng với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, trao đổi với TheLEADER, ông Huy nhận xét, thành phố Hà Nội đang tạo rất nhiều điều kiện để phát triển Hòa Lạc đúng với định hướng trở thành khu công nghệ cao, đặc biệt phải kể đến đường cao tốc Hòa Lạc, dự án kéo dài tuyến đường đô thị số 5 và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Hòa Lạc cũng là khu đô thị vệ tinh lớn nhất, có quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố Hà Nội nếu xây dựng thành công đô thị Hòa Lạc sẽ tạo ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho phát triển 4 khu đô thị vệ tinh còn lại.
Tuy nhiên, ông Huy nhận xét, thành phố cần cân nhắc kỹ lưỡng quy mô phát triển của đô thị Hòa Lạc khi đang chiếm dụng diện tích tương đối lớn nhưng lại chưa xây dựng được nhiều công trình hạ tầng.
Để phát triển thành công 5 khu đô thị vệ tinh cũng như thực hiện tốt các mục tiêu quy hoạch khác của thành phố, TS. Huy đề nghị cần có kế hoạch mang tính chiến lược, linh hoạt thay vì toàn diện, cứng nhắc. Việc đầu tư cần đồng bộ, có trọng tâm, tránh dàn trải dẫn đến thiếu hệ thống và không có được sự hoàn chỉnh.